Trước đây, phần lớn bố mẹ thường khuyên con học giỏi để có tấm bằng đại học rồi xin việc và đó cũng chỉ là đi làm thuê. Phụ huynh chưa khuyến khích con em mình khởi nghiệp. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy của phụ huynh và xã hội.
Các trường cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn
Lương vài triệu/tháng tại sao về hưu mới khởi nghiệp, có tấm bằng đại học cũng chỉ đi làm thuê là những trăn trở của các chuyên gia tại Tọa đàm “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo” do Bộ GDĐT tổ chức mới đây.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng muốn có nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp phải có xã hội khởi nghiệp, người người, nhà nhà chia sẻ tinh thần khởi nghiệp. Và muốn có xã hội ấy, phải bắt đầu từ giáo dục khởi nghiệp.
Ông Thi chia sẻ: “Trước đây, phần lớn bố mẹ thường khuyên con học giỏi để có tấm bằng đại học rồi xin việc đi làm. Việc làm ấy vẫn chỉ là đi làm thuê. Phụ huynh chưa khuyến khích con em mình khởi nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy của phụ huynh và xã hội. Chúng ta cần có tư duy khuyến khích con em mình khởi nghiệp, dấn thân trên con đường khởi nghiệp”.
Nhìn nhận đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp như một kim tự tháp, TS Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay kim tự tháp này có 3 phần: phần đế là sáng tạo, phần giữa là đổi mới và phần ngọn là khởi nghiệp. Mỗi phần đều có sự xuất hiện của trường đại học. Tuy nhiên, các trường đại học hiện nay cần chú trọng hơn đến cụm từ đổi mới sáng tạo nhiều hơn.
GS-TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên bày tỏ về tầm nhìn của các trường trong khởi nghiệp. Theo GS Quang, một sinh viên đại học chi tiêu theo mức cơ bản là 6-7 triệu đồng/tháng. Sau khi ra trường, người đó đi làm công chức với mức lương vài triệu đồng/tháng.
Đến hơn 30 năm sau về hưu, họ lại bắt đầu khởi nghiệp. Vậy tại sao không cho họ khởi nghiệp trước đó 30 năm?
"Điều này đặt ra cho chúng ta suy nghĩ phải khởi nghiệp sớm lên, phải dẫn đường cho xã hội. Đó là tầm nhìn của trường đại học” - ông Quang trao đổi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến động lực của hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường. Ảnh: moet
Nhận định sinh viên còn thiếu điều kiện để hiện thực hoá ý tưởng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Học sinh, sinh viên là những người có khát vọng, đam mê, nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp nhưng thiếu các điều kiện để hiện thực hóa.
Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 mở ra cơ hội, tạo môi trường cho các em, cũng như mỗi nhà trường được trở thành một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia".
Theo Bộ trưởng, khởi nghiệp là hoạt động cần lan tỏa nhưng không có nghĩa là làm đồng khởi, tràn lan mà lựa chọn một số cơ sở giáo dục làm tốt để hình thành nên những nhóm khởi nghiệp mạnh. Từ đó kết nối một cách tự nhiên. Động lực khởi nghiệp là điều xuyên suốt, tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh thêm, các trường cũng cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Cơ chế chính sách, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên.
Thứ trưởng cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là thay đổi nhận thức từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động