11
/
70296
Đổi quy chế thi THPT quốc gia: Hết thời học bạ là "phao cứu sinh"?
doi-quy-che-thi-thpt-quoc-gia-het-thoi-hoc-ba-la-phao-cuu-sinh
news

Đổi quy chế thi THPT quốc gia: Hết thời học bạ là "phao cứu sinh"?

Thứ 5, 14/02/2019 | 09:46:56
689 lượt xem

Nếu không nỗ lực để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nhiều học sinh sẽ có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019 với nhiều điểm mới. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019 với nhiều điểm mới. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Học sinh lo lắng

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công khai để lấy ý kiến đến hết ngày 31.3.2019. Ngoài những điểm mới tập trung vào giải pháp phòng ngừa gian lận, dự thảo quy chế còn có điểm mới tác động trực tiếp đến thí sinh là tăng tỉ lệ kết quả thi trong điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo đó, thay vì tính điểm xét tốt nghiệp dựa vào 50% điểm trung bình lớp 12 và 50% điểm của kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước, năm 2019 công thức tính tốt nghiệp được thay đổi khác hẳn.

Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Với thay đổi này, nhiều chuyên gia dự đoán tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có nhiều biến động. Nếu tính theo cách cũ, học sinh chỉ cần được 2-3 điểm/1 môn vẫn có khả năng đỗ tốt nghiệp nếu điểm học bạ cao. Còn tính theo công thức mới, học sinh được 4 điểm/môn trong kỳ thi THPT quốc gia vẫn có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

 

Công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT theo dự thảo quy chế thi THPT Quốc gia 2019. 

Theo tính toán của TS Lê Thị Thanh Mai (Đại học Quốc gia TPHCM), nếu áp dụng công thức của năm 2019, khả năng sẽ có 116.103 học sinh đủ điểm xét tốt nghiệp năm 2018 sẽ trở thành không đủ điểm để xét tốt nghiệp năm 2019. Nói cách khác, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm gần 15%.

Trước điểm mới trong dự thảo quy chế thi THPT quốc 2019, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng. Phùng Minh Tuấn (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết những ngày qua các bạn trong lớp của mình bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Rất nhiều bạn, đặc biệt học sinh có học lực trung bình lo sẽ bị trượt tốt nghiệp.

Tương tự, Đỗ Quỳnh Anh (Trường THPT Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết không dám đặt mục tiêu đỗ đại học lên trước nữa, mà phải cố gắng hết sức để vượt qua kỳ xét công nhận tốt nghiệp THPT.

“Đối với học sinh mất gốc như chúng em, đạt được điểm trung bình mỗi môn để đủ điều kiện xét tốt nghiệp cũng không hề dễ dàng. Chỉ hy vọng đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ dễ thở hơn năm ngoái”- Quỳnh Anh chia sẻ.

Hết thời điểm học bạ làm “phao cứu sinh”?

Trong khi học sinh lo lắng, các chuyên gia lại bày tỏ sự đồng tình theo hướng đổi mới cách tính điểm xét tốt nghiệp theo hướng giảm tỉ lệ điểm học bạ.

TS Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT) cho rằng những năm vừa qua, sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, các địa phương cũng công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT với những con số cao chót vót ở mức trên 90%, thậm chí 99%. Trong đó, điểm học bạ được xem là “phao cứu sinh” giúp không ít thí sinh dù được điểm thi THPT quốc gia thấp nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp.

Việc cân đối lại tỉ lệ trong cách xét điểm tốt nghiệp sẽ giúp học sinh và giáo viên phải học tập và giảng dạy một cách nghiêm túc, không được ỷ lại và mong chờ sự cứu vớt của thầy cô thông qua việc nâng đỡ điểm trung bình năm học lớp 12.

Dù vậy, ông cũng cho rằng, việc đổi mới này chỉ có hiệu quả khi không xảy ra tình trạng giáo viên của các trường phổ thông  càng “rộng tay” cho điểm học bạ để “cứu” học sinh.

Còn theo quan điểm của một số giáo viên, việc thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp theo tỉ lệ 70/30 được kỳ vọng sẽ đem lại tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thực chất, phản ánh trung thực hơn chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông.

Để tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp, hiện tại không còn cách nào khác là học sinh cần nhanh chóng ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị tốt cho kỳ thi quan trọng diễn ra vào tháng 6 tới.

Theo Bích Hà/Lao động

  • Từ khóa

Trường thu học phí giáo dục quốc phòng hơn 7,6 triệu đồng có hợp lý?

Nhiều sinh viên Trường đại học Công Thương TP.HCM phản ánh mức thu học phí môn giáo dục quốc phòng và an ninh của trường quá cao so với các trường khác....
15:14 - 06/01/2025
349 lượt xem

Học hộ, thi hộ: Việc nhẹ, lương cao?

Một số sinh viên vì nhiều lý do đã nhờ bạn bè hoặc tìm đến dịch vụ học hộ để đảm bảo yêu cầu về thời gian trên lớp...
10:36 - 06/01/2025
460 lượt xem

Giảm tải chương trình mới hết biến tướng dạy thêm

Thông tư mới về dạy thêm đã hạn chế hành vi "ép buộc học sinh học thêm" vốn gây bức xúc trong dư luận, song một số quy định vẫn còn khiến giáo viên băn...
09:47 - 06/01/2025
458 lượt xem

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Giai đoạn 2020-2024, hàng chục nghìn dự án khởi nghiệp của sinh viên ra đời, với hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ được thành lập. Tuy nhiên, số...
08:24 - 06/01/2025
498 lượt xem

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy...
07:21 - 06/01/2025
536 lượt xem