11
/
173727
Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI: Đầu tư mạnh mẽ
tang-toc-dao-tao-nguon-nhan-luc-ai-dau-tu-manh-me
news

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI: Đầu tư mạnh mẽ

Thứ 7, 14/12/2024 | 07:38:02
2,111 lượt xem

Các trường ĐH có sự đầu tư mạnh mẽ trong việc tăng tốc đào tạo nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo

Song song với việc mời giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy về AI, có trường còn gửi sinh viên (SV) tham gia học kỳ tại nước ngoài.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thử nghiệm công nghệ thực tế ảo. ẢNH: T.T

Tiến sĩ Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Khoa học máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết chương trình đào tạo cử nhân ngành AI bắt đầu được triển khai từ năm 2022 với quy mô tuyển 40 SV mỗi năm. Từ đó đến nay, ngành này nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Điểm tuyển sinh theo các phương thức luôn đứng đầu các ngành đào tạo của trường.

Giai đoạn tới, tiến sĩ Ngô Đức Thành cho biết trường sẽ xem xét mở rộng quy mô đào tạo của chương trình phù hợp với nhu cầu xã hội và năng lực của nhà trường. Song song đó là cập nhật chương trình đào tạo, nội dung các môn học, đảm bảo trang bị nền tảng vững chắc và kiến thức, kỹ năng chuyên môn hiện đại cho SV.

GS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện công nghệ thông minh và tương tác, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay trường đã tuyển sinh ngành AI trình độ kỹ sư được 2 khóa với 2 chương trình: robot và AI, điều khiển thông minh và tự động hóa. SV học các chương trình này đều được tham gia các học kỳ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… để học tập và tiếp thu kiến thức cũng như trang thiết bị cập nhật. "Đội ngũ giảng viên dạy các chương trình này tại trường đều có trình độ tiến sĩ nước ngoài. Bên cạnh đó, các giáo sư của các ĐH nước ngoài và chuyên gia các tập đoàn lớn cũng tham gia hỗ trợ giảng dạy", GS Thịnh thông tin thêm.

Định hướng giai đoạn tới, GS Thịnh cho rằng việc đào tạo nhân lực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xã hội là nhiệm vụ cấp thiết, đặc biệt là lĩnh vực AI. Ngoài các chương trình đào tạo về AI, ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đưa môn AI vào giảng dạy đối với tất cả các chuyên ngành khác hoặc lồng ghép vào các học phần liên quan. Từ đó giúp SV tiếp cận và làm chủ được công nghệ hiện đại cũng như thúc đẩy việc sáng tạo và dẫn đầu những xu hướng mới.

Tăng trải nghiệm thực tiễn

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, SV được học thực hành và triển khai các dự án thực tế tại hệ thống phòng lab với các phần mềm mới nhất; tham gia các cuộc thi học thuật như AI Challenge, Robotics competition… hay các hội thảo chuyên đề cùng chuyên gia để củng cố kiến thức đã học, cập nhật xu hướng mới. Ngoài ra, SV cũng được tham quan các doanh nghiệp để nắm thực tiễn về các ứng dụng AI trong cuộc sống.

Chú trọng đến tính ứng dụng, các ngành liên quan AI của Trường ĐH Hoa Sen được trường thiết lập mạng lưới liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và AI nói riêng để giúp SV trải nghiệm thực tế. "Các hoạt động workshop, seminar cùng các cuộc thi do nhà trường và khoa tổ chức cũng giúp SV vừa tích lũy kiến thức, vừa phát huy kỹ năng", tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Hoa Sen, nhận định.

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, ĐH Duy Tân cũng đã đầu tư xây dựng các phòng thực hành, thí nghiệm AI với nhiều công cụ phần mềm và phần cứng. "SV có cơ hội thực hành trực tiếp trên các dự án thực tế, hợp tác với các doanh nghiệp AI để giải quyết các bài toán thực tiễn. Ngoài ra, các chương trình hackathon, workshop và hội thảo cũng giúp SV tăng cường khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng và sáng tạo", tiến sĩ Hải thông tin.

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI: Đầu tư mạnh mẽ- Ảnh 2.

Sinh viên chương trình đào tạo robot và AI ĐH Kinh tế TP.HCM trong giờ học. Ảnh: T.T

Đầu tư thiết bị

Theo tiến sĩ Ngô Đức Thành, để chuẩn bị cho đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực AI, Trường ĐH Công nghệ thông tin đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng tính toán phục vụ nghiên cứu, học tập như siêu máy chủ NVIDIA, robot và thiết bị thí nghiệm thực hành AI. Đáng chú ý, trường đã xây dựng các chương trình tuyển dụng đặc biệt nhằm thu hút nhân sự nghiên cứu, giảng dạy trình độ cao; đồng thời hỗ trợ giảng viên liên tục học tập nâng cao trình độ. Ngoài ra, trường cũng liên kết với các trường, viện, công ty công nghệ trong nước và quốc tế trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, các hoạt động trao đổi và thực tập.

GS-TS Nguyễn Trường Thịnh cũng cho biết ĐH Kinh tế TP.HCM đầu tư trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và SV từ mức độ cơ bản đến nâng cao.

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI: Đầu tư mạnh mẽ- Ảnh 3.

Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen tại vòng chung kết của một cuộc thi liên quan đến AI. ẢNH T.H

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng việc đào tạo AI tại các cơ sở giáo dục hiện nay được hỗ trợ bởi nguồn lực công nghệ và cơ sở vật chất hiện đại. "Trường đầu tư mạnh mẽ vào các trung tâm nghiên cứu như AI Lab, trang bị robot tương tác xã hội SIUBOT, cùng các phòng máy tính tiên tiến nhằm tạo điều kiện tối ưu cho SV thực hành và nghiên cứu. Bên cạnh đó, môi trường học thuật đa dạng với các câu lạc bộ chuyên môn như CLB Trí tuệ nhân tạo, CLB An toàn thông tin, CLB Olympic Tin học, mang đến cơ hội để sinh viên cọ xát với các vấn đề thực tế, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề", thạc sĩ Tư chia sẻ.

AI là một trong những công nghệ cốt lõi

Dự thảo khung chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu ứng dụng Al tại ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn đến năm 2030 xác định đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Ngoài đào tạo và phát triển công nghệ, ĐH này cũng đặt mục tiêu có 150 bài báo trong tạp chí quốc tế được xếp hạng Q1 hay hội nghị uy tín, hướng đến có 10 bằng sở hữu trí tuệ quốc tế, 50 sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước và 100 bản quyền phần mềm, 5 thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn cho các chip AI. Để thực hiện các chỉ tiêu trên, ĐH Quốc gia TP.HCM hình thành và bồi dưỡng ít nhất 20 nhóm nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực AI.

Ngoài ra, UBND TP.HCM phê duyệt Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành giai đoạn 2020-2035. Trong đó có đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành AI được giao cho Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện.

Theo Mỹ Quyên - Hà Ánh/Thanh niên

https://thanhnien.vn/tang-toc-dao-tao-nguon-nhan-luc-ai-dau-tu-manh-me-185241213215448836.htm

  • Từ khóa

Đồng bộ đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự kế thừa nội dung của các quy chế đã triển khai thuận lợi, ổn định qua các năm nhưng vẫn có nhiều điểm mới.
15:35 - 26/12/2024
63 lượt xem

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học

Bộ KH-CN đang xây dựng dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng giúp cho thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học được đơn giản...
10:38 - 26/12/2024
198 lượt xem

Thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT: Có hẹp cửa vào đại học?

Những quy định mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có thể khiến cơ hội xét tuyển vào đại học hẹp hơn trước.
09:30 - 26/12/2024
212 lượt xem

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ về đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Điểm mới về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ.
07:15 - 26/12/2024
266 lượt xem

Thay đổi tiêu chuẩn CSVC trường học: Gỡ khó cho trường đông học sinh

Tại thông tư mới, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông được thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, GD HS
16:16 - 25/12/2024
667 lượt xem