Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ điều chỉnh kỹ thuật trong khâu chấm thi. Theo đó, đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm.
Thi THPT quốc gia 2019: Sẽ khắc phục một số câu hỏi quá khó trong đề thi
Kỳ thi THPT quốc gia 2019, bài thi trắc nghiệm sẽ có phách điện tử
Bộ GD&ĐT cho biết, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2018, nhất là khâu chấm thi, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, Bộ GD&ĐT rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi.
Nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi.
Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức chấm tập trung. Các phòng chấm thi sẽ phải đặt camera giám sát 24/24 giờ. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp. Theo đó, cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm là đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm. Tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; bảo đảm phù hợp với năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp. Quy trình xây dựng đề thi chính thức sẽ chú trọng cải tiến khâu phản biện và thẩm định để bảo đảm đề thi phù hợp với yêu cầu kỳ thi THPT quốc gia cả về độ khó và độ cân bằng giữa các mã đề.
Đối với công tác coi thi, vẫn như năm 2018, mỗi tỉnh tiếp tục tổ chức một Hội đồng thi do sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) chủ trì; điều động cán bộ giảng viên trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp theo nguyên tắc các trường địa phương nào thì không tham gia phối hợp tại địa phương đó.
Bộ GD&ĐT cho rằng, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo Hồng Hạnh/Dân trí