Gây hấn, lo âu, trầm cảm, tự tử... - trước các vấn đề tâm lý của học sinh, giáo viên chỉ có thể dừng ở mức độ nhận diện, hỗ trợ. Việc tư vấn, can thiệp không đúng quy trình, không có chuyên môn sẽ chỉ gây hại cho trẻ.
Nội dung này được TS Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn nhấn mạnh tại hội thảo tập huấn Tâm lý học đường cấp tiểu học với hơn 250 quản lý, giáo viên của 24 quận huyện ở TPHCM diễn ra ngày 9/11.
TS Huỳnh Văn Chấn cho biết, tất cả những khó khăn về tâm lý đều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và học tập của học sinh. Trong khi, điều mà giáo viên (GV) cần phải nhớ là hầu như tất cả trẻ em đều lo lắng và có xu hướng gây hấn.
Quản lý, giáo viên tiểu học ở TPHCM làm việc nhóm trong buổi tập huấn
Hội thảo đề cập chi tiết các biểu hiện, cách nhận diện các vấn đề khó khăn tâm lý ở học đường mà học sinh thường gặp phải như gây hấn, lo âu, trầm cảm, tự tử... Nếu người xung quanh để ý, quan tâm sẽ kịp thời nhận biết học sinh đó đang gặp vấn đề để có sự hỗ trợ kịp thời.
"Tuy nhiên, ở góc độ nhà giáo chỉ có thể dừng lại ở mức nhận diện và hỗ trợ trước các vấn đề của các em. Còn tư vấn và trị liệu phải là những người có chuyên môn được đào tạo. Nếu tư vấn không đúng quy đình sẽ chỉ gây hại cho trẻ", TS Huỳnh Văn Chấn cho biết.
Bên cạnh nắm bắt các thông tin, tại buổi tập huấn, GV cũng thực hiện làm việc nhóm, các bài thực hành về các kiến thức, tình huống cụ thể.
TPHCM là nơi đầu tiên trong cả nước phát triển tư vấn tâm lý học đường trong trường học với việc có chức danh chính thức GV tâm lý từ năm học 2008-2009. Tuy nhiên, sau đợt thanh kiểm tra vào cuối năm 2015, TPHCM đã buộc phải tạm ngưng vì chức danh này không có trong thông tư hướng dẫn về định biên, định mức, chức danh GV trong cơ sở giáo dục công lập.
Hiện nay, GV tâm lý làm việc trong trường học nhưng không có vị trí không việc. Hơn nữa, chủ yếu bậc THCS, THPT mới tuyển dụng, thực hiện phòng tư vấn tâm lý học đường, còn ở bậc tiểu học thì vấn đề này chủ yếu do GV chủ nhiệm trong khi GV cũng không có chuyên môn. nên dễ xảy ra những tình huống không hay. Việc GV tiểu học nắm các kiến thức, thông tin cơ bản về giáo dục tâm lý để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về tâm lý là cực kỳ quan trọng.
Theo Hoài Nam/Dân trí