Người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách này đã được tính toán và có thể cân đối trong 20% chi ngân sách.
Cân đối 4.730 tỷ đồng trong 20% chi ngân sách
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 12/9 đã bổ sung chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (Khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng). Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Có khả năng cân đối hỗ trợ miễn học phí
Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn, giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ để thực hiện chính sách này là: 4.730 tỷ đồng. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Trước ý kiến trong Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc bố trí nguồn cho chính sách mới vì với 20% chi ngân sách hiện nay cũng đang gặp khó khăn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã có tính toán về tính khả thi liên quan đến tài chính và có khả năng cân đối trong số chi ngân sách này.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ chính sách trong giáo dục phải có sự phân tầng, cân nhắc việc miễn học phí với trung học cơ sở để tránh tư duy bao cấp, cần thực hiện theo cơ chế thị trường, xã hội hóa.
Dẫn chứng nhiều trường ở thành phố lớn có mức học phí cao song người dân còn phải xếp hàng mới vào được, ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề có hỗ trợ cho các trường này không.
“Đồng ý áp dụng chính sách với THCS nhưng chỉ là vùng sâu, vùng xa, nông thôn, người nghèo thành phố. Nếu quy định như thế này thì đại trà quá, vi phạm nguyên tắc thị trường”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiến tới không còn trung cấp sư phạm mầm non
Một chính sách khác được bổ sung trong dự thảo luật lần này là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế, phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo đại học hoặc sau đại học (Thạc sĩ hoặc chứng chỉ sau đại học) đối với giáo viên mầm non. Nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan, Malaysia.
Hiện nay, tổng số giáo viên mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp trở lên là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%). Nếu tính đạt trình độ từ cao đẳng trở lên thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%).
Liên quan đến nguồn thực hiện, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng, nếu thực hiện theo lộ trình 5 năm thì mỗi năm chi chỉ khoảng 171,4 tỷ đồng và ngân sách có thể cân đối.
Giải trình vấn đề Uỷ ban thường vụ Quốc hội đặt ra về việc giải quyết số giáo viên trung cấp đã và đang được đào tạo, đang tham gia đứng lớp như thế nào, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết có lộ trình giải quyết.
Theo đó, những người trong độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng được thì đào tạo bổ sung để nâng chuẩn, còn những giáo viên quá tuổi thì dùng chính sách nghỉ sớm.
“Khi nâng chuẩn giáo viên thì trường trung cấp sư phạm không còn nữa qua việc sáp nhập. Hiện số giáo viên được đào tạo từ CĐ và ĐH có khoa mầm non cũng rất nhiều. Trong 6 năm có thể nâng chuẩn từ trung cấp lên CĐ, thậm chí là ĐH. Chính phủ đã có đề án nâng chuẩn giáo viên và đang thực hiện” – ông Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội/.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN