11
/
67401
Thầy giáo điếc khao khát giúp học trò khiếm thính vào đại học
thay-giao-diec-khao-khat-giup-hoc-tro-khiem-thinh-vao-dai-hoc
news

Thầy giáo điếc khao khát giúp học trò khiếm thính vào đại học

Chủ nhật, 18/11/2018 | 10:15:30
1,852 lượt xem

Thầy giáo Võ Duy Quang muốn giúp trẻ câm điếc phát triển bản thân, chứng minh người khuyết tật cũng làm được nhiều điều hữu ích.

Trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật (ngày 14/11), trong khi các thầy cô đang ngại ngùng chia sẻ, Võ Duy Quang giơ tay phát biểu.

Nở nụ cười trên khuôn mặt xương gầy, thầy giáo trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng) đứng lên dùng tay ký hiệu. Phía đối diện, một người bạn giúp anh phiên dịch lại bằng ngôn ngữ nói. Võ Duy Quang là thầy giáo bị câm điếc.

Thầy giáo câm điếc Võ Duy Quang phát biểu tại buổi gặp lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hà Nội ngày 14/11. Ảnh: Hoàng Anh. 

Duy Quang (30 tuổi) là con út trong gia đình thuần nông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, sinh ra đã bị câm điếc. Thủa bé, anh được cho học tại trường chuyên biệt nơi có nhiều trẻ cùng mắc khuyết tật này nên không biết về sự khác biệt của bản thân. Năm 15 tuổi, Quang nhận ra điếc không phải điều bình thường và mất một thời gian dài anh sống trong nỗi buồn.

"May mắn xung quanh tôi lúc đó có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ đã chia sẻ, động viên. Tôi hiểu ra, cuộc sống có nhiều thử thách mình phải vượt qua nên đã cố gắng học cách giao tiếp với những người nghe-nói khác, để hòa nhập cộng đồng", Quang nói. Anh hào hứng kể rằng, mình có thể tự đến bệnh viện khám bệnh, giao tiếp với bác sĩ, y tá, tự đi giao dịch ở ngân hàng... "Quan trọng nhất là bản thân phải có ý chí để vượt lên số phận", thầy giáo câm điếc chia sẻ.

Một trong số hơn 10 người điếc đã tốt nghiệp đại học

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc (trường Đại học Đồng Nai), ở Việt Nam hiện nay duy nhất trường Đại học Đồng Nai có chương trình đào tạo hệ đại học cho người điếc. Hiện 11 người khuyết tật dạng này đã lấy được bằng cử nhân đại học (hệ liên thông) tại trường. Rất ít đại học khác nhận đơn lẻ 1-2 sinh viên điếc vào học, nên tính tổng cả nước chỉ có dưới 20 người khuyết tật dạng này lấy được bằng đại học. Võ Duy Quang nằm trong số đó.

"Tốt nghiệp lớp 12, tôi suy nghĩ khá nhiều về việc nên học gì tiếp. Lúc đầu, tôi muốn làm thiết kế thời trang vì bản thân có năng khiếu vẽ và thích xem các show diễn. Tuy nhiên, qua tư vấn của các thầy cô giáo và nghĩ đến những khó khăn, các thiệt thòi của người điếc do không có cơ hội được học hành tử tế, tôi thay đổi quyết định, muốn trở thành thầy giáo", Quang nói.

Anh trăn trở rất nhiều về việc phần lớn các trường ở Việt Nam chỉ dạy học sinh điếc hết bậc tiểu học, hiếm lắm mới có trường dạy đến cấp 3. Trẻ điếc do đó không có cơ hội phát triển bản thân, theo đuổi ước mơ.

Cá nhân Quang trước đây may mắn biết dự án Giáo dục trung học, đại học cho người câm điếc Việt Nam (dự án duy nhất trên cả nước được đặt tại Đại học Đồng Nai), mới được học cao lên. Trường chuyên biệt ở quê anh thời đó chỉ dạy tiểu học, gần đây mới có thêm bậc THCS.

"Tôi muốn giúp trẻ điếc phát triển và chứng minh cho xã hội thấy, người điếc cũng có năng lực, có thể làm được nhiều điều hữu ích", thầy giáo 30 tuổi nói.

Tại Đại học Đồng Nai, Võ Duy Quang lấy bằng Cao đẳng chính quy ngành Sư phạm tiểu học trước khi liên thông lên đại học. Thời gian học đại học, anh và 10 người điếc khác học chung với khoảng 60 sinh viên (đều là giáo viên) nghe-nói. Chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra đều theo khung chung dành cho sinh viên bình thường của trường Đại học Đồng Nai. Quang do đó vẫn học các môn từ Triết học, Chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đến môn chuyên ngành như: Phương pháp dạy tiếng Việt/Toán cho học sinh tiểu học, Cảm thụ văn học, hát bằng ngôn ngữ ký hiệu...

Dù được hỗ trợ thông dịch nhưng tốc độ giảng bài của giảng viên khá nhanh (so với người điếc) khiến việc học của Quang và nhóm bạn gặp khó khăn. Các sinh viên điếc do đó phải ghi hình những môn học khó để nhờ người giảng lại. "Quang học khá và có tinh thần học tập rất nghiêm túc. Khi đã xác định rõ nghề nghiệp muốn theo, em ấy nỗ lực để hoàn thành", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc (trường Đại học Đồng Nai) bà Nguyễn Thị Hòa nói.

Năm 2017, chàng trai quê Lâm Đồng lấy được bằng đại học, tiếp tục theo dạy tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng nơi anh đã được nhận vào từ khi tốt nghiệp cao đẳng (năm 2014). Thời điểm đó, Quang là giáo viên câm điếc duy nhất của trường, cũng là số hiếm giáo viên khuyết tật dạng này trên cả nước.

Thầy giáo điếc, học trò điếc, làm thế nào để giữ ổn định lớp học?

Cho đến nay, nhiều trường chuyên biệt vẫn ngại ngần nhận giáo viên câm điếc. Ngoài lý do các trường chủ yếu định hướng cho học sinh điếc học nói – điều giáo viên khuyết tật dạng này không làm được, còn vấn đề họ băn khoăn là làm thế nào giáo viên điếc giữ ổn định được cho lớp học toàn học sinh điếc.

"Đây là điều rất nhiều người đã hỏi khi tôi nhận Quang vào dạy học. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược, lớp học của thầy giáo điếc còn trật tự, hiệu quả hơn nhiều lớp do giáo viên nghe-nói khác dạy", Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng - bà Nguyễn Thị Ngọc Minh nói.

Hai lý do khiến lớp học của thầy giáo điếc ổn định, hiệu quả hơn, theo bà Minh là: thầy - trò đồng cảm vì cùng hoàn cảnh, thầy sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giúp học sinh dễ giao tiếp, hiểu bài. Các giáo viên nghe-nói khác ở trường bà và các trường học khác, đều dùng lời nói để giảng bài nhưng học sinh điếc vì không nghe được nên không có ký hiệu để in dấu trong đầu. Việc học chữ, tiếng Việt của các em do đó rất khó khăn, bản thân giáo viên cũng không chắn chắn học sinh có nắm bắt được bài.

Tiết học của thầy Võ Duy Quang tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh: NVCC. 

"Học sinh câm điếc lớp dự bị (trước lớp 1) và lớp 1 rất mất tập trung, không nghiêm túc trong giờ học, hay trêu đùa, đánh nhau. Khi nhắc nhở bằng ngôn ngữ ký hiệu không hiệu quả, tôi dùng cách thưởng bánh kẹo cho học sinh nào ngồi yên, các bạn khác thấy thế cũng thích rồi tự khắc trật tự theo. Đến giờ, tôi vẫn giữ thói quen cho quà các học sinh ngoan ngoãn", thầy giáo Quang nói.

Các lớp học của trẻ khiếm thính diện tích khá nhỏ với 7-10 học sinh, đây cũng là thuận lợi giúp giáo viên dễ tương tác hơn với học trò.

Ở trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng, Võ Duy Quang được giao dạy từ lớp dự bị đến hết cấp một, thời điểm thiếu giáo viên anh dạy cả lớp 6 môn Mỹ thuật, Địa lý. Tất cả tiết học của anh đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, ngôn ngữ này cô đọng hơn ngôn ngữ nói/viết, ví dụ từ máy bay gồm 2 tiếng nhưng chỉ có một ký hiệu trong ngôn ngữ ký hiệu, nên với sách giáo khoa đại trà (không có sách giáo khoa riêng cho người điếc), thầy-trò điếc gặp không ít khó khăn để truyền tải và hiểu được nội dung.

"Tiếng Việt đã có từ hiền rồi lại có hiền hòa, hiền từ, hiền hậu. Ngôn ngữ ký hiệu chỉ có một ký hiệu hiền thôi nên khi thấy các từ sau trong sách giáo khoa, học sinh không hiểu khái niệm đó là gì. Học sinh điếc không nghe được âm thanh, vậy làm thế nào để các em hiểu được tiếng suối róc rách khác gì với tiếng gió rì rào, rặng cây lao xao... Đấy là những thách thức với thầy trò chúng tôi", Quang chia sẻ. Anh bảo, có những từ phải mất cả tháng học sinh mới học xong.

Phương pháp dạy của thầy giáo điếc là cho ký hiệu cho học sinh nhìn sau đó cho các em xem hình ảnh về từ cần phải học, rồi nhắc lại ký hiệu của từ đó. Ngoài ra, học sinh khiếm thính còn được học cách đánh chữ cái bằng ngón tay để nhớ cách đánh vần của từ vựng.

Thời Quang học, một cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 5 bình thường học trong một năm, trẻ điếc phải học 3 năm, dù đã được cắt giảm. Hiện nay ở trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng, với cách biên soạn chương trình mới phù hợp hơn, đặc biệt phương pháp dạy có kết hợp ngôn ngữ nói và ngôn ngữ ký hiệu, học sinh cần hơn 1 năm sẽ học xong.

"Trường tôi trước đây có nhiều học sinh bỏ học nhưng từ năm có giáo viên điếc về dạy, không còn trường hợp nào như thế nữa. Các học sinh rất yêu quý thầy giáo Quang, thậm chí thân thiết với thầy hơn bố mẹ. Thầy Quang lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt huyết, thương yêu, hiểu tâm lý học trò và hiểu tất cả những điều các em chia sẻ", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh nói.

Từ hiệu quả đào tạo mà Võ Duy Quang mang lại, năm học trước bà Minh đã nhận thêm 2 giáo viên điếc nữa về trường. "Năng lực của những người điếc không thua kém người bình thường, thậm chí có thể tốt hơn", nữ Hiệu trưởng đánh giá.

"Tôi muốn đưa học trò vào Đại học"

Khao khát mà Võ Duy Quang vẫn tâm sự cô Hiệu trưởng của mình là làm thế nào đưa được học trò của anh đến với giảng đường đại học. Anh cũng thường động viên học trò học giỏi, hết lớp 12 phải học lên cao hơn, có khó khăn gì thầy sẽ hỗ trợ.

30 tuổi chưa kết hôn nhưng thầy giáo điếc luôn tâm niệm mình đã có rất nhiều con, đó là các học trò. "Từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi lần đến trường các học trò lại ùa ra ôm thầy, hỏi han nhiều điều. Tôi rất hạnh phúc, cảm giác như mình là bố của một đàn trẻ đáng yêu", thầy giáo cười "múa tay" chia sẻ.

Những món quà giản đơn học sinh tặng anh ngày 20/11 như tấm thiệp viết những câu còn sai ngữ pháp: Em ơn biết thầy, Ơi thầy em cảm ơn, là động lực giúp thầy giáo đi tiếp con đường đưa học trò khiếm thính tới giảng đường đại học.

Theo VnExpress

  • Từ khóa

Phần Lan dạy học sinh phân biệt tin giả thế nào?

Phần Lan là quốc gia mà người dân có trình độ am hiểu về các phương tiện truyền thông cao nhất châu Âu.
09:27 - 28/12/2024
286 lượt xem

Đổi mới giáo dục, xây dựng xã hội học tập thời kỳ chuyển đổi số

Ngày 27/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và sơ kết 1...
15:29 - 27/12/2024
742 lượt xem

Có nên miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y?

Sau sinh viên ngành sư phạm, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y trong bối cảnh thiếu nhân...
11:31 - 27/12/2024
791 lượt xem

Ba Lan đưa giáo dục vũ trang vào trường phổ thông

Từ năm 2025, Ba Lan sẽ đưa chương trình 'Giáo dục An toàn' vào các trường phổ thông, dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi.
08:49 - 27/12/2024
902 lượt xem

Cảnh báo học sinh mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, 'cho ăn' cầu may mắn, học giỏi

Một số học sinh ở Quảng Nam lên mạng xã hội mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, mua bánh, kẹo, sữa 'cho ăn' nhằm cầu may mắn và học giỏi. Theo công an,...
07:18 - 27/12/2024
904 lượt xem