Liên quan đến việc giáo viên mầm non quỳ gối trước đoàn công tác để xin dạy trẻ tại Nghệ An, GS Phạm Tất Dong cho rằng các giáo viên nên có đề đạt nguyện vọng chính đáng thay vì quỳ gối van xin như vậy.
Sự việc nhiều giáo viên thuộc Nhóm trẻ mầm non Tuổi Thơ, đóng trên địa bàn thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An quỳ lạy đoàn công tác để xin dạy trẻ đang khiến cho dư luận nóng những giờ qua.
Theo đó, do nhu cầu bức bách của trẻ em đi học mà trường công không đáp ứng được, huyện xin và tỉnh chấp thuận cho Cty CP đầu tư và giáo dục Minh Sang vào đầu tư trường học trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp này triển khai công việc xây dựng trường khi chưa đầy đủ các thủ tục nên sau một thời gian hoạt động, cơ sở này bị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động.
Nhận định về vấn đề này, GS-TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc cơ sở giáo dục hoạt động khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý là sai và việc cơ quan chức năng dừng hoạt động của cơ sở này là hoàn toàn đúng theo luật. Nhưng nếu xem xét một cách toàn diện thì việc giải thể một cơ sở giáo dục là hết sức nguy hiểm, bởi hai lý do. Thứ nhất, người giáo viên khó có thể làm việc khác nếu mất việc. Thứ hai, các em học sinh sẽ đi đâu khi nơi học tập bị đóng cửa.
“Việc xóa bỏ một trường học không đơn giản như xóa bỏ một cơ sở kinh doanh, bởi lẽ nó liên quan đến quyền lợi học tập của trẻ, cũng như công việc của nhà giáo. Nên khi muốn mở một cơ sở giáo dục nào đó thì không thể theo cơ chế thị trường mà cần phải có sự tính toán những điều kiện để cơ sở này có thể hoạt động, tồn tại”, GS Dong nói.
Khi chính quyền cho dừng hoạt động của cơ sở giáo dục thì chính quyền phải tính toán để cho các học sinh đang học ở trường đó tìm được nơi để tiếp tục học tập, không thể để quyền lợi học tập của trẻ bị gián đoạn vì những sai lầm của một ai đó.
Hiện tại, địa phương đang có nhu cầu lớn về trường lớp mẫu giáo thì chính quyền cần tạo điều kiện để cho cơ sở giáo dục này hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đi vào hoạt động. Điều này sẽ có lợi cho các bên, giải quyết được các vấn đề đang vướng mắc hiện nay.
Ở góc độ của người làm giáo dục, GS Dong cho rằng, hành động quỳ gối xin được dạy trẻ của các cô giáo thế hiện sự lo lắng của các cô trước nguy cơ mất việc. Thế nhưng, việc làm này của các cô là hoàn toàn không nên, làm mất đi hình ảnh tôn nghiêm của nhà giáo.
“Giáo viên không phải là nô lệ của sự việc, các cô đang là nạn nhân của việc tính toán thiếu chặt chẽ. Các giáo viên nên đề đạt nguyện vọng chính đáng để được giải quyết”, GS Dong khẳng định.
Theo Thiên Bình/Báo Lao động