Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá với các mức độ “đạt”, “khá”, “tốt” hoặc “không đạt”.
Từ ngày 10/10/2018, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22/8/2018 có hiệu lực.
Quy định này áp dụng đối với giáo viên trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá với các mức độ “đạt”, “khá”, “tốt” hoặc “không đạt” (ảnh minh họa)
Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí.
Cụ thể: Tiêu chuẩn “Phẩm chất nhà giáo” với 2 tiêu chí, yêu cầu giáo viên tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.
Tiêu chuẩn “Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ”, yêu cầu giáo viên nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; Thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiêu chuẩn này gồm 5 tiêu chí yêu cầu giáo viên: Phát triển chuyên môn bản thân; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn và hỗ trợ học sinh.
Tiêu chuẩn “Xây dựng môi trường giáo dục” gồm 3 tiêu chí, yêu cầu giáo viên thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.
Tiêu chuẩn “Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội” yêu cầu giáo viên tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tiêu chuẩn này gồm 3 tiêu chí cụ thể, đó là: Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tiêu chuẩn cuối cùng “Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục” được đánh giá với 2 tiêu chí: Biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và ứng dụng công nghệ thông tin; Khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Thông tư quy định, căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá với các mức độ “đạt”, “khá”, “tốt” hoặc “không đạt”. Cụ thể, với mức đạt, tất cả các tiêu chí phải được đánh giá từ mức đạt trở lên.
Mức khá, có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 đạt mức khá trở lên.
Mức tốt, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí chí ở tiêu chuẩn 2 đạt mức khá trở lên.
Những giáo viên được xếp loại đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên đạt mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 đạt mức tốt sẽ có cơ hội trở thành giáo viên cốt cán.
Thông tư quy định, giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ 1 năm một lần vào cuối năm, để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ 2 năm một lần./.
Theo VOV.VN