11
/
70056
Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới
giao-thua-huong-ve-que-huong-cua-cac-du-hoc-sinh-viet-tren-the-gioi
news

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới

Thứ 3, 05/02/2019 | 10:05:23
1,120 lượt xem

Từ nhiều quốc gia trên thế giới, dù vẫn bận rộn công tác, học tập nhưng các du học sinh Việt luôn cố gắng dành thời gian, tâm sức để thực hiện các hoạt động chào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, đặc biệt trong khoảnh khắc đón Giao thừa.

Ở đất Mỹ, anh Nguyễn Vĩnh Khương (nghiên cứu sinh cao học tại Đại học Arkansas, Hoa Kỳ) cho hay, các trường đại học Mỹ tất nhiên sẽ không nghỉ Tết Nguyên Đán, tuy nhiên, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ bằng cách này hay cách khác sẽ tổ chức mừng đón năm mới Kỷ Hợi của riêng mình.

Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại miền Trung nước Mỹ cũng không ngoại lệ. Nếu như tại Stillwater (bang Oklahoma), các du học sinh người Việt tại đại học Bang Oklahoma (Oklahoma State University) có buổi tất niên “cây nhà lá vườn” vào tối 28 Tết thì tại Fayetteville (bang Arkansas), du học sinh Việt Nam tại đại học Arkansas (University of Arkansas) cũng đã trang hoàng nhà cửa để sẵn sàng đón xuân, để đem không khí Tết quê nhà hiện diện trên vùng cao nguyên nước Mỹ.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 1

Trang hoàng đón Tết công phu chẳng kém ở quê nhà. 

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 2

Buổi tất niên với những món ăn đậm chất Việt Nam của cộng đồng du học sinh tại Oklahoma, Mỹ. 

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 3

Những phút giây hội ngộ quây quần đầm ấm của du học sinh Việt ở Mỹ.

"Thông thường, ở những năm trước, tôi sẽ canh giờ giao thừa ở Việt Nam để gọi về chúc Tết cả nhà. Tuy nhiên, mùng 1 Tết năm nay nhằm ngày thứ ba ở Việt Nam, vì thế giao thừa Tết Kỷ Hợi lại rơi vào trưa ngày thứ hai ở Mỹ.

Do là ngày đầu tuần, công việc khá là bận rộn để có thể gọi một cuộc gọi “video call” về chúc Tết gia đình đúng giờ giao thừa, nhất là năm nay tôi kẹt giờ “đứng lớp” trùng với giờ giao thừa ở Việt Nam. Thế nên, tôi đành linh động hẹn sáng ngày mùng 1 sẽ gọi về để chúc Tết, để vơi đi nỗi nhớ nhà", chàng trai 9X tâm sự.

Tại Úc, bạn Trần Quý Thư, Hoa khôi Du học sinh Việt Tài và Sắc tại Úc năm 2014 chọn cách tự học gói bánh chưng qua các video trên mạng.

Cựu Hoa khôi Việt tại Úc tâm sự: "Cứ mỗi lần xuân đến Tết về, không khí rộn ràng tưng bừng và mọi người ai ai cũng sắp xếp công việc để chuẩn bị về nhà sum họp, đón Tết cùng gia đình. Riêng các bạn du học sinh Việt như mình thì lại đón Tết theo cách khác.

Ở các nước Phương tây thì các dịp lễ Noel và năm mới tính theo dương lịch được xem như là đợt nghỉ lễ dài nhất trong năm, còn Việt Nam chúng ta thì ăn Tết Nguyên Đán theo âm lịch. Vậy nên, lại 1 năm nữa mình lại đón Tết xa nhà.

Dù mình được đi du học từ nhỏ nhưng không vì thế mà những truyền thống trong dịp Tết lại mất đi. Đặc biệt, bánh chưng và bánh tét thì không thể thiếu vào ngày Tết, nên mình đã thử lên mạng tìm kiếm rất nhiều những video clip và bài viết dạy cách làm bánh.

Các bạn biết đó, bánh chỉ có 3 nguyên liệu chính là gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ, nhưng những công đoạn từ sơ chế, chuẩn bị, gói bánh và nấu bánh thì khá phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo của người làm.

Để tiết kiệm thời gian nấu bánh, mình áp dụng mẹo nhỏ là xào nếp và hấp chín đậu xanh trước khi gói bánh nhé. Sau đó, sử dụng bếp gas để luộc bánh với mức lửa nhỏ liên tục suốt 4 tiếng, mình thấy lửa sẽ đều và đỡ tốn công hơn nhóm bếp củi”.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 4

Chiếc nồi to 25 lít để Quý Thư chuẩn bị riêng để luộc bánh chưng. 

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 5

Bánh chưng gói bánh dây nhựa thay vì lạt.

May mắn là ngay từ lần thử đầu tiên, Thư đã thành công và cho ra lò những chiếc bánh chưng và bánh tét thơm ngon.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 6

" Cảm giác cùng người thân và bạn bè thưởng thức bánh chưng, bánh tét ăn kèm với dưa món, củ kiệu là mình đã đỡ nhớ nhà hơn nhiều. Bánh tét và bánh chưng xanh đã sẵn sàng đón tết. Dưa món cũng tự làm luôn nên hương vị không khác gì ở Việt Nam. Tết chưa hết thì bánh đã sắp hết rồi", Quý Thư cười nói.

Sau khi tốt nghiệp đại học Australian Catholic University, hiện cô gái Việt đang làm nhân viên tài chính trong một trường đại học tại Sydney. Giao thừa đến, Thư gửi lời chúc các bạn độc giả báo Dân trí đón Tết Kỷ Hợi 2019 thật vui vẻ và an khang!

Là du học sinh Nhật Bản, bạn Đặng Thục Minh Yến (Cựu Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản) may mắn lại sắp xếp thời gian, công việc để về quê nhà Việt Nam đón Tết cùng gia đình.

Yến chia sẻ: “Năm đầu tiên qua Nhật mình không thể về nhà đón giao thừa. Đêm 30 mấy đứa sinh viên xa nhà chúng mình tụ nhau lại nấu miến rán chả nem, bắc máy tính lên tìm trực tiếp Táo Quân trên Facebook. Lúc được lúc không phát bực.

Giao thừa không pháo hoa, xung quanh im lìm, thực sự Tết không ra Tết. May là có bạn bè ở bên nên mình cũng vơi đi nỗi cô đơn nhiều. Năm nay được về ăn Tết với cả gia đình mình rất hạnh phúc”.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 7

Đặng Thục Minh Yến (trái, ngoài cùng) vẫn nhớ những Tết đầu tiên ở xứ người.

Còn như nhiều du học sinh Việt khác tại Nhật, anh Lý Tuấn Nam (nghiên cứu sinh tại ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, ở Kogane) không có cơ hội về Việt Nam đón Tết.

Anh Nam tâm sự: "Mình thấy tiếc vì không sắp xếp được công việc để về ăn tết với gia đình. Vào những ngày giáp tết thấy mọi người đăng status dọn nhà, gói bánh chưng chuẩn bị tết trên facebook thì càng cảm thấy nhớ nhà, muốn được về ăn tết với gia đình".

Chàng trai Việt cho hay, vì ở bên Nhật không còn đón Tết âm lịch nên vào những ngày lễ tết vẫn phải đi học đi làm bình thường. 

"Do đó, du học sinh như mình thường chỉ tụ tập vào hôm đêm 30, chuẩn bị mâm cỗ tất niên. Làm các món ăn vào ngày Tết như: nem rán, canh miến, canh măng, bánh chưng và giò lụa thì đặt mua ở cửa hàng chợ Việt.

Sau khi chuẩn bị xong thì mọi người vừa ăn vừa xem táo quân, đến khi sang canh (12h) thì mỗi người một góc gọi điện về chúc tết gia đình ở nhà. Đến sáng hôm mồng 1 tết thì lại đi làm đi học như bình thường", Tuấn Nam nói.

Luôn hướng trái tim về ngày lễ truyền thống lớn nhất của dân tộc, Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Canberra, Úc (ACT-VYSA) đã tổ chức chương trình đón Tết hoành tráng kéo dài từ 28 âm lịch đến hết Tết Nguyên đán. Chương trình “Canberra: Tết không xa đâu!” gồm nhiều hoạt động phong phú.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 8

Các món ăn truyền thống của Tết Việt được chuẩn bị ở Úc.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 9

Luộc gà đón giao thừa.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 10

Mâm cỗ Tết của ACT-VYSA có đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò, củ kiệu, nộm (gỏi) gà … 

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 11

Chuỗi các hoạt động bao gồm việc tổ chức làm nem, gói giò xào, gói bánh chưng, bánh tét, nấu canh măng, thịt kho tầu, nấu chè khúc bạch, trông bánh chưng chờ trời sáng, trang trí nhà cửa đón Tết, phá cỗ Tết.

Anh Hà Ngọc Minh Quân, Chủ tịch ACT-VYSA cho biết: “Ban chấp hành Hội đã họp, lên kế hoạch tổ chức chương trình một cách chi tiết từ trước Tết hai tuần với mong muốn tổ chức một cái Tết xa nhà thật ấm cúng, đủ đầy, tươi vui”.

Tại Pháp, các du học sinh Việt tại thành phố Rennes đã khoác lên mình tà áo dài truyền thống của dân tộc để thực hiện bộ ảnh đón giao thừa và năm mới.

Những nam thanh nữ tú khoác trên mình chiếc áo dài thướt tha rảo bước trên các con phố của Rennes đã thu hút được hàng trăm ánh nhìn của người dân sở tại, và như nhịp cầu nhỏ lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 12

Nam thanh nữ tú xinh tươi rạng ngời. 

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 13

Dẫu rằng người Pháp vốn nổi tiếng tinh tế trong lĩnh vực thời trang những vẫn dành những lời khen đẹp đẽ nhất dành cho tà áo dài Việt Nam.

Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) chia sẻ: "Tết là ngày đoàn viên sum họp của gia đình nhưng với du học sinh tại châu Âu nói chung và tại Pháp nói riêng, thời điểm này đang là mùa chuẩn bị thi giữa học kỳ nên rất khó để trở về dịp này.

Với chúng tôi, những sinh viên xa nhà, hội sinh viên thực sự là mái nhà thứ hai. Ở nơi xa xứ, chúng tôi vẫn cố gắng tổ chức cho tất cả anh chị em sinh viên có một cái không khí Tết quê nhà đầy đủ nhất có thể. Từ cuối tháng 10/2018, những tiếc mục văn nghệ đã được dàn dựng công phu, tranh thủ những ngày cuối tuần tập hợp lại để tập.

Giao thừa hướng về quê hương của các du học sinh Việt trên thế giới - 14

Cùng với cộng đồng Việt kiều, cộng đồng sinh viên Việt nam tại Pháp đã tạo nên một không khí rộn ràng không kém ở nơi đất khách.

Đặc biệt tại Pháp, cộng đồng sinh viên trên 7000 người đã mang văn hóa truyền thống Việt đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới trẻ và giới sinh viên quốc tế. Dịp này, hầu hết các đêm văn nghệ mừng xuân của các chi hội sinh viên luôn được đăng tải trên các báo địa phương và được sự quan tâm cụ thể của Tòa thị chính (Ủy ban nhân dân) sở tại.

Nhiều năm qua, qua những sự kiện mà chúng tôi đã tổ chức (như múa lân, gói bánh chưng, bánh tét, chụp hình áo dài truyền thống, triễn lãm ảnh…) đã khiến bạn bè Pháp hiểu hơn về Tết Việt Nam - một dịp lễ truyền thống thật sự thú vị và có bản sắc độc đáo.

Thay mặt Hội sinh viên Việt nam tại Pháp, chúng tôi gửi lời chúc mừng thân thiết và lời cảm ơn sâu sắc đến báo Dân trí đã luôn đồng hành đưa tin, cập nhật liên tục tình hình sinh viên quốc tế. Đây thực sự là kênh thông tin yêu thích của cộng đồng sinh viên Việt trên thế giới".

Theo Dân trí

  • Từ khóa

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Không cấm nhu cầu chính đáng

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm.
07:56 - 05/01/2025
28 lượt xem

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Những cái 'không' đáng chú ý

Không dạy thêm với học sinh tiểu học, không dạy thêm (có thu tiền) với học sinh chính khóa; không xen kẽ giờ dạy thêm với giờ học chính khóa… là những cái...
09:16 - 04/01/2025
582 lượt xem

Tuyển sinh đại học 2025: Đáp ứng nhu cầu thí sinh

Ngoài tinh gọn phương thức xét tuyển, mở ngành mới trở thành xu hướng nổi bật trong phương án dự kiến tuyển sinh năm 2025 của nhiều trường đại học.
08:24 - 04/01/2025
615 lượt xem

Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giảm nhân sự hưởng lương ngân sách xuống còn 8%

Trong giai đoạn 2025-2030, Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách nhà nước xuống...
16:15 - 03/01/2025
971 lượt xem

Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 5 trường đại học xếp hạng top 500 thế giới

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại...
14:31 - 03/01/2025
1,036 lượt xem