11
/
67412
Thầy giáo làng thầm lặng sau những tấm bằng khen quốc gia
thay-giao-lang-tham-lang-sau-nhung-tam-bang-khen-quoc-gia
news

Thầy giáo làng thầm lặng sau những tấm bằng khen quốc gia

Thứ 2, 19/11/2018 | 07:32:43
752 lượt xem

Hơn 10 năm gắn bó với nghiệp “trồng người” thầy giáo Nguyễn Bá Tư (Trường THPT Nông Cống 3, Thanh Hóa) không chỉ giúp học sinh vùng quê nghèo Nông Cống chinh phục được những giải thưởng mang tầm cấp tỉnh, cấp quốc gia mà còn giúp bao thế hệ học trò bước chân vào những trường đại học danh giá.

Hết lòng vì học sinh

Có lẽ nhiều phụ huynh của Trường THPT Nông Cống 3 không còn lạ lẫm gì với hình ảnh một thầy giáo ngày nào cũng tối mịt mới lọ mọ xách xe ra về - đó là thầy giáo Tư, giáo viên môn Vật lý – Hiệu phó nhà trường.

Sinh ra trong gia đình làm nông ở huyện Thiệu Hóa, từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Tư đã ước mơ một ngày có thể trở thành thầy giáo truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau. Thế rồi cái ước mơ ấy cũng trở thành hiện thực. Năm 2005, thầy Tư ra trường và được phân về dạy trên huyện miền núi Bá Thước. Ước mơ của thầy là làm sao để học trò trường làng cũng không thua kém gì học trò ở thành phố.

Chưa kịp thực hiện được ước mơ với những học sinh miền sơn cước thì 2 năm sau thầy được luân chuyển về dạy tại trường THPT Nông Cống 3. Nông Cống cũng là vùng đất chiêm trũng, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.

Buổi học của thầy Nguyễn Bá Tư được học sinh đánh giá là nhanh hết thời gian vì thầy có những phương pháp dạy rất hấp dẫn.Buổi học của thầy Nguyễn Bá Tư được học sinh đánh giá là nhanh hết thời gian vì thầy có những phương pháp dạy rất hấp dẫn.

Biết học sinh ở nông thôn thường phải làm việc nhà vất vả, ít khi có thời gian cho việc học, hoặc nhiều em ở xa, thầy đã đưa các em về nhà mình ăn, ở, sinh hoạt miễn phí để thầy và trò học cùng nhau.

“Hầu hết học sinh ở đây đều là học sinh nghèo, nhà xa. Những kỳ thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia đòi hỏi phải có thời gian dài ôn luyện. Biết các em khó khăn nên tôi đã đưa về nhà mình để kèm cặp, phụ huynh cũng yên tâm. Gần những kỳ thi, thầy trò nhiều hôm cùng thức trắng cả đêm. Cả thầy và trò như người trong một nhà. Vì vậy, học trò của tôi cũng rất chịu khó và rất tự giác học hỏi. Có những đêm nằm bất ngờ nghĩ ra câu hỏi hay, sợ ngày mai sẽ quên, cả thầy trò lại bật dậy cùng thảo luận cùng đưa ra phương pháp giải” – thầy Tư kể.

ước mơ của thầy Tư là học trò nông thôn cũng không thua kém gì học trò thành phố.ước mơ của thầy Tư là học trò nông thôn cũng không thua kém gì học trò thành phố.

Những năm tháng còn ở nhà tập thể, nhà chật, thầy phải gửi con về cho ông bà chăm sóc để đưa học sinh đến ở cùng. Hơn chục năm có học sinh đi thi cấp tỉnh, thi quốc gia thì cũng có chừng ấy năm thầy đưa học trò về nhà ăn ở để có nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức cho các em.

Thổi vào học trò niềm đam mê Vật lý

Thầy Tư luôn trăn trở làm sao để có thể thổi vào học trò niềm đam mê học tập. Bởi với thầy, nếu không có đam mê, không nỗ lực thì không bao giờ thành công.

Theo thầy Tư thì để đào tạo những học sinh đoạt giải, ngoài sự nỗ lực của người thầy thì cần phải có nhiệt huyết để truyền lửa đam mê cho học trò. Thực tế có nhiều giáo viên giỏi, nhiều thầy cô tâm huyết với học trò, nhưng không phải bất cứ giáo viên nào cũng biết cách “điểm đúng huyệt”, khiến học trò say mê và bứt phá.

Với nhãn quan tinh tường của một người thầy giáo giỏi, ngay khi vào lớp 10, thầy đã chọn những em có tố chất nổi trội để bồi dưỡng thêm.

Ngay khi tạo cho các em niềm đam mê, hoài bão, quyết tâm, thầy bắt tay vào ôn luyện, dù học trò làng quê nghèo, ấy thế mà bất ngờ đã đến ngay từ lần “thử chuông” đầu tiên. Kết quả là 10 em đi thi cấp tỉnh thì đạt giải cả 10.

Với thầy Tư, việc thổi được cho học trò niềm đam mê môn học cũng đã là một thành công.Với thầy Tư, việc thổi được cho học trò niềm đam mê môn học cũng đã là một thành công.

Từ bước đệm đó, năm 2013, thầy Tư mạnh dạn đề xuất cho gửi học sinh đi thì Quốc gia và thành công đã không phụ lòng thầy trò vào năm 2014 - đó là giải Ba Quốc gia môn Vật lý. Không dừng lại ở đó, năm 2016 thêm 1 giải Nhì và năm 2018 vừa qua thì thầy trò có thêm 1 giải Ba.

Với 13 năm tuổi nghề, thầy Tư đã có 64 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 3 học sinh đạt giải Quốc gia- giải lớn nhất và duy nhất của huyện Nông Cống cho đến bây giờ. Rất nhiều học sinh của thầy Tư bước ra từ “bùn đất” đã chinh phục được những trường danh giá như Học viện Quân sự, Học viện Cảnh sát, Đại học Ngoại Thương, Đại học kinh tế Quốc dân… Ba học sinh đạt giải Quốc gia dù được tuyển thẳng đặc cách vẫn thi vào các trường lớn với số điểm rất cao.

Đằng sau những tấm giấy khen, bằng khen của học sinh là những tháng ngày vất vả, nhọc nhằn, là sự học hỏi không ngừng vươn lên của trò và sự hy sinh không biết mệt mỏi của thầy Tư.

“Để học trò có niềm tin vào mình cả về kiến thức học tập cũng như kiến thức trong cuộc sống đời thường, bản thân mình phải luôn cố gắng. Mình có cố gắng thì học sinh mới không phụ lòng. Ngoài việc khuyến khích, động viên, mình cũng luôn tạo áp lực và đặt mục tiêu để học trò phải nỗ lực hết mình. Sau mỗi kỳ thi, mình sẽ rút ra được những bài học, những kinh nghiệm cho lứa học trò sau” – thầy Tư tâm sự.

“Thầy có một phương pháp dạy rất độc đáo bởi thế mà mỗi tiết học của thầy, tất cả mọi người đều chăm chú và cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Riêng cái cách thầy tận tâm và hy sinh đã khiến chúng em luôn răn mình phải cố gắng, làm sao không phụ công sức của thầy” – em Nguyễn Ngọc Hưng, cựu học sinh đạt giải Quốc gia chia sẻ.

Thầy Lường Văn Phán, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 3 cho biết: “Thầy Tư về được một thời gian thì bắt đầu manh nha việc cho học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh rồi thành công lại tiếp tục bước xa hơn là thi quốc gia. Nhà trường cũng vô cùng bất ngờ với thành tích như vậy bởi vì từ xưa đến giờ chưa có học sinh Nông Cống nào đạt giải quốc gia.

Để có được thành quả như vậy, thầy Tư cũng đã phải hy sinh rất nhiều. Năm nào cũng đưa học sinh về nhà chăm nuôi như con, hết lứa học trò này đến lứa học trò khác khiến phụ huynh cũng như giáo viên trong trường rất khâm phục”.

“Ngoài việc có nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, quốc gia, thầy Tư còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, năm nay thầy cũng đã giành giải B sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Trường Nông Cống 3 là một ngôi trường cấp 3 khó khăn nhất của huyện Nông Cống, học sinh vừa nghèo, nhà lại xa. Trước khi thầy Tư về, trường cũng chưa có thành tích gì nổi bật, thế nhưng 10 năm trở lại đây, nhà trường đã có nhiều thay đổi lớn mà thầy Tư là một trong những nhân tố làm thay đổi đó” – thầy Phán cho biết thêm.

Theo Nguyễn Thùy/Dân trí

  • Từ khóa

Phần Lan dạy học sinh phân biệt tin giả thế nào?

Phần Lan là quốc gia mà người dân có trình độ am hiểu về các phương tiện truyền thông cao nhất châu Âu.
09:27 - 28/12/2024
277 lượt xem

Đổi mới giáo dục, xây dựng xã hội học tập thời kỳ chuyển đổi số

Ngày 27/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và sơ kết 1...
15:29 - 27/12/2024
731 lượt xem

Có nên miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y?

Sau sinh viên ngành sư phạm, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y trong bối cảnh thiếu nhân...
11:31 - 27/12/2024
784 lượt xem

Ba Lan đưa giáo dục vũ trang vào trường phổ thông

Từ năm 2025, Ba Lan sẽ đưa chương trình 'Giáo dục An toàn' vào các trường phổ thông, dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi.
08:49 - 27/12/2024
899 lượt xem

Cảnh báo học sinh mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, 'cho ăn' cầu may mắn, học giỏi

Một số học sinh ở Quảng Nam lên mạng xã hội mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, mua bánh, kẹo, sữa 'cho ăn' nhằm cầu may mắn và học giỏi. Theo công an,...
07:18 - 27/12/2024
898 lượt xem