Các nền giáo dục tiên tiến, người thầy có toàn quyền quyết định bài giảng, hành động của mình. Nhà quản lý giáo dục chỉ kiểm soát đầu ra.
Đánh học sinh có thể bị phạt 30 triệu đồng
Nguyên là giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, TS Nguyễn Thu Hương chia sẻ quan điểm về dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến. Ban soạn thảo đề xuất nhiều mức phạt hành chính ở mức cao liên quan đến việc học thêm, chửi mắng học sinh, viết thuê luận án, xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh. Đặc biệt, trong đó có xử phạt người đứng trên bục giảng khi xúc phạm nhân phẩm học sinh, học viên.
Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng và buộc xin lỗi công khai đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể học sinh. Ngoài ra, giáo viên sẽ chịu mức xử phạt bổ sung là đình chỉ giảng dạy 1-6 tháng.
Những quy định trên khiến tôi, người từng đào tạo nhiều thế hệ giáo viên, hiện tại đứng lớp dạy trẻ tiểu học, trăn trở. Luật pháp không cho phép bất kể ai xúc phạm thân thể và danh dự người khác, quy định không được phép bạo hành trẻ trong trường học cũng có từ lâu và giáo viên nào cũng biết. Luật đã có, nhưng vi phạm vẫn diễn ra khắp nơi. Nếu ở nơi thượng tôn pháp luật thì một điều luật rõ ràng là quá đủ, còn nơi không tôn trọng thì 100 điều cũng chỉ là vô nghĩa.
TS giáo dục Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC. |
Ở nhiều nơi trên thế giới, việc người thầy sử dụng đòn roi để dạy trẻ không hiếm. Ngay xã hội Việt Nam, rất nhiều giáo viên dùng roi vọt để giáo dục nhưng vẫn được học trò, phụ huynh vô cùng kính yêu, trân quý. Roi vọt kèm những thông điệp giáo dục rõ ràng đôi khi giúp học trò phân biệt rạch ròi ranh giới giữa được phép/không được phép, cái đúng/cái sai, biết nhận ra lỗi lầm...
Phạt học sinh bằng đòn roi, không phải lúc nào cũng là hành vi bạo hành. Vậy, hành động của giáo viên ở mức độ như thế nào, gây tác động như thế nào thì được xác định là "xâm phạm thân thể người học" và bị xử lý hành chính? Nghị định nếu không quy định rõ sẽ gây khó dễ cho việc thực thi.
Là giáo viên, bất kể ai cũng mong học trò tiến bộ. Chỉ có điều, những người thầy đó có đủ kỹ năng để xử lý các vấn đề trước khi mất bình tĩnh hay không. Kết tội người thầy trong các trường hợp phạt trẻ mà không cần quan tâm người trò khi đó đã làm gì, đã cư xử hoặc hành động gì, có nguy hiểm đến ai không, có gây ra hậu quả gì không là một việc làm không thỏa đáng. Ví dụ, học trò hỗn láo bị thầy giáo phạt một roi nhưng sau đó người thầy có thể bị tước quyền dạy trẻ vài tháng, phạt vài chục triệu đồng. Đây là điều không hợp tình, hợp lý, khiến giáo viên tổn thương và dần mất đi tâm huyết với nghề.
Nhìn rộng ra thế giới, chúng ta thấy điều luật của Việt Nam đang "cô đơn" khi hiếm nước nào xử phạt hành chính giáo viên nếu xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự học sinh. Ở Mỹ có 19 tiểu bang ở vùng Trung Tây và miền Nam cho phép nhà trường dùng hình phạt đánh học sinh bằng các loại roi dẹt to bản gọi là paddle. Điều này căn cứ theo một phán quyết vào năm 1977 của Toà án Tối cao Liên bang Mỹ kết luận rằng, việc đánh đòn là không vi phạm đến quyền lợi học sinh. Đất nước Myanmar cũng cho phép sử dụng hình phạt đánh học sinh.
Các nền giáo dục tiên tiến, người thầy có toàn quyền trong việc quyết định bài giảng, hành động của mình. Nhà quản lý giáo dục chỉ kiểm soát đầu ra, tức là kiểm tra chất lượng học sinh để đánh giá giáo viên. Việc chẻ nhỏ các hành vi rồi quy định một cách quá chặt chẽ như dự thảo Bộ Giáo dục đưa ra, sẽ bó buộc người thầy, khiến cho họ khó có thể làm tốt công việc của mình.
Cha mẹ giáo dục đạo đức và kỹ năng, nhà trường giáo dục kiến thức, đây là quy định bất thành văn từ lâu, nhưng rất nhiều phụ huynh ngày nay quên mất nhiệm vụ đó. Họ phó mặc cho nhà trường giáo dục đạo đức học sinh rồi lại lên án thầy cô giáo. Bản thân tôi phản đối bạo lực dù ở bất kể đâu, nhưng trước khi luật hóa mọi vấn đề, chúng ta rất cần cân nhắc xem các quyết định, hành vi của người lớn chúng ta sẽ đem lại thông điệp gì cho trẻ. Liệu rằng điều chúng ta đang làm có tốt cho học trò, bảo vệ được thầy cô? Theo tôi, điều này phải được cân nhắc trước.
TS Vũ Thu Hương
Theo VnExpress