Mặc áo có dây rút hay đeo khăn quàng cổ trong khi chơi cầu trượt, xích đu có thể khiến trẻ bị siết cổ.
Sân chơi được coi là nơi an toàn để trẻ giải trí, kết bạn và vận động thân thể. Tuy nhiên, không ít trường hợp trẻ bị thương khi đang chơi đùa khiến phụ huynh cần nâng cao nhận thức và tìm hiểu cách phòng ngừa tai nạn cho trẻ.
National Playground Safety Week chỉ ra một số mẹo an toàn mà phụ huynh, giáo viên hay người trông trẻ có thể áp dụng.
Giám sát liên tục
Thay vì mải mê đọc sách hay lướt tin trên mạng xã hội, bạn hãy dõi mắt theo trẻ hoặc tới chơi cùng, nhờ đó dễ dàng phát hiện những rủi ro tiềm ẩn trước khi chúng xảy ra.
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ thân thiện với mọi người trên sân chơi, nhưng cần cảnh giác khi nói chuyện với những người lớn xa lạ. Nếu họ cố gắng đưa kẹo hay tặng quà cho bằng được, rủ rê trẻ rời sân chơi, đó là dấu hiệu xấu. Trong trường hợp này, trẻ cần la lên hoặc chạy ngay đến chỗ bạn.
Kiểm tra thiết bị sân chơi
Trước khi bắt đầu để con chơi thỏa thích, bạn nên kiểm tra những chiếc xích đu, cầu trượt, thiết bị tập thể dục ngoài trời để đảm bảo độ an toàn. Nếu thiết bị xê dịch khi có lực tác động lên, trẻ không nên sử dụng. Nếu những phần tiếp xúc trực tiếp với cơ thể như bu lông, đinh vít bị xuống cấp, trẻ có thể bị trầy xước hoặc rách da.
Hãy gọi cho chủ sở hữu công viên hoặc công ty quản lý nếu bạn nhận thấy thiết bị sân chơi cần bảo trì hoặc sửa chữa.
Kiểm tra nhiệt độ
Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, những thiết bị bằng kim loại, thiết bị bằng nhựa hoặc cao su tối màu có thể đủ nóng để làm bỏng da. Do đó, bạn cần chọn thời gian thích hợp và luôn kiểm tra bề mặt thiết bị sân chơi trong những ngày hè. Mặc giày và quần dài cũng có thể giúp trẻ tránh bị bỏng.
Ăn mặc thích hợp
Các phụ kiện khiến trang phục trở nên bắt mắt, nhưng có thể khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm khi đang chơi đùa. Trẻ không nên đeo khăn quàng cổ, dây chuyền, áo có dây rút để tránh nguy cơ bị siết cổ. Khi đeo balo hoặc túi trên người, trẻ cũng khó cử động một cách tự do.
Trẻ nên ăn mặc thoải mái và tránh đeo phụ kiện khi ra sân chơi. Ảnh: Round Designs
Sau khi đạp xe, trẻ nên cởi mũ bảo hiểm rồi mới chơi đùa, bởi chiếc mũ cồng kềnh có thể khiến đầu trẻ bị mắc kẹt trong các khe hở khi chơi Monkey Bar - chiếc cầu thang ngang để di chuyển bằng tay như khỉ.
Cẩn thận với độ cao
Đa số chấn thương trên sân chơi xảy ra do ngã. Vì vậy, bạn cần chọn thiết bị có lan can hoặc thiết kế chống ngã, thường xuyên nhắc đến những rủi ro khi chơi cầu trượt để trẻ tự ý thức. Trẻ cần có thời gian làm quen với việc leo trèo và nhảy từ trên xuống, luôn lựa chọn độ cao phù hợp với cơ thể.
Chọn bề mặt sân chơi
Bề mặt sân chơi có thể giúp giảm chấn thương nếu trẻ bị ngã. Do đó, nếu bên dưới các thiết bị là bãi cát, đậu sỏi hoặc vụn cao su, đó sẽ là lựa chọn an toàn dành cho trẻ. Phần bề mặt sân chơi này phải sâu khoảng 30 cm và kéo dài ít nhất 15 cm theo mọi hướng bên dưới thiết bị.
Thận trọng khi lắp đặt thiết bị sân chơi ở nhà
Những thiết bị cao, xích đu bằng lốp xe và tường có nhiều tay cầm để tập leo chỉ nên dành cho trẻ trên 5 tuổi. Trẻ mới biết đi cho đến tuổi mẫu giáo có thể vui chơi với hộp cát, ống nhựa để trườn bò và cầu trượt thấp.
Khi mua bất kỳ bộ đồ chơi nào về nhà, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn và tuân thủ tuyệt đối về độ tuổi được khuyến cáo sử dụng. Ngoài ra, một số thành phần có trong nhựa hoặc gỗ có thể gây nguy hiểm nếu trẻ hít phải.
Chú ý côn trùng và thực vật
Công viên và sân chơi có thể là địa điểm lý tưởng để kiến lửa hay ong kéo đến làm tổ. Do đó, bạn nên bôi thuốc chống côn trùng nếu thấy cần thiết và cảnh báo con tránh xa tổ kiến.
Theo Thùy Linh/VnExpress