Đó là tính toán của Bộ GD&ĐT về đề xuất không thu học phí đối với học sinh trường công lập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập đối với học sinh diện phổ cập.
Hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định tại Nghị định 86 đối với các trường công lập khá thấp (Khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; Khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng).
Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ kinh phí cho học sinh ngoài công lập sẽ từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập.
Bên cạnh đó, mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông hiện nay không cao, tuy nhiên việc không thu học phí THCS sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tạo thêm cơ hội cho trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở học được tiếp cận giáo dục, đặc biệt các học sinh gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Qua đó khắc phục cơ bản tình trạng học sinh bỏ học, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Miễn học phí bậc THCS khắc phục tình trạng học sinh vùng khó khăn phải bỏ học giữa chừng
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn giảm học phí theo quy định hiện nay. Khi thực hiện chính sách này, hàng năm, Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản 4.730 tỷ. Cụ thể:
Đối với trẻ mầm non 5 tuổi: Cấp bù học phí cho trẻ 5 tuổi tại cơ sở mẫu giáo công lập thì tổng số kinh phí ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 698 tỷ đồng (75.854 đồng/1 học sinh/1 tháng x 9 tháng x 1.023.452 trẻ).
Hỗ trợ đóng học phí cho trẻ 5 tuổi tại cơ sở mẫu giáo ngoài công lập: Theo số liệu nghiên cứu, số trẻ 5 tuổi học ngoài công lập hiện nay là 111.873 trẻ. Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ là 680 tỷ (6.080.400 đồng/1 trẻ/ 1 năm x 111.873 trẻ).
Đối với học sinh tiểu học: Hiện nay, học sinh tiểu học tại cơ sở giáo dục công lập đã được miễn học phí và cơ sở giáo dục tiểu học đã được ngân sách đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định hiện hành, vì vậy không làm tăng chi ngân sách.
Về hỗ trợ đóng học phí cho học sinh tiểu học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập: Số học sinh học ngoài công lập hiện nay là 159.697 học sinh thì tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ là 855 tỷ (5.359.680 đồng/1hs/1 năm x 159.697 học sinh).
Đối với học sinh trung học cơ sở: Cấp bù học phí cho học sinh tại cơ sở giáo dục công lập thì tổng số kinh phí ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 2.143 tỷ đồng (51.356 đồng/1 học sinh/1 tháng x 9 tháng x 4.636.000 học sinh).
Hỗ trợ đóng học phí cho học sinh THCS ngoài công lập: Số học sinh học ngoài công lập hiện nay là 56.695 học sinh. Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ là 352 tỷ đồng (6.222.400 đồng/1 hs/1 năm x 56.695 học sinh).
Về nguồn kinh phí thực hiện, Bộ GD&ĐT cho rằng, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo. Hiện nay tổng ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6% - 8%, xét về số tuyệt đối thì hàng năm ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo tăng từ 10.000 tỷ đến 13.000 tỷ (Ví dụ năm 2018 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục Quốc hội phê duyệt là 229.074 tỷ, năm 2017 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là 215.167 tỷ, phần tăng thêm là 13.907 tỷ).
Như vậy, với số ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm tăng thêm khoảng 13.907 tỷ, thì hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỷ đồng, chưa kể số dự phòng ngân sách cho giáo dục hàng năm chưa sử dụng.
Theo Hồng Hạnh/Dân trí