Người Việt định cư ở Mỹ, đối với cánh đàn ông có lẽ sẽ khó khăn hơn vì bạn bè, nhậu nhẹt, “bù khú” sẽ ít hơn…
Du học rồi sau đó nỗ lực kiếm được việc làm và “thẻ xanh” định cư tại Mỹ, các bạn trẻ Việt đã chấp nhận cùng lúc cơ hội, thách thức và nhiều đánh đổi.
“Cơ hội lớn nhất của anh/ chị khi du học tại Mỹ là gì? Sự đánh đổi lớn nhất của anh chị khi quyết định sống và làm việc tại Mỹ. Anh chị có ý định quay về sống và làm việc tại Việt Nam hay không và tại sao?”, một bạn trẻ đặt câu hỏi đến các diễn giả Việt đang định cư tại Mỹ trong chương trình "Xin việc theo con đường khoa bảng tại Mỹ - Cơ hội và thách thức?” diễn ra mới đây.
“Hào nhoáng” cho đàn ông ít hơn ở Việt Nam
Về vấn đề này, TS. Đinh Công Bằng – người có 20 năm làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam và Hoa Kỳ; hiện là nhà hoạt động cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục quốc tế, việc làm, và định cư tại Hoa kỳ chia sẻ rằng, thực ra “sống lâu ở đâu quen đấy”.
“Mình thấy bạn bè mình sống lâu ở châu Âu, hay sang Singapore, sang Úc, Canada thì ai cũng nghĩ đấy là nơi tuyệt vời nhất thế giới và những bạn quay về Việt Nam thì cũng bảo: chỗ này tuyệt vời nhất thế giới”, nó là cảm quan khó có thể so sánh.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm sống ở Mỹ, mình nghĩ đàn ông Việt sẽ khó khăn hơn phụ nữ một chút vì bạn bè, nhậu nhẹt bù khú sẽ ít hơn. Còn đánh đổi gì? Nếu dành riêng cho bản thân, thì theo mình nghĩ, hào nhoáng cho bản thân ở xã hội Việt Nam nhiều hơn cho đàn ông Việt (đặc biệt ở lứa tuổi trung niên). Nếu ai thích cái đó nhiều hơn thì tại Mỹ không có vì ở quốc gia này, mọi thứ đi vào rất cụ thể nên bớt hào nhoáng hơn.
Những thứ cho mình thì quá nhiều, rất nhiều lựa chọn trong cuộc sống và mọi thứ khác”, TS Bằng cho biết.
Theo TS. Bằng, những người có giao tiếp xã hội thì người đó sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi sống tại Mỹ. Ngược lại, một số người sống thiên hướng đóng khép về mặt xã hội sẽ thấy nước Mỹ không phải là nơi của họ.
Qua 10 năm ở Mỹ, TS. Quyên Nguyễn (nhà khoa học Việt công ty dược Abbvie, Hoa Kỳ) cho biết, cơ hội lớn nhất khi sang Mỹ du học là được học và làm việc trong một môi trường vô cùng chuyên nghiệp.
“So sánh đơn giản là khi mình học đại học ở Việt Nam thì trong 4 năm đại học mình chưa bao giờ chạy thành công một phản ứng hóa học nào hết nhưng bây giờ một ngày, mình có thể chạy thành công 10 phản ứng vì mình được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp hơn, cơ sở vật chất thiết bị thí nghiệm, người hướng dẫn giỏi giúp mình học được rất nhiều và tự tin với kiến thức chuyên ngành”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Theo chị Quyên, đánh đổi lớn nhất đối với chị là không được ở cạnh gia đình, bạn bè nhưng ở đâu thì quen đấy, không có bạn bè ở Việt Nam thì mình có bạn bè bên Mỹ.
“Tạm thời mình chưa có ý định quay về Việt Nam làm việc vì vẫn đang trong giai đoạn tích lũy kinh nghiệm và ổn định công việc”, TS. Quyên Nguyễn tâm sự.
Cơ hội và thách thức song hành, vượt qua để bám đuổi mục tiêu lớn
Bạn Uyên Trần (cử nhân Tài chính trường Iowa State, hiện là nhân viên công ty Rockwell Collins, Mỹ) cho biết, cũng như những người Việt du học, em cũng như mọi người phải chấp nhận đánh đổi xa gia đình nhưng bù lại, Uyên có những mối quan hệ mới, bạn bè mới, mở rộng kiến thức.
Uyên chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Bản thân em khi còn là sinh viên năm nhất, năm hai đã băn khoăn việc có nên quay trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp không, định hướng lâu dài là ở đâu. Năm hai, em nhận được lời mời làm thực tập ở Mỹ, nhưng em cũng từ chối lời mời đó và quyết định trở về Việt Nam để thử nghiệm xem là môi trường làm việc nước nhà như thế nào.
Em thực tập ở một công ty là quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn đa quốc gia để thử xem những điều đã học ở trường lớp tại Mỹ có thể áp dụng mang về thực hành ở Việt Nam hay không.
Em nghĩ những bạn thực sự giỏi, biết tận dụng hết khoảng thời gian ở Mỹ học tập, làm việc thì ở đâu các bạn cũng có thể làm việc và phát triển rất tốt dù có về Việt Nam, qua Singapore, qua Mỹ hay các nước châu Âu khác.
Thứ hai, cá nhân em xác định mục tiêu lâu dài của bản thân là muốn đóng góp nhiều nhất có thể cho Việt Nam và song song với việc phát triển bản thân, tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên ngành.
Qua thực tế thực tập làm việc ở cả hai quốc gia, em thấy cái mình có thể làm tốt nhất là vẫn tiếp tục làm việc ở Mỹ, trau dồi thêm kinh nghiệm bản thân, song song đó có thể tham gia các hoạt động cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ Việt cùng ước mơ du học Mỹ”.
Chị Đoàn Thị Minh Phượng (Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Hành chính công ở trường Đại học Indiana, Bloomington, Hoa Kỳ) cho rằng: “Người Việt được đào tạo ở Mỹ thì thái độ cách nhìn nhận vấn đề rất mở, đa chiều. Đó cũng là một cái lợi, tư duy phân tích, giải quyết, cách nhìn vấn đề nhiều chiều giúp họ luôn luôn có nhiều phương án, miễn sao mình bám đuổi được các mục tiêu lớn của bản thân”.
Chị Phượng nhấn mạnh, ở Mỹ có rất nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên song hành là những thách thức và nếu vượt qua được những thách thức đó thì các bạn sẽ ngày một phát triển bản thân hơn.
Theo Lệ Thu/ Dân Trí