Gần gũi, tâm sự và bày ra nhiều hoạt động tạo hứng khởi, thầy giáo Phạm Thế Mạnh được học sinh quý mến gọi là “bố”, “mẹ”, thậm chí với cả biệt danh “đại ca”…
Sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Toán – Tin của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2009, thầy Mạnh về Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) luôn từ ngày đó, và đến nay đã công tác được gần 10 năm.
Là một giáo viên dạy Toán, thầy Mạnh lại đóng cả vai “chuyên gia tâm lý”. Thầy Mạnh được đánh giá cao bởi ý tưởng và mô hình lớp học Toán khơi gợi cảm xúc tích cực.
Nghe thật mơ hồ, và đúng là phải chứng kiến tôi mới hiểu tại sao các học trò lại thích thầy đến vậy.
Giờ học Toán hôm đó, thầy Mạnh mở đầu tiết học cũng bằng việc kiểm tra bài cũ, nhưng với một cách khác biệt.
Không ngồi trên bàn, gõ thước đen đét và giở sổ gọi tên – điều khiến nhiều học sinh “sợ phát khiếp”, mà sau khi cả lớp đứng dậy chào, thầy nhìn khắp lớp một lượt và câu hỏi đầu tiên có vẻ không liên quan đến kiến thức môn học: “Tối qua MU (Câu lạc bộ bóng đá Manchester United-PV) đá như thế nào?”.
Như “gãi đúng chỗ ngứa”, các học sinh lớp 10A1 bắt đầu rôm rả cười nói, bàn tán chia sẻ chuyện “người vui, kẻ buồn” về các đội bóng mình hâm mộ.
Ngay sau đó, thầy Mạnh giới thiệu về trò chơi “Quả bóng thần kỳ”. Luật chơi là học sinh sẽ chuyền bóng theo điệu nhạc, khi nhạc dừng, bóng đang ở tay ai thì người đó sẽ bóc một lớp giấy trên quả bóng và trả lời câu hỏi bài cũ.
Nghe chỉ dẫn, sự háo hức và tò mò hiện rõ trên khuôn mặt học sinh…
Trong suốt cả buổi học, trong lớp dường như không có “khoảng tĩnh” mà luôn rộn tiếng cười của thầy và trò.
Thầy Mạnh khi thì quan sát, lúc lại di chuyển từ đầu đến cuối lớp. Lời động viên, khích lệ và những câu đùa vui của thầy giáo khiến học sinh hăng say với diễn tiến giờ học.
Cuối buổi học, thầy Mạnh giải thích cho tôi: “Trong một lớp mà học sinh quan tâm nhiều đến bóng đá, tôi dùng bóng kết hợp với nhạc vui nhộn để “đánh thức” các em, bởi thông thường tiết 1 và 2 buổi chiều học sinh sẽ rất buồn ngủ.
Có hôm sẽ là hình thức quay số ngẫu nhiên. Có hôm lại nhắc đến một sự kiện về thời trang, âm nhạc, hay nạn ấu dâm…
Đôi khi trò chơi chỉ là để khởi động mà không liên quan gì đến bài học, nhưng điều mình có được là không khí và sự tập trung của học sinh”.
Không phải chỉ là chơi, thầy Mạnh có thể lồng ghép giữa kiểm tra bài cũ với trò chơi, kết hợp là những phần quà thú vị.
“Tôi tin khi khởi đầu suôn sẻ, trong cả tiết đó học sinh sẽ sẵn sàng hợp tác với giáo viên” – thầy Mạnh nói thêm về phương pháp của mình.
Theo thầy Mạnh, việc năm bắt được tâm lý học sinh là một quá trình rất dài và xuyên suốt, nhiều việc nhỏ nhưng tỉ mỉ. Người giáo viên phải chủ động tiến gần và không ngại dành thời gian cho các em.
Muốn đổi mới như thế nào đi chăng nữa, với thầy Mạnh, việc đầu tiên của người giáo viên cần làm vẫn là tạo sự hứng thú cho học sinh trong giờ học. Chính vì thế, một khi đã vào lớp, giáo viên nên bỏ lại những điều lo lắng, phiền muộn của cuộc sống lại đằng sau.
“Một khi đã lên lớp, giáo viên chỉ chú tâm vào lớp học. Mình nghĩ, việc đầu tiên nên làm là thăm dò, nắm bắt trạng thái tâm lý của học sinh trong lớp.
Thấy học sinh tươi cười, buồn rầu hay lo lắng đều giúp cho mình có định hướng chung, qua đó mới đưa ra cách thức giảng dạy phù hợp trong tiết học ngày hôm đó.
Nếu học sinh đang ủ rũ thì nên có những hoạt động khởi đầu tiết học sôi nổi một chút. Có như vậy, học sinh mới được kích thích những cảm xúc tích cực, và từ đó thu nhận kiến thức dễ dàng hơn”.
Thực tế, có một số thầy cô vô tình nâng cao quan điểm chuyên môn mà quên đi những cảm xúc của học sinh.
“Năm đầu tiên đi dạy mình cũng vướng phải điều đấy. Mình quá đặt nặng sự chuẩn chỉ về chuyên môn, dẫn đến kiến thức truyền tải đôi khi quá cao, quá nặng, có sự vênh giữa nội dung bài học và khả năng tiếp nhận của học sinh.
Học sinh khi nghe những nội dung quá khó sẽ sợ, lâu dần sẽ chán. Cuối cùng, trên bảng thì thầy cô cứ giảng và cũng mệt vì ôm đồm kiến thức, nhưng học sinh ở dưới thì không hiểu.
Thậm chí khi mệt mỏi quá, thầy cô không thể trả lời được học sinh một cách thấu đáo, càng ngày khoảng cách giữa thầy và trò một xa” – thầy Mạnh chia sẻ kinh nghiệm bản thân.
Thậm chí, trước đây có những học sinh ngủ gật trong giờ thầy Mạnh vì chán.
“Bản thân mình lúc đó vô cùng thất vọng, thậm chí đã có một chút bực bội đối với học sinh. Bởi khi đó chính mình cho rằng bài giảng của mình hay như thế mà học sinh lại như vậy”…
Sau đó, qua những lần đi dự giờ, thầy giáo trẻ tự đặt câu hỏi tại sao các đồng nghiệp lại có thể dạy được như thế mà mình cứ phải cố gắng nâng cấp độ lý thuyết lên.
“Khi chia sẻ câu chuyện với thầy chủ nhiệm cũ, thầy nói giáo viên không phải là một người cần khoe khoang kiến thức, mà phải là người thắp lửa cho học sinh.
Thầy khuyên tôi trước hết nên xem xét kỳ vọng của mình với học sinh và vị thế của mình trong lớp học. “Nếu em đặt mình ở vị trí cao, thầy nghĩ rằng em sẽ thất bại. Nhưng nếu coi mình giống như một người dẫn đường, dần dần em sẽ thấy mình dễ dàng hơn trong việc đứng lớp”.
Từ đó, thầy Mạnh soi chiếu lại và việc đầu tiên là đặt quyết tâm không có một học sinh nào ngủ trong giờ của mình.
“Không phải là học sinh ngủ thì phạt bằng việc đuổi ra ngoài, mà điều tôi hướng đến là học sinh không buồn ngủ vì hứng thú và vui vẻ học. Tức là không ngủ nhưng cũng không để thức kiểu miễn cưỡng”.
Khi cả lớp đã “không ngủ”, muốn duy trì thì cần phải tiếp tục tạo được sự thoải mái.
“Thỉnh thoảng mình sẽ dùng những lời “nói khích” để tạo sức bật cho học sinh. Ví dụ như bài này thầy cho lớp bên kia làm các bạn ấy chỉ mất vài phút thôi, liệu lớp mình có làm được hơn không. Nếu thật tốt hơn được hôm nào thầy cho 2 lớp thử thi với nhau xem như thế nào?” - thầy Mạnh dẫn chứng.
Ngoài việc chủ động tương tác trên lớp, thầy giáo này còn tạo những kênh giao tiếp khác như Facebook hay điện thoại, để gần gũi hơn với học sinh.
“Một kênh đặc biệt hiệu quả là giấy nhắn. Có một cái bảng nhỏ đặt bên góc lớp, bạn nào có điều gì vướng mắc cứ viết ra, dán vào đấy và mình sẽ giải đáp.
Hoặc là trực tiếp, hoặc cũng bằng giấy nhắn nếu như không biết câu hỏi của học sinh nào”…
Cũng vì sự gần gũi, mà học sinh thường gọi thầy Mạnh là bố, mẹ hay thậm chí là đại ca.
“Mình rất vui vì điều này. Mình nghĩ rằng khoảng cách giữa thầy và trò nên có sự thu hẹp lại, chỉ là đừng nên thái quá”.
“Mình vẫn luôn tâm niệm một điều rằng thành tích lớn nhất của các thầy cô giáo không phải là giấy khen hay giải thưởng, mà là sự ghi nhận từ trong suy nghĩ và trái tim của mỗi học sinh.
Mình chỉ mong khi gặp lại học sinh cũ thì nhận được câu chào, và thầy trò có thể ngồi nhắc lại được những kỷ niệm vui. Mình sợ nhất là học sinh gặp thầy mà quay mặt đi” - thầy Mạnh chia sẻ.
Được đánh giá cao bởi ý tưởng và mô hình Lớp học Toán khơi gợi cảm xúc tích cực, thầy Phạm Thế Mạnh cũng là một trong số những giáo viên được tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành GD-ĐT Hà Nội năm 2018.
Theo Thanh Hùng/Vietnamnet
Thiết kế: Lê Hiếu