Trường ĐH Harvard cho rằng việc giữ bí mật các tài liệu là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ quyền riêng tư của học sinh và tính toàn vẹn của quá trình nhập học.
ĐH Harvard. Ảnh: AP
Mấy tuần qua, việc phân biệt chủng tộc trong quá trình tuyển sinh của ĐH Harvard được đưa ra ánh sáng khiến công chúng có cái nhìn khác về trường ĐH này. Theo đó, trước cáo buộc Trường ĐH Harvard phân biệt đối xử trong cách xử lý hồ sơ của người Mỹ gốc Á trước tòa, trường này kịch liệt bác bỏ.
Cuối tuần, trường đệ đơn lên tòa cho rằng một số tài liệu được yêu cầu công khai như tài liệu đào tạo nội bộ, ảnh chụp sơ bộ các lớp tân sinh viên trong các giai đoạn cụ thể, nên được giữ bí mật... Ngoài ra, trường cũng yêu cầu tòa án không công khai các hồ sơ các nhân của những người từng liên lạc hoặc gửi thông tin đến ĐH Harvard, thư từ với các cựu sinh viên vì vi phạm quyền riêng tư. Lãnh đạo nhà trường cũng nói rằng việc giữ bí mật các tài liệu là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ quyền riêng tư của học sinh và tính toàn vẹn của quá trình nhập học.
Theo luật sư của trường, việc công bố các tài liệu đào tạo sẽ là điều bất lợi cho Harvard "trong thị trường cực kỳ cạnh tranh về tuyển sinh, thừa nhận và ghi danh các sinh viên xuất sắc nhất thế giới".
Mimi Doe – một nhà cố vấn cho các trường ĐH ở Mỹ - cho rằng các trường ĐH không chỉ tìm kiếm những sinh viên sáng sủa, mà họ còn có tham vọng đào tạo những sinh viên xuất sắc như "món nước sốt đặc biệt", tạo nên hương vị, bản sắc cho nhà trường.
Vậy điều gì chi phối việc xét duyệt hồ sơ của các trường ĐH danh tiếng? Anna Ivey, một nhà tư vấn tuyển sinh trường đại học và luật và cựu hiệu trưởng tuyển sinh tại trường luật của ĐH Chicago, cho biết nó phụ thuộc vào từng trường, thậm chí vào năm học sinh viên nộp đơn. Theo đó, các trường ĐH đang đánh giá riêng sinh viên dựa trên loạt các ưu tiên do các những lãnh đạo cấp cao phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh không chỉ xem xét thực lực của ứng viên, họ còn đánh giá, định hình tầng lớp sinh viên.
Theo các chuyên gia, các trường ĐH đang hy vọng tạo ra lớp học đa dạng ở nhiều cấp độ khác nhau bao gồm chủng tộc, địa lý, sở thích học tập, nền kinh tế… Hoặc đơn giản, việc tuyển sinh đôi lúc phụ thuộc vào sự thay đổi, nhu cầu của dàn nhạc trường ĐH. "Là chuyên viên tuyển sinh, bạn có thể nhận được thông báo rằng dàn nhạc của trường đang cần một vị trí", ông Ivey tiết lộ. Trong khi đó, theo ĐH Harvard, trường đánh giá các ứng viên trên thang điểm từ 1 đến 4 trong các lĩnh vực: Học tập, ngoại khóa, thể thao và con người.
Trước đó, theo nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Cơ hội bình đẳng Mỹ, người châu Á đang bị phân biệt trong việc tuyển sinh ở ĐH lớn ở Mỹ như Harvard, MIT.
Linda Chavez, người sáng lập và là chủ tịch của Trung tâm Cơ hội Bình đẳng, cho biết nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt việc tuyển sinh dựa trên chủng tộc. Bà Chavez tuyên bố: "Có quá nhiều người Mỹ gốc Á bị phân biệt đối xử khi nộp đơn vào các trường ưu tú" nhằm hạn chế lượng người nhập cư. Nghiên cứu đã xem xét số lượng sinh viên Mỹ gốc Á tại 3 trường ĐH được xếp hạng trong tốp 10 ở Mỹ: Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và Viện Công nghệ California.
Vào thời điểm đề xuất, các sinh viên người Mỹ gốc Á chỉ chiếm dưới 30% các sinh viên tại MIT và Caltech, và khoảng 20% tổng số sinh viên tại Harvard. Tuy nhiên, thực tế thì dân số người Mỹ gốc Á đã tăng gần gấp ba lần trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2016 và lượng hồ sơ nộp vào các trường này ngày càng tăng.
Theo Lê Thoa/ NLĐ