Nhiều chuyên gia cho rằng điểm thi môn Lịch sử năm nay thấp là vì phương pháp giảng dạy của giáo viên lạc hậu, khiến học sinh không mặn mà với môn Lịch sử. Ngược lại, giáo viên lại cho biết, điểm thi thấp là do đề thi.
Phổ điểm môn Lịch sử chính thức từ Bộ GDĐT cho thấy con số thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Theo đó, điểm trung bình môn Sử thi THPT Quốc gia năm 2018 thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ đạt 3,79 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình môn Sử vào năm 2016 là 4,49 điểm còn năm 2017 là 4,6 điểm.
Năm 2018 có 83,24% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử, con số này năm 2017 là 61,9%. Nhiều địa phương như TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai…, số thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ chiếm 20%, còn 80% còn lại có điểm thấp.
Phổ điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nguồn: Bộ GDĐT
Biểu đồ so sánh phổ điểm thi các Lịch sử với các môn khác, phổ điểm năm 2018 so với năm 2017. Nguồn: Hệ thống giáo dục HOCMAI.
Rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, trong đó không ít người cho rằng: Giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học...
Nhận xét về phổ điểm môn Lịch sử năm nay, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ: "Theo phổ điểm do Bộ GDĐT công bố, điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 50-70%, trừ môn Lịch sử và tiếng Anh.
Tôi rất buồn khi Lịch sử là môn có phổ điểm thấp nhất. Điểm trung bình môn sử là 3,79 điểm, điểm trung vị 3,50 điểm thì rõ ràng là một là kết quả tệ hại. Tuy nhiên, tôi khẳng định, nguyên nhân của tình trạng này không đến từ phía giáo viên hay học sinh”.
Theo GS-TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, điểm thi môn Lịch sử năm nay thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nằm ở đề thi.
"Tôi đặt câu hỏi là tại sao năm ngoái điểm sử cao? Nhiều người cho rằng giáo viên dạy chưa tốt hay Bộ GDĐT chưa quan tâm môn Sử, đó chỉ là một phần nhưng không đáng kể. Không lẽ giáo viên, vẫn những con người ấy mà năm nay dạy kém hơn năm ngoái. Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi ở là do đề thi. Đề Lịch sử có nhiều câu rất khó” – GS Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Thừa nhận đề Lịch sử năm nay có nhiều câu hỏi khó, nhưng bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Trưởng phòng Đào tạo, Hệ thống giáo dục Học Mãi - cho rằng, đề thi và phổ điểm môn Lịch sử năm nay cho thấy một thực trạng ở trường phổ thông, là các giáo viên và học sinh chỉ đang tập trung dạy và học thuộc lòng theo sách giáo khoa.
Từ đề thi năm nay sẽ tác động đến việc thay đổi cách dạy và học trong trường phổ thông. Ngoài sách giáo khoa, giáo viên còn phải giúp học sinh tự biết tìm hiểu thông tin từ các tư liệu khác, vận dụng kiến thức Lịch sử vào đời sống, chứ không dừng ở việc học thuộc lòng.
Theo Bích Hà/Báo Lao Động