UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ lo ngại, việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.
Báo cáo về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách,pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tập trung vào 2 vấn đề: hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước còn chồng chéo và việc Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính trong biên soạn, in ấn và phát hành SGK liên quan đến cơ quan xuất bản của Bộ là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Quy trình xuất bản sách giáo khoa hiện nay là: bản thảo sau khi được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt, sẽ giao cho nhà xuất bản Giáo dục tổ chức xuất bản, in và phát hành.
Thí điểm mô hình công ty mẹ - con với nhà xuất bản Giáo dục đã... 15 năm
Về cơ chế chính sách quản lý với hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK, cơ quan thực hiện khảo sát nhận định, dù hành lang pháp lý thuận lợi nhưng thực tế, một số quy định điều chỉnh lĩnh vực này vẫn còn bất cập.
Quy định về thẩm quyền của Bộ GD-ĐT trong việc biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK, giáo trình trong luật Giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK giáo dục phổ thông trong những năm qua, làm cho hoạt động này thiếu tính cạnh tranh, công bằng.
Quy định về việc định giá, điều chỉnh giá bán lẻ xuất bản phẩm thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc nhà xuất bản và quy định SGK thuộc danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính được coi là “đá” nhau, ảnh hưởng đến tính chủ động, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản...
UB Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ ra thực tế, tính đến tháng 12/2017, trong số 37 nhà xuất bản được hoạt động, chỉ có nhà xuất bản Giáo dục có chức năng xuất bản SGK.
Sau khi có chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, mỗi môn học có một số SGK thì đến nay mới có 5 nhà xuất bản khác đủ điều kiện, được Bộ TT-TT bổ sung chức năng xuất bản SGK.
Cơ quan khảo sát chỉ rõ, như vậy, trong thời gian dài, chỉ có nhà xuất bản Giáo dục được cấp phép, có chức năng xuất bản SGK. Việc này không chỉ làm cho hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK thiếu khách quan, công bằng, cạnh tranh mà còn hạn chế vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc thực hiện thí điểm chuyển nhà xuất bản Giáo dục sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2003 đến nay đã hơn 15 năm, có điểm chưa thật phù hợp, bộc lộ không ít khó khăn nhưng chưa được tổng kết, đánh giá để điều chỉnh phù hợp.
UB Văn hóa, Giáo dục chỉ rõ, trên thực tế, mối liên hệ giữa nhà xuất bản Giáo dục với các công ty con theo hợp đồng liên kết xuất bản đối với từng xuất bản phẩm làm phát sinh thủ tục, giảm tính chủ động của nhà xuất bản trong thực hiện kế hoạch hàng năm.
Công tác quản lý nhà nước về thị trường SGK tại một số địa phương chưa được chú trọng, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng, phó mặc việc quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK cho ngành giáo dục.
Nhà xuất bản làm sách, 5 nhà in nội bộ thầu in
Về thực trạng việc xuất bản SGK, theo UB Văn hóa, Giáo dục, lâu nay, quy trình được thực hiện là: bản thảo sau khi được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt, sẽ giao cho nhà xuất bản Giáo dục tổ chức xuất bản, in và phát hành.
“Qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành” – báo cáo của UB Văn hoá, Giáo dục nêu rõ.
Hơn nữa, việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK, theo cơ quan khảo sát, dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.
Việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.
Hàng năm, nhà xuất bản Giáo dục tổ chức in SGK phổ thông theo 2 hình thức: in gia công – nhà xuất bản giao kế hoạch cho 5 nhà in nội bộ, không được tham gia dự đấu thầu theo luật và in đấu thầu rộng rãi toàn quốc. Việc phát hành sách cũng thực hiện chủ yếu qua kênh của nhà xuất bản Giáo dục.
Việc in SGK theo hình thức đấu thầu có số lượng thấp (sau khi trừ đi sản lượng đã giao cho các nhà in nội bộ của nhà xuất bản Giáo dục). UB Văn hóa, Giáo dục nhận xét, cách thức hoạt động và kết quả đấu thầu thực tế cho thấy hoạt động in SGK còn khép kín, tính cạnh tranh chưa cao,... có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Bên cạnh đó, nạn in lậu, in nối bản SGK lan rộng, tinh vi và phức tạp đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng. Nếu như trước đây vi phạm này chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì gần đây đã gia tăng ở các địa phương khác như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ… SGK in lậu có chất lượng kém (hình ảnh mờ, chữ mất nét, không có các nội dung chỉnh sửa, bổ sung) khiến học sinh gặp khó khăn trong quá trình học.
Theo P.Thảo/Dân trí