Trần Thị Quỳnh Anh tạo cho người đối diện cảm giác về những nhà giáo thật sự sống với niềm đam mê sáng tạo với nghề.
Trước khi gặp Quỳnh Anh ngoài đời, tôi vào trang cá nhân của cô giáo trẻ này và… sững sờ trước những tấm ảnh mà cô post lên. Trông Quỳnh Anh y hệt như một cô bé cấp 3 lí lắc, xinh tươi cắp xách đến trường, chứ ít giống một cô giáo đứng trên bục giảng.Trần Thị Quỳnh Anh sinh năm 1992, là giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Trưng Vương, Quận 1, TPHCM.
Quỳnh Anh kể “Nhiều phụ huynh vào trường nhìn mình lạnh lùng lắm, rồi hỏi “Con ơi cho cô gặp...””.
“Giữa giáo viên với học sinh như có bức tường”
– Quỳnh Anh mau mắn trả lời câu hỏi này. “Học sinh nghĩ rằng cô sẽ đọc bài theo kiểu khuôn mẫu, phải viết hoành tráng lên cô mới cho điểm cao. Nhưng mình nói rằng “Bây giờ có bao nhiêu sách giải, sách bài tập cô cũng thuộc lòng rồi, đừng viết theo cách đó nữa, cô sẽ chấm theo cảm xúc của chính các em”.“Khó nhất khi một giáo viên Văn khơi gợi cảm xúc của học sinh là gì?”.
Trong giờ học, mình lồng cảm xúc vào. Từ từ rồi học sinh cũng mở lòng, rung động trở lại với môn Văn”.
Cô giáo trẻ có khá nhiều cách lồng cảm xúc. Sau dự án học văn “Tôi yêu tiếng nước tôi” đoạt giải Nhất tại Chung kết hội thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2016 là những dự án khác mà Quỳnh Anh thực hiện.
Đó là dự án “Thế giới có bao xa” về văn học nước ngoài, thực hiện với học sinh lớp 10 và lớp 11, cho học sinh mở gian hàng, thuyết trình, vượt “thử thách”, đóng kịch… để tìm hiểu về các quốc gia có tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn.
Dạy học liên môn Ngữ văn - Lịch sử, Quỳnh Anh mời các nghệ sĩ nhạc dân tộc tới trình diễn. Học sinh được trải nghiệm cách đánh đàn, hoặc các em đọc bài ca dao nào, nghệ sĩ chơi đàn bài đó...
“Học sinh có cảm xúc nhưng bị tình trạng cố giấu. Khi học văn, đa phần các em chỉ học vẹt. Cách dạy truyền thống chưa khơi dậy được cảm xúc nơi các em”.
Một dự án mà Quỳnh Anh đang ấp ủ có tên “Người kể chuyện giấc mơ”. Dự án này “liên quan” đến Chí Phèo – nhân vật nhiều khi là… nỗi ám ảnh của học sinh cấp 3.
“Tên dự án có ý nghĩa tìm lại giấc mơ cho Chí Phèo, là giấc mơ về cuộc sống bình thường, giản dị.
Mình dự định cho dựng lại một phiên tòa, để luận xem ai là người có tội lớn nhất. Học sinh sẽ đóng vai từng nhân vật, tự bào chữa, tự phán xét. Mình nghĩ rằng nếu làm tốt, học sinh sẽ nắm được tác phẩm, tự đánh giá được theo cách của các em”.
Và một cách khơi gợi cảm xúc đặc biệt khác của cô giáo Quỳnh Anh, đó là từ những đề kiểm tra. Cô nói học sinh sợ nhất đề phân tích, cảm nhận. ra đề như vậy, các em cứ lên mạng đọc thêm, rồi lấy sách này sách kia chép ra để nộp, chính cô chấm bài còn thấy vô nghĩa.
Cô cho học sinh xem phim Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 và làm đề bài “Nói về điều kỳ diệu trong cuộc đời”…
Hay đề bài: “Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho Ba, Mẹ của mình nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được. Cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con”…
“Bản thân mình cũng khó chịu với điều đó. Đang giảng phải dừng lại “Cô đọc này, chép vô đi”, mạch cảm xúc bị đứt quãng ngay. Chính mình còn chán nên tìm cách thay đổi.Nhưng thực ra, Quỳnh Anh tiết lộ năm đầu tiên đi dạy cũng “Cô đọc nha, các con chép nha”.
Sau này, mình nghĩ cách làm sao để các con viết được bài bằng chính lời giảng của mình. Cứ về nghĩ, đặt vị trí học sinh thích gì, thì làm điều đó cho các em.
Nào là đóng kịch, nói ra cảm xúc, hay gì đó phá cách một chút, dành thời gian cho học sinh trải nghiệm.
Những bài kiến thức thì ứng dụng vào thực tiễn luôn đi cho nhanh. Ví dụ bài học về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, sao không cho phân vai? Các con hãy đóng vai một biên tập viên thời sự đi ra ngoài phỏng vấn xem như thế nào.
Học về phóng sự thì cho học sinh tự đọc SGK xem định nghĩa ra sao, còn yêu cầu của mình là các con ra ngoài quay một phóng sự 5’ về một vấn đề đang nóng trong xã hội hiện nay. Sau đó, từng nhóm lên chiếu, lý giải tại sao chọn. Học kiểu như vậy, các em học sinh tự tích lũy kiến thức rồi, không cần phải khuôn mẫu.
Mọi người nhìn nghề giáo khuôn mẫu nhưng mình thấy ở đây có đất để sáng tạo. Được học một khóa của Microsoft, thấy Văn cũng “chơi” công nghệ thông tin được chứ không chỉ mấy môn tự nhiên, nên về cải tổ lại mình.
Ngày xưa mình khao khát những điều gì thì nay làm điều đó cho học trò. Với những bài ôn tập, mình không bao giờ gọi các em đứng lên trả bài mà làm các bộ câu hỏi, ứng dụng CNTT làm những trò chơi tương tác.
Nhưng vẫn phải dung hòa với cách dạy truyền thống để rèn câu chữ cho học sinh”.
“Không có đâu chị. Học sinh tin cô giáo, nên các em nói thật” – Quỳnh Anh khẳng định.“Liệu khi làm các đề văn “mở tung” kia, các em có vẽ vời ra hoàn cảnh nào đó để làm bài cho… bi thảm, hoặc viết cho hay để lấy điểm cao?” – tôi thắc mắc khi Quỳnh Anh cho xem một vài bài viết của học sinh.
Vậy làm thế nào để học sinh tin một cô giáo trẻ măng, “chém” tưng bừng trên facebook không kém gì đám trẻ?
“Lớp 10 dạy bằng tình cảm là chính, lên 11, 12, giáo viên phải dùng uy, mình nghĩ vậy đó. Mà mình thì uy gì, nhiều khi học sinh còn tưởng bạn, khi mới đi dạy bảo vệ còn không cho vào, nên em đang “quyết tử” dạy lớp 10” – Quỳnh Anh hồn nhiên chia sẻ “bài học” mà cô tự rút ra sau 5 năm đi dạy.
Còn trẻ, nên những điều cô làm với học sinh cũng rất trẻ, như “tập hợp” cả lớp đi xem phim làm quen đầu năm học, cùng nhảy flashmos với học sinh… “Đầu năm học, mình cam kết cái gì làm cả lớp thì cô cũng là thành viên trong đó. Học sinh thấy mình đồng hành nên cố gắng”.
“Lâu lâu, mình cho học sinh viết vào tờ giấy nhắn những điều nghĩ về lớp, về bạn bè, không cần phải nêu tên. Các con cũng nói thật, nói xấu người này người kia. Sau dó, mình cho người bị nói xấu phản biện, giải thích cho các bạn. Rồi các con cũng hiểu nhau hơn. Nhưng mình cũng nói rằng việc nói xấu giấu tên đơn giản lắm, thích là nói được. Nhưng vấn đề quan trọng là dám mặt đối mặt với nhau. Học sinh của mình sau đó thẳng thắn với nhau hơn, không nói xấu sau lưng nữa”.
Quỳnh Anh “than” học sinh cứ gọi hoài. “Cô ơi con cần phải chia sẻ…”, “Cô ơi bạn trai chia tay con rồi”… Mình phải tôn trọng chứ không được coi đó là tình yêu trẻ con, các em sẽ tự ái. Mình phải đối xử với các em như với người lớn ngang vai. Mình phải lắng nghe, để cho nó nói, không thì nó bị áp lực quá”.
Quỳnh Anh cho biết cô quy ước với học sinh nếu ngày hôm đó bị bồ đá, hay cảm thấy mệt mỏi quá, thì nói với cô, cô sẽ cho xuống bàn cuối ngồi… nghỉ ngơi, muốn ngủ muốn chơi gì thì tùy.
“Chứ để nó ngồi học vật vờ quá cũng tội. Nhưng mình yêu cầu ngày hôm sau phải đưa tập vở đã ghi chép đầy đủ ra, nói được những vấn đề trong bài ngày hôm trước. Tức là nó phải tự tìm bạn để hỏi và ghi chép đầy đủ lại bài học.
Và mỗi đứa được quyền xuống cuối lớp một lần trong năm học, chứ không phải ngày nào cũng… mệt mỏi với thế giới được”.
Cô kể có hôm thấy đứa nằm khóc, lại hỏi thì nó nói ba mẹ cãi nhau… “Nó chia sẻ được với mình như vậy vì nó tin.
Lớp mình phải có mười mấy trường hợp ba mẹ không ở chung với nhau. Hoặc có trường hợp ở chung nhưng không nói chuyện với nhau, tức là chỉ sống vì con cái... Nghe nó tâm sự mà mình cảm thấy đau thắt. Trời ơi sao nó chịu đựng được chuyện đó vậy”.
Nó viết lá thư cho mẹ, nói “Năm con lên lớp 9, gia đình mình tan vỡ, không phải tan vỡ về mặt hình thức mà tan vỡ về ước mơ và khát vọng của con”. Nghe đau đớn khủng khiếp, tại sao một đứa trẻ như vậy lại phải chịu đựng điều đó. Nó còn sợ nói gì mẹ cũng tổn thương nên chỉ biết khóc một mình trên phòng. Nó còn viết có những lúc sắp trầm cảm đến nơi, nhưng nếu như thế thì mẹ nó sẽ khốn đốn như thế nào, thế là nó lại tự vực mình dậy.
Một đứa trẻ lớp 10 nghĩ đến những điều như vậy. Trong khi cuộc sống êm đềm, mình chả bao giờ nghĩ tới, bảo sao không thương cho được”…
“Học sinh thụ động lắm, thụ động tất cả mọi thứ, cứ phải dắt tay chỉ việc từng tí một” – Quỳnh Anh nhận xét. Theo cô, phụ huynh hiện nay đóng vai trò chủ động quá nhiều.Xen giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi là hàng chục cuộc điện thoại của một cô bé, hỏi cô giáo từng ly từng tí về cách thức làm một bài thực hành vật lý… Cô lắng nghe và kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn qua mỗi lần em gọi.
“Có lần mình cho phụ huynh viết thư gửi con, có người viết là “Việc của con là học thật tốt, thế giới để ba mẹ lo”. Mình không hiểu ý cụ thể của phụ huynh ra sao, nhưng một mặt mình thấy như vậy dễ thương, mặt khác cũng thấy ba mẹ lo cho con nhiều quá.
Với đa phần phụ huynh, con không cần phải làm gì hết, để ba mẹ lo cho, con chỉ việc học thôi. Điều này khiến nhiều đứa ngơ ngơ như ở trên mây. Đi về cơm để sẵn, ăn xong lên phòng học, học xong đi ngủ…”.
5 năm đi dạy, lương của cô giáo trẻ được 4 triệu đồng. “Này nhé, năm đầu về trường mình hưởng lương tập sự được 2,75 triệu đồng, năm sau lên 3,2 triệu đồng. Rồi mấy năm qua lúc thì lên lương cơ bản, khi thì được lên bậc, nên bây giờ lương của mình được 4 triệu.
Mình làm thêm đủ thứ như bán trú, dạy tăng tiết... thì tổng thu nhập được gần 7 triệu đồng” – Quỳnh Anh nhẩm tính.
“Nhiều khi nghĩ trời ơi sao bèo bọt quá! Trời ơi sao… yêu nghề vậy!
Nhưng cứ mỗi khi cảm thấy mất đi cái gì đó với nghề thì mình lại có học trò. Học trò dễ thương lắm.
Có trường tư cũng mời mình về, họ trả lương cao chứ, nhưng mình nghĩ học sinh trường quốc tế không cần những điều sáng tạo, những điều mở ra như mình đang làm, vì ở đấy các em đã quá đầy đủ rồi. Mình chỉ nghĩ đơn giản học sinh trường công cần mình hơn nên ở lại, cứ vậy mà đi với nghề”.
Theo Ngân Anh/Vietnamnet
Ảnh: Nguyễn Như Sỹ
Thiết kế: Thu Hằng