Bộ GD&ĐT dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, thay bằng chính sách cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng.
Cụ thể hình thức thực hiện như sau: Sinh viên sư phạm lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội, các khoản vay tín dụng bao gồm:
Học phí: Mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học.
Sinh hoạt phí: để chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, định mức: 3- 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học tương đương 30 - 35 triệu/1 năm.
Về cơ chế bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí: Sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí.
Nếu trong vòng 2 năm sau khi ra trường, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí trong vòng 3 năm tiếp theo. Sinh viên ra trường có làm trong ngành sư phạm, tuy nhiên thời gian công tác trong ngành chưa đủ 5 năm cũng sẽ phải hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí.
Bộ GD&ĐT cho rằng, phương án trên sẽ đảm bảo để các trường sư phạm vẫn có thể thu hút người giỏi vào học, đồng thời tạo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác. (Khóa sinh viên sư phạm đã tuyển sinh vẫn sẽ tiếp tục hưởng chính sách này theo quy định tại điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo khoản 3 Điều 89 của Luật giáo dục số 38/2005/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12.)
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, Bộ GDĐT đang rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là mạng lưới các trường sư phạm, đồng thời phối hợp với các Trường sư phạm để tính toán chi phí đào tạo cho 1 sinh viên sư phạm theo khối ngành, thực hiện giao chỉ tiêu và kinh phí cho các Trường sư phạm. Tiến tới sẽ cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng đào tạo trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo để các trường đảm bảo đủ nguồn thu để chi trả chi phí đào tạo và đầu tư phát triển trường; tiếp theo sẽ phối hợp với các Trường để tính toán đến phương án đảm bảo đầu ra (việc làm) cho sinh viên để giảm tình trạng làm trái ngành, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội
36.54% sinh viên chọn sư phạm với lý do “miễn học phí”.
Bộ GD&ĐT cho rằng, việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng 50.5% SV chọn ngành sư phạm. Chính sách này đã có tác dụng thúc đẩy nhất định khi có một số lượng sinh viên (SV) đăng ký học ngành sư phạm.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là những SV này có thực sự phù hợp với yêu cầu ngành cũng như có nhiều SV giỏi vào ngành sư phạm hay không. Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao một số nhà khoa học, chuyên gia điều tra xã hội học và nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản để có thể có những cứ liệu tương đối chính xác và khoa học.
Thực tế đã có số lượng không nhỏ SV chọn ngành sư phạm vì lý do miễn học phí. Nghiên cứu tại trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long đã góp phần minh chứng cho điều này khi đưa ra kết luận: 36.54% tỉ lệ SV năm thứ nhất chọn học tại trường với lý do “Miễn học phí”.
Như vậy, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hướng nghiệp. Nói rộng hơn, tác động của giáo dục hướng nghiệp và hiệu quả của nó đã bị chi phối nhiều bởi yếu tố học phí. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều năm qua sinh viên sư phạm chưa thể rơi vào miền chọn nghề tối ưu theo mô hình hướng nghiệp hiện đại.
Kết quả kháo sát cũng cho thấy có 13.7% SV khẳng định gia đình của họ có khả năng đóng tiền học phí cho họ, 18.8% SV khẳng định bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22.1% SV khẳng định rằng vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí. Vì thế, không đủ luận cứ để khẳng định rằng sinh viên sư phạm có hoàn cảnh khó khăn sẽ bỏ học nếu chính sách này không còn tồn tại. Nói khác đi, sinh viên sư phạm có thể gặp một số khó khăn nếu không được miễn học phí. Nhưng không vì thế sinh viên sẽ bỏ học hay không thể theo đuổi việc học.
Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội, việc đáp ứng được học phí cho con đi học không còn là nỗi lo lắng của nhiều gia đình, việc thu hút học sinh giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng.
Bên cạnh đó, việc SV Sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, lương thấp, áp lực công việc cao cộng với những đãi ngộ và vị thế của GV không còn được đánh giá đúng mức là một rào cản rất lớn trong việc thu hút những học sinh giỏi vào các trường sư phạm cũng như thu hút nhân lực có tiềm năng trở thành nhà giáo.
Thực tế còn cho thấy học sinh khá, giỏi thường có rất nhiều sự lựa chọn để theo học các ngành nghề khác nhau với tương lai tươi sáng hơn so với việc chọn ngành sư phạm.
Điều này dẫn tới hệ quả, ngành sư phạm trở thành sự lựa chọn hàng đầu của những SV học lực trung bình hoặc trở thành nguyện vọng 2 khi những ngành nghề khác không đủ điểm đầu vào. Điều này đặc biệt diễn ra ở những trường Sư phạm địa phương.
Không kiểm soát được sinh viên khi tốt nghiệp
Bộ GD&ĐT cho rằng, một tác động tiêu cực dẫn đến từ chính sách này trong thực tiễn khi đặt vào trong bối cảnh là không quản lý được SV hưởng chính sách miễn học phí.
Theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, SV phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo. Theo quy định pháp luật hiện hành, các đối tượng nếu không thực hiện cam kết phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng góp học phí trong thời gian học tại trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem SV có thực hiện đúng cam kết hay không. Khi SV ra trường, nhà trường Sư phạm sẽ hết trách nhiệm, ngành Giáo dục Đào tạo hay các sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương cũng không thể kiểm soát được thông tin này.
Không thể phủ nhận, có một lực lượng không nhỏ SV Sư phạm sau khi tốt nghiệp đã chuyển sang làm ngành nghề, lĩnh vực khác do không tìm được nhiệm sở hoặc do sức hấp dẫn ở các ngành nghề khác về tiền lương hoặc chế độ đãi ngộ, thăng tiến.
Điều này dẫn tới sự phí phạm ngân sách nhà nước đầu tư cho những SV này và tạo ra sự bất công bằng so với những SV của các ngành nghề khác ở một mức độ nhất định.
Chính sách này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và không đẩy mạnh các giải pháp đầu tư có chất lượng hay đầu tư trọng điểm.
Phí phạm ngân sách
Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế nguồn kinh phí trong ngân sách nhà nước dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho SV Sư phạm không nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy: hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo GV (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm).
Mặc dù những năm gần đây có tình trạng dư thừa GV, Bộ GDĐT đã giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm. Cụ thể, năm 2011, trong hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT theo khung học phí quy định tại nghị định 49 là gần 250 tỉ đồng.
Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT đã nâng lên con số hơn 354 tỉ đồng. Năm 2013, dự toán của Bộ GD&ĐT về mức chi ngân sách bù học phí SV Sư phạm các trường đại học, cao đẳng và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỉ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỉ đồng.
Nhà trường sư phạm ít có cơ hội được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học từ nguồn học phí cấp bù không chủ động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ cũng là một tác động ngược.
Do chính sách miễn học phí cho SV Sư phạm, kinh phí hoạt động của các trường Sư phạm chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước được tính trên đầu số SV. Do đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện dạy học hiện đại hay các dụng cụ cho thí nghiệm, thực hành đều là nỗi khó khăn đối với các trường sư phạm. Trong khi đó, rõ ràng không thể phủ nhận được vai trò của cơ sở vật chất, phương tiện dạy học hiện đại trong đào tạo đại học nói chung và đào tạo GV nói riêng.
50% sinh viên sư phạm không làm đúng ngành
Bộ GD&ĐT cho biết, tỷ lệ SV Sư phạm tốt nghiệp và có việc làm trong ngành giáo dục sau 3 tháng là trên 50% . Như vậy, số lượng sinh viên không theo ngành sư phạm sẽ làm việc ngoài ngành (trừ một số sinh viên chờ đợi đợt tuyển mới). Điều này sẽ dẫn đến việc sự đầu tư của nhà nước sẽ không mang đến hiệu quả như mong đợi, sự “thất thu” trên bình diện đầu tư sẽ diễn ra.
Trong khi đó, một số sinh viên ngoài sư phạm học hệ cử nhân và 1 năm sư phạm (ở mô hình đào tạo khác sư phạm 4 năm) hay học viên hệ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trước đó (từ năm 2014 đến nay đã dừng ở bậc THPT - vẫn chưa dừng ở các hệ khác như NVSP THCS...) vừa phải đóng học phí 4 năm, đóng học phí học năm cuối hay hệ nghiệp vụ sư phạm chứng chỉ rất tốn kém nhưng lại trở thành giáo viên như nhân sự được miễn học phí. Đó là sự bất công dễ nhận thấy từ chính sách khi đặt trong tầm nhìn mang tính tổng thể, toàn cục.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy ở một số trường Đại học với các ngành sư phạm thì sinh viên một số khoa theo ngành sư phạm sau khi ra trường không quá 1/2. Ví dụ: ngành tiếng Anh, gần 40% không làm GV phổ thông; CNTT với hơn 36%, tâm lý giáo dục (hệ Sư phạm) với hơn 32%... ( Kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên 32 tỉnh thành phía Nam). Tất cả biểu hiện này là sự thiếu cân bằng và cần được điều chỉnh.
Theo Nhật Hồng/Dân trí