Việc nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng có thực sự cần thiết, có tạo ra phong trào "chạy" bằng cấp"... là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 15.11.
ĐBQH Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn).
Điều 72, Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định, sẽ tiến hành nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp như lâu nay lên trình độ cao đẳng. Quy định này sẽ có hiệu lực từ 1.1.2026. Như vậy, nếu được thông qua, từ khi luật có hiệu lực (năm 2019) đến 2026, có 6 năm để ngành giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị, đào tạo để thực hiện quy định này.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định này. Dù rằng, nhận thấy việc nâng cao chất lượng giáo viên là cần thiết vì đối tượng học sinh mầm non là tương lai của đất nước, rất cần được dạy dỗ, chăm sóc tốt, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới nhưng nhiều đại biểu băn khoăn vấn đề nâng chuẩn giáo viên từ trung cấp lên cao đẳng có thực sự cần thiết.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn): Đi học ồ ạt cho đạt chuẩn có đảm bảo chất lượng? Ảnh: Q.H
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho hay, với con số hơn 30% giáo viên mầm non hiện nay chưa đạt chuẩn cao đẳng sư phạm, tới đây, nếu thực hiện quy định mới sẽ phải tiến hành đào tạo, đào tạo lại cho một lượng không hề nhỏ giáo viên.
“Liệu chúng ta có đủ thời gian, nguồn lực để nâng chuẩn cho 107.000 giáo viên mầm non hiện nay?” – ĐB đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, theo đại biểu, nếu thực hiện điều này sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt một lượng lớn giáo viên đứng lớp vì đi học, áp lực thiếu giáo viên đã lớn ngày càng lớn hơn, đặc biệt với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương, việc đi học ồ ạt như vậy có đảm bảo chất lượng. Rồi những giáo sinh đang học hệ trung cấp mầm non hiện nay thì sao? Họ có phải thay đổi chương trình học hay không và những người đã tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa tìm được việc làm sẽ đối mặt với việc tuyển dụng thế nào? Đó là những vấn đề, theo đại biểu, ngành giáo dục cần cân nhắc cụ thể.
Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình): Vấn đề không phải là chỗ giáo viên dạy mầm non có bằng cấp gì mà quan trọng hơn là chất lượng ra sao. Ảnh: Q.H
Cùng lo lắng này, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, vấn đề không phải là chỗ giáo viên dạy mầm non có bằng cấp gì mà quan trọng hơn là chất lượng ra sao. Điều cần quan tâm là chất lượng đào tạo, chất lượng giáo viên mầm non chứ không phải cứ chạy theo bằng cấp, chuẩn này chuẩn khác.
“Liệu trình độ cao đẳng đã thực sự đạt chưa hay sau này lại cho rằng chưa đạt chuẩn, lại đòi hỏi nâng lên đại học?” – đại biểu đặt vấn đề.
Nhìn vào chiều sâu của việc thực hiện quy định này, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, cần làm rõ hơn nữa việc đưa ra quy định nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, cần rà soát lại để có đánh giá đúng tình hình và có quyết định phù hợp.
Theo đại biểu, cần quan tâm đối tượng là giáo viên trung cấp nhưng làm việc nhiều năm trong ngành, những nguời có kinh nghiệm và những người dù có trình độ trung cấp nhưng tuổi đã cao, tiệm cận thời gian về hưu và không muốn đi học nâng cao trình độ thì cần cách giải quyết thế nào, luật cần tính đến cụ thể.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đây là những vấn đề rất lớn, cần nghiên cứu, đánh giá tác động đến các đối tượng.
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sẽ lựa chọn, xác định rõ những gì có thể cụ thể được thì cụ thể luôn ở trong luật, để khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn và phải đảm bảo được tính khả thi.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, với một số vấn đề lớn cần nghiên cứu thật thấu đáo trong đánh giá tác động như sáng nay nhiều đại biểu nêu. Ví dụ như nâng chuẩn giáo viên mầm non, chính sách giáo dục miền núi, xã hội hoá. “Đây là những vấn đề rất lớn, cần nghiên cứu, đánh giá tác động đến các đối tượng”, Bộ trưởng Giáo dục nói và cho biết, cũng có những vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.
Theo Xuân Hùng - Thành Trung/Báo Lao động