Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT rút kinh nghiệm về vụ quy định "sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học".
Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời đại biểu Quốc hội 2 câu hỏi quyền tham gia của trẻ em khi tham gia vào Luật Giáo dục (sửa đổi) và quy định "sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học" đang gây nhiều tranh cãi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Về dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều, Bộ đang rà soát. Trong đó thông tư quy định đuổi học sinh khi bán dâm có từ năm 2007, trong thông tư năm 2016 cũng đã có.
Trong khi rà soát, Bộ GD-ĐT nhận thấy những quy định này không còn phù hợp nữa, cần bỏ và sửa đổi, Tuy nhiên do cán bộ năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa lên, gây ra luồng ý kiến xã hội. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo phải xử lý ngay, nội dung này không đưa vào thông tư nữa.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ GD-ĐT cần loại bỏ những thông tư không hợp lý, gây phản cảm cho xã hội. Một vấn đề khi chưa được bàn bạc kỹ mà đưa rộng rãi lên mạng gây bức xúc cần phải được xem xét kỹ.
Phát biểu sau phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho một cá nhân khác. Theo đại biểu Minh Hiền, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận thấy năng lực của bộ máy ngành thì mới lấy lại được sự tôn nghiêm của giáo dục.
“Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động”, bà Hiền nói.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân nhắc lại lời phát biểu của đại biểu Kim Hiền và đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT rút kinh nghiệm.
Sẽ lấy ý kiến rộng rãi của học sinh cho Luật Giáo dục (sửa đổi)
Đối với câu hỏi quyền tham gia của trẻ em khi tham gia vào Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong khi xây dựng dựng bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục (sửa đổi). Bộ GD-ĐT nhận thấy, Luật Luật Giáo dục (sửa đổi) có liên quan đến mọi người, mọi nhà nên phải lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội.
Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các Sở GD-ĐT lấy ý kiến cha mẹ, học sinh. Trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cả cả 1 chương về người học nên Bộ thấy đối tượng học sinh THCS, THPT rất cần được lấy ý kiến. Bởi tuy các em không thể quyết định được những vấn đề lớn nhưng những ý kiến đóng góp của các em cho Luật Giáo dục (sửa đổi) rất cần được lắng nghe. Sắp tới đây, việc lấy ý kiến của các em vào Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn./.
Theo Bích Lan/VOV.VN