Trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2017, trên địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã làm nhiều người thiệt mạng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, trường học, nhà cửa, tài sản, hoa màu của hàng trăm hộ dân bị chôn vùi.
Học sinh vùng cao đội mưa đến trường. Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Trong số những điểm bị thiệt hại nặng, Trường Mầm non Đoàn Kết bị sập tường, bùn đất ngập sâu đến cả mét. Tất cả các thiết bị dạy học, đồ chơi của của nhà trường đều bị hư hại, đến nay, đất đá vẫn ngổn ngang.
Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đoàn Kết Nguyễn Thị Mai chia sẻ, hiện nay có hơn 40 cháu được chia thành 2 lớp (mỗi lớp học chỉ có diện tích khoảng 20m2) vẫn phải học nhờ, học tạm tại Nhà văn hóa xóm Cang, xã Đoàn Kết.
Mái của nhà văn hóa được lợp bằng tôn, dột nát nên khi nắng lên thì nóng như mùa hè, tắt nắng lại chẳng khác gì mùa đông.
Nước sinh hoạt không có để dùng, các cô giáo bảo nhau góp tiền mua ống nhựa để dẫn nước từ con suối gần đó về để nấu nướng, sinh hoạt nhưng nguồn nước này cũng không đảm bảo vệ sinh.
Điện sinh hoạt tại đây cũng lúc được, lúc mất nên nhiều khi các cô phải cho các cháu ngồi cả buổi ngoài sân để vừa học, vừa chơi...
Nhà vệ sinh không có, nên cô và trò Trường Mầm non Đoàn Kết gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Trường phải thuê thêm nhà của một hộ dân cách đó 500m để làm bếp nấu ăn cho các cháu.
Cô giáo Lò Thị Mơ bộc bạch, đường đi từ trung tâm huyện vào xã xa xôi, ngày mưa mặt đường trơn trượt lầy lội bùn đất, có những đoạn dốc dựng đứng khiến mọi người phải dắt xe hàng cây số mới có thể vượt qua.
Cùng với đó, điều kiện dạy học như hiện nay của trường thiếu thốn cả về vật chất, nơi ăn chốn ở... có những lúc cô Mơ cùng các đồng nghiệp tưởng như phải bỏ nghề. Nhưng vì các em nhỏ, các cô giáo lại động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đến trường, đứng lớp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đoàn Kết Lường Văn Vinh cho biết, trận lũ lịch sử đã gây nhiều thiệt hại ở xã Đoàn Kết, chính quyền địa phương đã phải di dời hơn 50 hộ dân, riêng cô và trò Trường Mầm non Đoàn kết phải học tạm, học nhờ Nhà văn hóa xóm Cang.
Xã mong muốn các cấp, các ngành sớm quan tâm, có kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, hạ tầng khang trang để đảm bảo cho các cháu nhỏ học tập. Đồng thời, để cha mẹ các cháu và giáo viên nhà trường yên tâm công tác, lao động, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng cao.
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc có kế hoạch xây dựng khu phòng học mới ở đồi cao để tránh được lũ ống, lũ quét mỗi khi mùa mưa lũ về. Tuy nhiên do địa phương còn nghèo nên rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm./.
Theo Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)