"Giá như con em được một phần như con nhà chị". "Ôi, con em mà được thế này, thích gì em cũng chiều"... đủ cảm xúc của phụ huynh trước mùa "khoe điểm" của con lại rầm rộ trên mạng xã hội.
Đua nhau khoe điểm của con
"Điểm đợt 1 - Học kỳ 1: Ngữ văn 9 - 7; Toán 10-10; Vật lý 10 - 10; Sinh học 10 - 10; Lịch sử 10; Địa lý 10; GDCD 10; Tiếng Anh 6 - 9,5; tin học 9 - 10; Công nghệ 7 - 10. Các môn Âm nhạc/Mỹ thuật/Thể dục: Đ. Học lực: Giỏi/ Hạnh kiểm: Tốt/ Xếp hạng: 7".
Thông tin được một phụ huynh có con học lớp 6 tại TPHCM chia sẻ sau khi có điểm học kỳ của con. Và đây cũng dạng thông tin hết sức quen thuộc được đăng tải trên trang cá nhân của nhiều phụ huynh, khi mùa vụ "khoe điểm" của con lại đến. Tiếp đó là những phản hồi của mọi người với nhiều trạng thái như ngỡ ngàng, khen ngợi hay có chút tiếc nuối cho một vài con điểm chưa thật tròn trĩnh.
Mới đây, cơn mưa chúc mừng cũng được gửi đến phụ huynh có con học tại Trường THCS nổi tiếng ở quận 1, TPHCM khi con xếp hạng thứ 2 lớp với điểm trung bình học kỳ đạt 9,7. Trong niềm tự hào của mình, người mẹ cũng nhấn mạnh đây là một ngôi trường điểm, nhiều học sinh giỏi nên để đạt được kết quả này con mình phải thật sự có tố chất.
Quanh trạng thái "khoe điểm con", thể hiện rất nhiều tâm trạng của phụ huynh mà ít nhiều đề "đè nặng" lên con trẻ - mà thể hiện rõ nhất là tâm trạng "con nhà người ta". Có người suýt soa: "Giá như con em được một phần như con nhà chị". "Ôi, con em mà được thế này, thích gì em cũng chiều".
Phụ huynh lại vào mùa khoe điểm học kỳ của con
Hay có bà mẹ, sau khi khoe kết quả điểm của con san sát là 10, chỉ có một môn 9,5 liền lên mạng "động viên" con trước bàn dân thiên hạ đầy khiêm tốn: "Mẹ vui nhưng mẹ chưa hài lòng. Con sẽ còn phải cố gắng thêm vì còn rất nhiều bạn giỏi hơn".
Có thể với phụ huynh chỉ là lời nói đầu môi, giao tiếp qua lại, thể hiện sự khiêm nhường... Nhưng những câu chữ này, cảm xúc này với con trẻ chẳng khác nào những nhát dao.
Thỏa lòng bố mẹ nhưng hại con
Việc "khoe" điểm, xếp hạng của con với nhiều phụ huynh đơn giản có thể chỉ là chia sẻ niềm vui, chút hân hoan về kết quả của con sau một thời gian nỗ lực. Trong thế giới mạng, có khi cũng đơn giản như họ khoe đôi giày mới, chiếc áo, đồng hồ hay nỗ lực của một buổi tập thể dục... trước hết là để thỏa mãn bản thân.
Thế nhưng, khác với việc khoe tất cả mọi thứ, việc khoe điểm số của con trước mọi người dù ít hay nhiều đều tác động đến thêm chủ thể quan trọng nhất - đó là đứa con. Phụ huynh nghĩ đơn giản, có sau đâu nhưng với những đứa trẻ thì khác, nhiều em không thích, thậm chí sự thỏa mãn của bố mẹ là áp lực đáng sợ với các em.
Vào tháng 4/2018, một học sinh giỏi của Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự vẫn vì điểm tổng kết không như kỳ vọng
Trong lần chia sẻ với phụ huynh ở TPHCM về áp lực học tập của con trẻ, ThS Đinh Thanh Phương nhấn mạnh, mọi người thường chỉ nghĩ học sinh yếu mới bị áp lực học tập, điểm số thế nhưng các em học giỏi, đạt thành tích tốt mới là những người gánh những áp lực khủng khiếp.
Trong đó, những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người xung quanh dần dần hình thành sự căng thẳng vô tình lên tinh thần con trẻ. Các em không dám dừng lại, luôn gồng mình chí ít phải giữ được thành tích cũ, rồi phải đạt kết quả tốt hơn. Các em dễ rơi vào trạng thái, nếu mình không đạt kết quả cao hơn thì mình sẽ không được chấp nhận, mình sẽ gây thất vọng.
Bà Phương cảnh báo thực tế có không ít bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng rằng rộng mở nhưng kết cục các em lại hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cái chết.
Có nhiều phụ huynh thắc mắc, mình không gây áp lực học tập, điểm số gì cho con hết mà sao con vẫn cứ rất căng thẳng, tự gây áp lực. Áp lực từ điểm số đến từ nhiều phía, con trẻ lại vốn cực kỳ nhạy cảm. Chỉ cần một ánh mắt khen ngợi, thèm thuồng của bố mẹ trước thành tích của một đứa trẻ khác đã đủ để các em hiểu "vị thế" của mình trong mắt bố mẹ.
Đã có không ít nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ học giỏi, thành tích cao, học sinh trường chuyên lớp chọn bị áp lực, căng thẳng hơn nhiều học sinh bình thường, yếu. Mới đây nhất, đề tài khoa học cấp bộ về hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh THCS của 9 nhà nghiên cứu tại TPHCM thực hiện đưa ra kết quả rất đáng lưu tâm: nhóm có xu hướng tự hủy hoại bản thân tập trung ở học sinh khá, giỏi.
Ở mức độ thấp chỉ dừng ở suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, áp lực hành vi ở mức vừa như bứt tóc, đấm, đánh, cào, cấu chính mình… Còn ở mức cao thì tự tử, tổn thương thân thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cắt tay chân... nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Hoài Nam/Dân trí