Nhiều thế hệ học sinh phát ngán với tiết dự giờ đậm chất diễn kịch sân khấu. "Kịch bản" hoàn hảo được in sẵn và tập duyệt kéo dài cả tuần liền. Nhiều em ngạc nhiên khi "cô giáo hôm nay sao lạ quá, bỗng hóa mẹ hiền".
Ảnh minh họa: dantri.com
"Tinh giản biên chế" trong tiết dự giờ
Đổi mới giáo dục đang là vấn đề nóng của cả xã hội. Hình thức thao giảng được đưa ra từ rất nhiều năm nay để đánh giá trực quan chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, chỉ những người "trong chăn" mới biết dự giờ thực ra là... diễn kịch.
Nhớ lại thời đi học của mình, bạn Nguyễn Thị Hà (25 tuổi) kể: "Dự giờ là nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ học sinh. Từ lớp 1 kéo dài đến năm lớp 7, mỗi lúc có dự giờ, chúng tôi phải học thêm giờ. Thậm chí, ngày nghỉ phải đến trường tập duyệt.
Cô chỉ định sẵn bạn nào phát biểu. Cả lớp phải giơ tay dù biết hay không. Không khí tiết dự giờ căng thẳng, cô trò như người xa lạ, cảm giác không phải là cô mình. Đến những năm cấp 2, cô không những dạy trước mà còn tập hợp một nhóm đến nhà cô phụ đạo, thậm chí câu hỏi kiểm tra bài cũ cũng được sắp đặt hết".
Nhiều học sinh nhận xét, tiết học dự giờ là một màn diễn xuất tuyệt đỉnh của cả cô và trò. Trước khi gọi học sinh phát biểu, giáo viên còn mơ màng đảo mắt quanh lớp một lượt và ân cần gọi một em trong diện bố trí từ trước.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng tiết học dự giờ của các thế hệ học sinh vẫn hao hao nhau, thậm chí có phần "kịch" hơn. Nguyễn Lê Minh Hiếu (học sinh lớp 7) cho biết, mỗi tiết dự giờ được lên kịch bản rất kĩ, cắt xén bớt những tiết đạo đức, mỹ thuật. Kịch bản hoàn hảo được in ra phát mỗi người một bản, tập trước cả tuần liền. "Cô giáo những giờ học đó khác lạ, bỗng hóa mẹ hiền" - Hiếu kể.
Em Phạm Thị Dung (học sinh lớp 9) chia sẻ: "Lần em nhớ nhất là cô dặn cả lớp phải giơ tay. Ai biết thì giơ tay phải, không biết thì giơ tay trái. Em không hiểu bài nhưng giơ nhầm tay phải, cô gọi em đứng như phỗng không biết trả lời thế nào, cô rất giận cho em ngồi xuống. Sau tiết học hôm đó, em như "con rơi" của lớp vậy, vì làm tiết học không hoàn hảo. Thậm chí, hôm đó cô còn “chủ động giảm sĩ số lớp”. Bạn nào học kém phải “tinh giản biên chế”, đi ở nhờ lớp khác cho qua tiết dự giờ".
Cần học thật, dự giờ thật
Đa số học sinh vẫn nhận xét tiết học dự giờ là cần thiết nhưng cần thay đổi "học thật dự giờ thật" thay cho việc "học thật dự giờ diễn".
Nguyễn Lê Minh Hiếu cho rằng: "Dù sao vẫn cần thiết có tiết dự giờ nhưng cho biết trước lịch dẫn đến chuyện lên kịch bản, tập diễn xuất. Theo em, nên có tiết dự giờ đột xuất, ban giám hiệu vào lớp xem tiết học bình thường có đúng chất lượng đặt ra hay không".
Cùng chung quan điểm đó, Phạm Thị Dung nói: "Tiết học dự giờ cần thiết để đánh giá năng lực trình độ của cô giáo nhưng phải được tự nhiên và sáng tạo theo cách của học sinh. Học sinh không phải con vẹt".
Bên cạnh đó, nhiều học sinh đánh giá dự giờ không sai, sai là ở cách thức thực hiện nhiều năm nay. Việc lên kịch bản và diễn xuất cần phải thay đổi.
Theo Thảo Anh/Lao động