Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, năm 2018 tổng số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, đơn giản hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 121 điều trên tổng số 212 điều, chiếm tỷ lệ 57,1% tổng số điều kiện kinh doanh.
(Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Tỷ lệ này vượt 5,2% so với tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa 51,9% điều kiện kinh doanh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra trước đó.
Cụ thể, có hai Nghị định về các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thay đổi là Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Trong đó, Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 đã được thay thế bằng Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, do Chính phủ đã ban hành ngày 6/6/2018.
Sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cắt giảm 24 điều, đơn giản hóa 4 điều trong tổng số 212 điều kiện kinh doanh, chiếm 13,2%.
Các điều kiện kinh doanh cắt giảm liên quan đến điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; điều kiện về cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; điều kiện cho phép thành lập phân hiệu, cho phép hoạt động đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; điều kiện thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 4/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cắt giảm 57 điều kiện, đơn giản hóa 36 điều kiện kinh doanh, chiếm 43.9% tổng số điều kiện kinh doanh.
Trong đó, điều kiện kinh doanh được cắt giảm trong lĩnh vực giáo dục mầm non là 21 điều, giáo dục phổ thông là 18 điều, giáo dục thường xuyên là 15 điều, giáo dục chuyên biện 11 điều, khối sư phạm và đại học 18 điều, kiểm định chất lượng giáo dục 8 điều, tư vấn du học cắt giảm 2 điều kiện.
Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)