Số lượng các gia đình Trung Quốc đưa con tới Thái Lan học tập tăng vọt...
Một tiết học của trẻ em tiểu học Thái Lan.
Nguyên do Thái Lan sở hữu hệ thống các trường tư chất lượng và môi trường học “bớt cạnh tranh” điểm số.
Anh Wang, sống tại tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc, đã quyết định chuyển con trai 8 tuổi từ một trường tiểu học địa phương đến học tại trường quốc tế ở Chiang Mai, Thái Lan. Theo lời kể của ông bố, hồi mẫu giáo và lớp Một, cậu bé có rất ít bài tập và thường xuyên vui chơi nhưng từ khi lên lớp 3, em phải học đến nửa đêm vì số lượng bài tập quá lớn.
Trước đó, con trai anh Wang từng được cô giáo lớp Hai ở Vũ Hán, Trung Quốc khen là có năng khiếu nhưng để vượt trội trong lớp học có hơn 50 học sinh thì phụ huynh phải “chăm sóc” cô giáo. Cộng với những áp lực trong thi cử và cuộc chạy đua điểm số đã thúc đẩy gia đình anh Wang chuyển đến sống tại Chiang Mai.
Giáo dục đặc biệt được coi trọng trong xã hội Trung Quốc. Nhiều phụ huynh sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp, thuê nhà gần trường để chăm sóc cho con mỗi ngày. Họ được gọi là “bạn đồng học”, những người coi thành công trong học tập của con là đích đến cuối cùng cho dù có phải đánh đổi bằng cả cuộc sống.
Ở đất nước 1,4 tỷ dân, cạnh tranh giáo dục ngày càng bị bóp méo. Thành công của người trẻ được đo bằng tấm bằng tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng, thứ hạng trên lớp và điểm số. Sự cạnh tranh này thể hiện rõ nhất qua gaokao, kì thi tuyển sinh đại học quốc gia được đánh giá là “khốc liệt” nhất thế giới. Ngược lại, ở Thái Lan, học sinh có thời gian để phát triển sở thích cá nhân.
Ông Jenson Zhang, người điều hành công ty tư vấn giáo dục Vision Education, cho biết: “Đông Nam Á có mức sống vừa phải, cấp thị thực dễ dàng và môi trường cũng như thái độ của người dân đối với người Trung Quốc tốt. Vì vậy, các bậc phụ huynh cảm thấy an tâm khi ở đây”.
Ở Thái Lan, thành phố Chiang Mai với nhịp sống yên bình là lựa chọn hàng đầu bên cạnh Pattaya và Phuket, những thành phố biển nổi tiếng. Bangkok cũng được nhiều hộ gia đình Trung Quốc lựa chọn mặc dù có chi phí đắt đỏ hơn. Xu hướng “di cư” này đã diễn ra trong suốt thập kỷ qua và càng sôi động hơn trong những năm trở lại đây.
Trường quốc tế Lanna, một trong những trường quốc tế có quy trình tuyển chọn khắt khe nhất tại Chiang Mai, ghi nhận số lượng đơn đăng ký nhập học năm 2022 – 2023 tăng gấp đôi so với năm trước.
Chị Grace Hu, nhân viên tuyển sinh tại Trường quốc tế Lanna, chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, các phụ huynh Trung Quốc đang vội vã ‘chạy đua’ chuyển môi trường học tập mới cho con”.
Hu nói thêm cha mẹ Trung Quốc muốn chuyển con tới Chiang Mai học tập thường chia làm hai nhóm: Những người đã lên kế hoạch cho lộ trình học của con và những người gặp khó khăn với hệ thống giáo dục mang tính cạnh tranh cao của Trung Quốc. Nhóm thứ hai thường chiếm đa số.
Bên cạnh Thái Lan, nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc cũng mong muốn cho con mình học tập tại Singapore và Nhật Bản nhưng hai đất nước này có chi phí sinh hoạt cao gấp nhiều lần so với Thái Lan.
“Trước đây, tôi luôn đốc thúc con trai mình học tập cật lực dù có phải thức khuya để theo kịp bạn bè. Còn hiện tại, tôi thấy vui vì con mình đã nỗ lực và được trải nghiệm một môi trường học lành mạnh”, anh Wang, phụ huynh người Trung Quốc chia sẻ. |
Theo Tú Anh/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/cac-gia-dinh-trung-quoc-do-xo-dua-con-du-hoc-thai-lan-post701429.html