Mỗi cá nhân sẽ được học cách tự giải quyết vấn đề liên quan đến khoa học, xã hội... để có thể thích ứng với nhịp sống hiện đại.
Giáo dục bền vững được nhắc thường xuyên trong thời gian gần đây khi thế giới có nhiều biến đổi về môi trường và xã hội.
Theo khái niệm này, quá trình giáo dục sẽ cung cấp cho mỗi cá nhân khả năng tự giải quyết vấn đề, trình độ hiểu biết về khoa học - xã hội để thích ứng với nhịp sống hiện đại. Đồng thời, các em có những hành động hợp tác cần thiết để bảo vệ và gìn giữ môi trường trong lành.
Giáo dục vì sự phát triển bền vững cũng trở thành chương trình hành động toàn cầu, được UNESCO phát động và triển khai ở nhiều quốc gia.
Giáo dục bền vững mang lại nhiều giá trị cho hiện tại và tương lai.
Nhật Bản - quốc gia đầu tư cho giáo dục vì sự phát triển bền vững
Hiểu rõ vai trò của giáo dục bền vững trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nước đã đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó có Nhật Bản. Quốc gia này đặt mục tiêu giáo dục toàn diện trên cả 4 phương diện: đời sống cá nhân, đời sống gia đình, đời sống xã hội, đời sống kinh tế và nghề nghiệp.
Mặt khác, nền giáo dục xứ hoa anh đào còn giúp người học phát triển về tâm hồn, tư duy và sáng tạo. Chương trình học xen kẽ nhiều hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu khoa học và môi trường, giúp học sinh phát triển khả năng giải quyết vấn đề cũng như tư duy xã hội hoàn thiện.
Nhật Bản đã đạt nhiều thành tựu lớn trong giáo dục khi tỷ lệ người mù chữ thực tế bằng 0 và 72,5% số học sinh theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, ngang hàng với Mỹ và vượt hẳn một số nước châu Âu. Người Nhật Bản được đánh giá cao về tư duy, đạo đức, khả năng sáng tạo và thích ứng môi trường, sống hài hòa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại.
Học sinh Nhật Bản được trang bị kiến thức toàn diện đồng thời thích ứng linh hoạt với môi trường và xã hội.
Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam
Với mối quan hệ hữu nghị lâu dài 45 năm, Nhật Bản đã có hoạt động nhằm phát triển giáo dục bền vững tại Việt Nam, đó là dự án "Tăng cường chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam". Dự án do Chính phủ Nhật tài trợ, khởi xướng từ tháng 11/2014, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Cùng với Chính phủ hai nước, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng có những hoạt động tích cực đóng góp cho giáo dục bền vững của Việt Nam, trong đó có Panasonic - nhà sản xuất điện tử hàng đầu Nhật Bản.
Với ý tưởng mang tới không gian vui chơi, khám phá lý thú dựa trên việc ứng dụng nền tảng công nghệ, Panasonic đã xây dựng trung tâm vui chơi khám phá khoa học Panasonic Risupia Việt Nam. Đây là không gian thú vị với nhiều trò chơi công nghệ, ứng dụng kiến thức vật lý, toán học dành cho bạn nhỏ và gia đình Việt.
Thông qua khu vui chơi với góc tìm hiểu về nước như Nước trên trái đất, Cuộc phiêu lưu của nước và các hoạt động như: Lớp học về môi trường, thu gom, tái chế rác thải nhựa... các em được cung cấp nhiều kiến thức thiết thực, từ đó, có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống quanh mình.
8 năm hoạt động, trung tâm là điểm đến của hơn 600.000 lượt khách, trong đó có 400.000 lượt học sinh từ Hà Nội và địa phương trên cả nước.
Panasonic Risupia Việt nam - một trong những hoạt động tiêu biểu của Panasonic đóng góp vào sự phát triển giáo dục bền vững tại Việt Nam.
Cuộc thi làm phim Qua ống kính trẻ thơ - Kids Witness News cũng là một hoạt động nổi bật của Panasonic trong những năm gần đây. Thông qua cuộc thi, các bạn học sinh được thể hiện tiếng nói cá nhân đối với những vấn đề xã hội. Đồng thời, cuộc thi cho các bạn nhỏ khám phá quá trình làm phim thú vị, chắp cánh ước mơ điện ảnh của các em. Triển khai từ năm 2006, đến nay, cuộc thi thu hút hơn 17.000 học sinh tham gia.
Cùng với đó, Panasonic Schoolarship - chương trình học bổng thường niên của Tập đoàn đã trao cơ hội học tập và phát triển cho gần 1.000 sinh viên các chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ trên cả nước.
Với những nỗ lực và sự đồng hành lâu dài cùng giáo dục Việt Nam, mới đây, Panasonic Risupia Vietnam đã nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và bằng khen Bộ trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thế Đan/VnExpress