Việc thay đổi từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm và tổ chức bài thi tổ hợp KHXH đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự môn Lịch sử hơn.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018
Tuy nhiên, quyết tâm, mục tiêu của từng thí sinh đến với môn thi này là khác nhau, nên chưa thể nhìn vào điểm số để đánh giá hết chất lượng dạy và học môn Lịch sử - Đó là nhận định của thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trước việc phổ điểm môn Lịch sử được phản ánh là thấp tại một số địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh.
Theo số liệu thống kê mới đây của TPHCM về điểm thi các môn kì thi THPT quốc gia 2018, môn Lịch sử có 8.000 thí sinh dự thi với kết quả 80,9 % bài có điểm dưới trung bình; 19,1% học sinh đạt điểm trên trung bình.
Con số này khiến nhiều người giật mình khi so sánh với phổ điểm các môn thi còn lại. Tuy nhiên, theo thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) thì điều này không bất ngờ. Đồng thời, thầy đưa ra các một số nguyên nhân:
Thứ nhất, trong nhiều năm qua, số lượng thí sinh theo học và thi khối C để xét tuyển vào các ngành sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh, thành phố phía Nam không nhiều như ở phía Bắc.
Thứ hai, vì tính thực dụng của sự lựa chọn khối thi, tổ hợp thi, các em chọn thi môn Lịch sử và tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp vì cho rằng tổ hợp này dễ làm hơn so với tổ hợp KHTN.
Thứ ba, phần nhiều thí sinh chọn môn thi Lịch sử và tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp nên các em chỉ cần điểm để đỗ tốt nghiệp THPT, tức là qua điểm liệt là đủ, chứ không cần cố gắng để đạt điểm cao. Việc xét công nhận tốt nghiệp cũng không chỉ dựa vào riêng điểm thi THPT quốc gia, mà còn dựa vào điểm học bạ.
Theo thầy Trần Trung Hiếu, đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2018 về cấu trúc giống như đề thi minh họa của Bộ trước đó, với 25 - 30% kiến thức trong chương trình lớp 11 và còn lại của lớp 12. Thời gian thi, số lượng câu hỏi giữ nguyên so với kỳ thi THPT quốc gia năm trước.
Có chăng, Bộ GD&ĐT và những người ra đề có sự điều chỉnh để tính phân loại của đề thi năm nay cũng rất rõ ràng. Có những câu hỏi cần sự tuy duy, phân tích, nắm chắc vấn đề.
Vì thế, với những thí sinh không học, mà chỉ dựa vào may rủi hoặc phán đoán, suy diễn sẽ không làm được bài. Những thí sinh có năng lực vừa phải, nhưng lười học, cũng sẽ thấy khó.
"Kết quả thi, sẽ đánh giá được năng lực của học sinh, quá trình ôn tập và khả năng nắm vững kiến thức và ý thức, thái độ học tập của học sinh.Đừng vì kết quả, phổ điểm thi thấp mà trút trách nhiệm lên đầu thầy cô là không đúng" - Thầy Hiếu nhấn mạnh.
Phổ điểm môn Lịch sử các tỉnh phía Bắc sẽ cao
Nhận xét về việc lựa chọn tổ hợp thi THPT quốc gia của học sinh trong những năm qua, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, đã có những dịch chuyển khá rõ nét. Cụ thể là tăng tỷ lệ thí sinh đăng ký tổ hợp KHXH nhiều hơn tổ hợp KHTN.
Như tại Nghệ An, kỳ thi THPT quốc gia 2018, số thí sinh thi Lịch sử, Địa Lý, GDCD cao gần gấp đôi so với thí sinh thi Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Trong bối cảnh học sinh có xu hướng tập trung vào ngành khoa học cơ bản và xem nhẹ khoa học xã hội, việc duy trì được số lượng thi tổ hợp KHXH là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, vì đây là kỳ thi kép, giải quyết 2 mục đích: công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Thế nên, không phải tất cả những em chọn tổ hợp KHXH là môn thi, khối thi xét đại học và có học lực khá giỏi.
Một thực tế nữa là tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử nói riêng và tổ hợp xã hội nói chung chiếm nhiều ở vùng nông thôn, miền núi hơn ở các vùng đô thị, trung tâm. TP Hồ Chí Minh thuộc vùng đô thị lớn.
Theo thầy Trần Trung Hiếu, điểm thi môn Lịch sử được phản ánh tại TP Hồ Chí Minh chưa thể đánh giá hết cục diện của môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Muốn nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thì phải cần chờ các địa phương khác cũng công bố kết quả thi, từ đó mới có kết luận, đánh giá công bằng, khách quan được.
“Cá nhân tôi cũng cho rằng, phổ điểm môn Lịch sử của các tỉnh phía Bắc sẽ cao hơn, khả quan hơn so với phía Nam” - Thầy Hiếu cho hay.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong