11
/
67278
Tôi lặng người khi phụ huynh nói “Cô là một giáo viên tử tế”
toi-lang-nguoi-khi-phu-huynh-noi-co-la-mot-giao-vien-tu-te
news

Tôi lặng người khi phụ huynh nói “Cô là một giáo viên tử tế”

Thứ 4, 14/11/2018 | 08:28:13
684 lượt xem

Đó là một buổi họp phụ huynh của năm cuối cấp. Chúng tôi có một buổi trao đổi, như bao lần họp khác, về kết quả học tập, rèn luyện, về định hướng nghề nghiệp, về những lo toan thường ngày cho bọn trẻ.

Buổi họp có lâu hơn thông lệ, vì còn phải trao đổi thêm về kỳ thi THPT của các con. Trong lúc tan họp, chờ phụ huynh giải quyết các vấn đề của mình, tôi tranh thủ ra đứng ở hành lang, nhìn ra sân trường, hít thở sâu một chút.

Lúc đó, một phụ huynh tiến tới, bắt tay tôi, nói trong sự xúc động: “Cô thực sự là một cô giáo tử tế”.

Bất chợt được nghe câu nói đó, tôi không khỏi vui sướng và hạnh phúc.

Nhưng chẳng hiểu sao, trên đường đi về nhà và mấy ngày sau đó, tôi lại thấy buồn. Gần 20 năm đi dạy học, mình vẫn như thế. Nhưng đến giờ này mới được công nhận sao? Nói chuyện với chồng thì anh bảo tôi thật là cả nghĩ.

Chẳng biết tôi có cả nghĩ không. Hay là tại thời điểm đó, có nhiều câu chuyện về tiêu cực trong nghề giáo, về những thầy cô có ứng xử đau lòng với học sinh dồn dập trên các trang báo, trang mạng xã hội, mà đâm ra những hoạt động bình thường, hằng ngày của mình lại trở thành “quý giá”? Mà nếu thế, thì chẳng biết nên cười hay nên mếu.

Nhớ lại những lần gặp gỡ vào trao đổi với nhiều phụ huynh, tôi cảm nhận được cảm xúc an tâm, tin tưởng của họ khi “gửi” con cho mình. Họ hiểu mình không chỉ đơn thuần có phương pháp giảng dạy, mà còn có cả nhiệt tâm.

Còn người đàn ông đã bắt tay bên hành lang lớp học hôm nọ, tôi vẫn không quên được, trong 3 năm con họ học ở trường, năm nào gia đình đó cả 2 bố mẹ đều cùng nhau đi họp phụ huynh. Dù biết họ kinh doanh rất bận rộn, nhưng sự hiện diện đó của phụ huynh đã tiếp sức cho giáo viên chúng tôi rất nhiều.

Thấy chiếc xe của cô ở sân trường là con yên tâm

Từng trải qua môi trường công lập, rồi ngoài công lập, ở các bậc học THCS, THPT, tôi hiểu rằng con đường chinh phục học sinh không phải là dễ dàng, càng không phải bằng sự “ghê gớm”.

Sự thuyết phục học sinh bền bỉ và hiệu quả nhất là chuyên môn của người thầy. Tôi nghĩ rằng, thầy cô vẫn cần thuyết phục học sinh bằng những bài giảng hiệu quả, thu hút.

Tôi đã gặp nhiều học trò ban đầu phản đối ra mặt với cô giáo trước những quy tắc chung của trường, lớp mà các em cho đó là “sự nghiêm khắc”. Nhưng sau đó, bằng sự tận tâm và cương quyết khéo léo của cô giáo, các em rồi cũng hiểu ra. Có những lớp bị nhiều giáo viên kêu là “hư”, nhưng đến tiết dạy của tôi, mặc dù là tiết 5 –tiết cuối trong ngày – học trò vẫn hào hứng chào đón. Những giờ học được phê vào sổ đầu bài là “Lớp quá ngoan” khiến các em thấy mình có giá trị.

Cũng chính những học sinh từng phản ứng cô giáo, sau này viết những câu như thế này: “Con yêu cô chẳng khác gì mẹ của mình”, “Con yêu hơn cả người yêu”, “Cô là người mẹ thứ hai”....

Học trò của tôi có những em thành công khá sớm, và ai cũng trở thành người có ích. Đó có lẽ là những quà tặng 20/11 vô giá của nghề giáo.

Tôi nhớ hơn cả là cô học trò Mỹ Linh.

Bố và mẹ không ở cùng với nhau. Suốt cả thời cấp 2, cô “nổi loạn” liên tục, vào lớp với thái độ nghênh ngang, cố tình vi phạm nội quy để “gây ấn tượng” và thường tỏ ra không sợ ai cả.

Lên cấp 3, những ngày đầu cô bé vẫn giữ thái độ này. Tôi tìm cách tiếp cận để trò chuyện với cô bé, nhưng ban đầu không dễ dàng gì. Cô bé vẫn thủ thế.

Cách đây nhiều năm, chuyện học sinh có cái điện thoại mang đến lớp học vẫn là điều gì đó chưa phổ biến. Trường tôi, dẫu vậy, cũng đã có nội quy sử dụng điện thoại khá kỹ càng. Có một lần, cô bé vi phạm nội quy và tôi đã tịch thu.

Lần đó, tôi đã có buổi nói chuyện với cô bé khá lâu. Cả một buổi chiều. Tôi đã hỏi Linh muốn mình là ai, và khuyên em đừng thấy mình là bất hạnh, đừng nghĩ mình hành xử như thế mới là ấn tượng nhất....

Trong câu chuyện, tôi biết được rằng cô cũng có khát vọng học giỏi. Tôi giữ lại chiếc điện thoại và nói “Con muốn nghe điện thoại nữa thì hãy học giỏi đi. Cô sẽ giữ chiếc điện thoại này và chờ sự thay đổi ở con”.

Chiếc điện thoại đã được tôi bỏ vào phong bì dán kín lại. Sau đó, dõi theo Linh, tôi dần nhận ra sự thay đổi ở cô bé.

Từ một học sinh không chịu lắng nghe, trong mỗi bài văn của Linh sau đó thể hiện sự cảm kích, và muốn chứng tỏ với cô giáo là em đang thay đổi.

Cho đến một ngày, trong lễ trưởng thành của học sinh cuối cấp. Đến tiết mục Confession (Tự thú), Mỹ Linh xung phong lên sân khấu để trò chuyện với bạn dẫn chương trình.

Linh tự thú: “Ngày nào đến trường, tôi cũng đi tìm chiếc xe của cô giáo chủ nhiệm”.

(nghe đến đoạn này, mọi người đều cười và nghĩ: Có lẽ cô bé muốn tìm cô giáo để thương thảo, lách luật hay xin xỏ gì đây).

Nhưng câu trả lời của Linh khiến mọi người bất ngờ và xúc động:

“Mỗi khi nhìn chiếc xe của cô chủ nhiệm, tôi cảm thấy yên tâm. Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng học tập rèn luyện trong từng phút giây”.

Kết quả năm đó, Linh là học sinh đạt điểm cao nhất của khối thi mà em chọn, trong lứa học sinh của khoá.

Trong lần kỷ niệm 25 năm thành lập trường, Linh có về trường nhưng tôi không gặp. Tối muộn hôm đó, tôi nhận được tin nhắn:

“Gala 25 năm. Con chỉ cần về đề nhìn cô ở rất xa. Hôm nay con tới trường, cô đã về mất rồi. Nhưng giữa con và cô có sợi dây vô hình. Hình ảnh của cô vẫn ở trong tim con, mãi mãi”.

Tôi lưu lại tin nhắn như một món quà ý nghĩa mà học trò đã tặng. Còn chiếc điện thoại phạm quy của cô học trò năm xưa đã được trao gửi lại sau 3 năm học phổ thông. Không tin nhắn, không cuộc gọi nào trong đó tôi “đụng” đến.

Theo Hạ Anh/Vietnamnet (Ghi theo lời kể của một cô giáo ở Hà Nội)

  • Từ khóa

Đổi mới giáo dục, xây dựng xã hội học tập thời kỳ chuyển đổi số

Ngày 27/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và sơ kết 1...
15:29 - 27/12/2024
447 lượt xem

Có nên miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y?

Sau sinh viên ngành sư phạm, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y trong bối cảnh thiếu nhân...
11:31 - 27/12/2024
521 lượt xem

Ba Lan đưa giáo dục vũ trang vào trường phổ thông

Từ năm 2025, Ba Lan sẽ đưa chương trình 'Giáo dục An toàn' vào các trường phổ thông, dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi.
08:49 - 27/12/2024
615 lượt xem

Cảnh báo học sinh mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, 'cho ăn' cầu may mắn, học giỏi

Một số học sinh ở Quảng Nam lên mạng xã hội mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, mua bánh, kẹo, sữa 'cho ăn' nhằm cầu may mắn và học giỏi. Theo công an,...
07:18 - 27/12/2024
616 lượt xem

Đồng bộ đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự kế thừa nội dung của các quy chế đã triển khai thuận lợi, ổn định qua các năm nhưng vẫn có nhiều điểm mới.
15:35 - 26/12/2024
1,040 lượt xem