11
/
66395
Giải pháp để nhà vệ sinh không còn ám ảnh học trò
giai-phap-de-nha-ve-sinh-khong-con-am-anh-hoc-tro
news

Giải pháp để nhà vệ sinh không còn ám ảnh học trò

Thứ 5, 18/10/2018 | 07:45:58
781 lượt xem

Quan trọng nhất là nhà trường phải giáo dục ý thức học sinh trong việc bảo vệ môi trường nói chung và khu vệ sinh nói riêng.

Học sinh ám ảnh bởi nhà vệ sinh trường học

Nhiều năm quản lý trường học ở Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn) cho rằng nhà trường cần dành sự quan tâm đúng mức đến nhà vệ sinh. Ngoài việc đảm bảo số khu vệ sinh phù hợp với số học sinh theo quy chuẩn, tăng cường số lần dọn dẹp sao cho kịp thời, điều quan trọng nhất là nhà trường phải giáo dục ý thức học sinh trong việc bảo vệ môi trường nói chung và khu vệ sinh trường học nói riêng.

"Số nhân công làm công tác vệ sinh của mỗi trường hạn chế, công việc dọn dẹp lại nhiều. Nếu mọi người trong trường, gồm cả thầy cô và học sinh, chung tay dọn dẹp vệ sinh, vấn đề này phần nào được giải quyết", thầy Bình nói.

Nhà vệ sinh được đầu tư xã hội hóa ở một trường học Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương

Nhà vệ sinh được đầu tư xã hội hóa ở một trường học Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương

Từng đến thăm các trường học ở Nhật Bản, thầy Bình đánh giá cao việc học sinh trường tiểu học tham gia làm vệ sinh, không chỉ dọn lớp học, sân trường mà cả kỳ cọ toilet. Trong khi đó, ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố, học sinh chỉ phải trực nhật, làm những việc đơn giản trong lớp học.

Hiệu trưởng này khẳng định ngoài học kiến thức và rèn luyện, một trong những nhiệm vụ ở trường của học sinh là tham gia lao động. Các em có thể làm công việc nhẹ như quét dọn sân trường, hành lang lớp học. Nhờ đó, lao công có nhiều thời gian hơn, tập trung hơn trong việc làm sạch khu vệ sinh. Các em cũng sẽ hiểu được giá trị của lao động và thông qua lao động có ý thức giữ gìn khu vệ sinh tốt hơn, không vứt rác bừa bãi.

"Rõ ràng giáo dục trong nhà trường đang không làm được việc này, thậm chí học sinh thấy mình bày bừa ra là có người dọn nên càng thiếu ý thức. Việc giáo dục để các em có ý thức trách nhiệm với cá nhân, với cộng đồng ngay từ nhỏ là rất quan trọng", thầy Bình nói.

Nhà giáo Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP HCM) chia sẻ câu chuyện nhà vệ sinh trường học là "muôn thuở", lúc nào cũng được nhắc đến bởi giữ được nơi này sạch sẽ, không trở thành nỗi ám ảnh của học trò là rất khó.

Gần chục năm trước, trường Trần Văn Ơn có gần 2.000 học sinh, có bốn dãy phòng học với 14 khu nhà vệ sinh, mỗi khu 7 cái bồn cầu. Trường chỉ có vài nhân công, phải dọn cả rác ở trường, phòng học rồi tới nhà vệ sinh. Mỗi tuần thầy Minh vào kiểm tra, không ít lần thấy trò đi tiểu không dội nước, bồn cầu còn nguyên "hậu quả". Ông đã vẽ tranh vui nhắc nhở treo ngay cửa.

Theo nhà giáo này, việc quan tâm của hiệu trưởng, thầy cô đến việc tưởng chừng là tế nhị này phần nào cũng giúp học sinh nâng cao ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh. Việc đảm bảo sạch sẽ nhà vệ sinh phải gắn với trách nhiệm của người quản lý, giáo viên và cả học sinh thì mới có được sự chuyển biến tích cực.

Kêu gọi phụ huynh chung sức

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tân Bình (TP HCM) thẳng thắn nói, muốn có nhà vệ sinh sạch phải có tiền để mua trang thiết bị hiện đại và thuê nhiều lao công dọn dẹp liên tục. "Không chờ ngân sách được vì mỗi năm chỉ rót một đợt và phải chi bao khoản, đến hạng mục nhà vệ sinh thì chẳng còn gì. Không có tiền thì cái nút vặn bồn cầu hư cũng chẳng thể thay được", ông nói và cho rằng "muốn có tiền cho nhà vệ sinh thì đi xin phụ huynh".

Theo hiệu trưởng này, nếu nhà trường nói rõ mục đích phục vụ tốt hơn cho học sinh, cần thêm tiền ngoài ngân sách thì chẳng cha mẹ nào tính toán. Nhờ xin quỹ hội phụ huynh mà trường có tiền thuê thêm ba nhân viên dọn dẹp, làm việc theo giờ. Nhờ đó tần suất dọn dẹp dày hơn, nhà vệ sinh lúc nào cũng được đảm bảo khô thoáng, học trò đỡ sợ hơn.

"Trước đây nhiều bệnh viện nhà vệ sinh cũng rất khủng khiếp nhưng sau khi được tự thu tự chi, xã hội hóa thì mọi thứ cũng tốt lên. Nhà vệ sinh trường học cũng vậy, cần huy động hết nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để giải quyết mọi vướng mắc", hiệu trưởng đề xuất.

Ở Thanh Xuân (Hà Nội), có hai con học trường công lập, ông Trần Văn Nam nhận thấy việc xây thêm khu vệ sinh để tránh quá tải là rất khó bởi không còn quỹ đất. Phụ huynh có thể thông cảm với điều này, nhưng không hài lòng khi chính quyền và trường chưa quan tâm đúng mức đến nhà vệ sinh, không dành khoản đầu tư cho hạng mục này, để nó xuống cấp.

"Học sinh phải đóng nhiều khoản, trong đó có tiền xây dựng, tiền vệ sinh hàng tháng, nhưng thực sự tôi không hiểu tiền đó dùng vào việc gì khi thấy trường không mấy thay đổi. Mỗi lần muốn đầu tư cơ sở vật chất, ví dụ lắp đặt hệ thống bạt che nắng ở sân trường, trường cũng huy động đóng góp. Sao không dùng số tiền đó để sửa chữa, thuê thêm lao công dọn dẹp nhà vệ sinh?", ông Nam nói. 

Phụ huynh này lấy ví dụ về nhiều bệnh viện, nơi lao công được thuê để dọn dẹp nhà vệ sinh vào nhiều thời điểm trong ngày với mức lương chỉ 4-5 triệu đồng. Nhà trường có thể thuê nhân công theo hợp đồng, lau dọn nhà vệ sinh 3-4 lần thay vì chỉ dọn sau giờ học. Với một trường có 1.500 học sinh, nếu mỗi cháu góp 20.000 đồng một tháng, số tiền đủ để thuê nhiều lao công hơn.

"Nhiều trường có mô hình nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp, nhưng quan trọng là giữ nó sạch đẹp được bao lâu trong khi các cháu còn nhỏ, hiếu động, ham chơi. Trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về nhà trường, nhưng phía nhà trường cần có biện pháp để tạo môi trường tốt nhất cho các cháu", ông Nam nói.

Theo VnExpress

  • Từ khóa

Đổi mới giáo dục, xây dựng xã hội học tập thời kỳ chuyển đổi số

Ngày 27/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và sơ kết 1...
15:29 - 27/12/2024
29 lượt xem

Có nên miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y?

Sau sinh viên ngành sư phạm, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y trong bối cảnh thiếu nhân...
11:31 - 27/12/2024
108 lượt xem

Ba Lan đưa giáo dục vũ trang vào trường phổ thông

Từ năm 2025, Ba Lan sẽ đưa chương trình 'Giáo dục An toàn' vào các trường phổ thông, dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi.
08:49 - 27/12/2024
202 lượt xem

Cảnh báo học sinh mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, 'cho ăn' cầu may mắn, học giỏi

Một số học sinh ở Quảng Nam lên mạng xã hội mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, mua bánh, kẹo, sữa 'cho ăn' nhằm cầu may mắn và học giỏi. Theo công an,...
07:18 - 27/12/2024
217 lượt xem

Đồng bộ đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự kế thừa nội dung của các quy chế đã triển khai thuận lợi, ổn định qua các năm nhưng vẫn có nhiều điểm mới.
15:35 - 26/12/2024
615 lượt xem