Cả trăm trường học vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau bão lũ. Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo các giải pháp linh hoạt như đưa học sinh đến trường khác học nhờ, huy động giáo viên trường bạn hoặc giáo viên đến nhà dạy học sinh.
NHIỀU TRƯỜNG HỌC VẪN CHƯA THỂ ĐÓN HỌC SINH
Ngày 19.9, toàn TP.Hà Nội còn 26 trường chưa thể đón học sinh (HS) đến trường học tập trực tiếp, chủ yếu ở H.Chương Mỹ với 16 trường. Trong đó, có 9 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở.
Học sinh Trường TH-THCS Minh Chuẩn (Yên Bái) trở lại trường học sau lũ
Đây là các trường nằm ở địa bàn vùng trũng, đường vào trường hoặc sân trường bị ngập nước, có nhiều gia đình HS phải đi sơ tán chưa thể đến trường học. Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã giao quyền chủ động cho các trường. Căn cứ tình hình cụ thể, các trường đã triển khai phương án ứng phó linh hoạt. Đối với những trường chịu nhiều thiệt hại, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến hoặc gia đình ở vùng ngập, bị mất điện, nhà trường tạm thời cho HS dừng học hoặc hướng dẫn học tại nhà bằng các hình thức phù hợp. Một số trường tổ chức giảng dạy trực tuyến cho HS có đủ điều kiện học tập, sẵn sàng kế hoạch dạy bù cho HS khi trở lại trường.
Tuy nhiên, ở các địa bàn miền núi khi đang khắc phục bão lũ thì việc tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian HS nghỉ học là không khả thi vì điều kiện về đường truyền, thiết bị dạy học của cả thầy và trò. Do vậy, việc trường học chưa mở cửa trở lại cũng đồng nghĩa việc dạy học bị gián đoạn hoàn toàn. Chưa kể, nhiều HS bị mất hết sách vở, không thể tự học, tự ôn tập. Theo Sở GD-ĐT Lào Cai, vẫn còn 78 trường chưa tổ chức cho HS trở lại trường từ đầu tuần, chiếm khoảng 13%. Dự kiến đến ngày 23.9 phần lớn trường trong số này sẽ đưa HS trở lại. Dù vậy, sau thời điểm đó, Lào Cai vẫn còn khoảng hơn chục trường/điểm trường vẫn chưa thể đón HS do nằm ở vị trí bị cảnh báo nguy cơ sạt lở cao hoặc đã bị hư hại nặng, đòi hỏi phải xây dựng, cải tạo lại.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết đã chỉ đạo các trường học có nguy cơ sụt lún, mất an toàn có phương án khắc phục ngay hoặc di chuyển sang địa điểm khác đảm bảo an toàn và như vậy có thể tính phương án học 2 ca...
Tại Yên Bái, Trường tiểu học Hồng Thái (TP.Yên Bái) là trường duy nhất chưa thể đưa HS trở lại trường do ảnh hưởng quá nặng nề bởi bão lũ, rất nhiều cơ sở vật chất, bàn ghế, thiết bị dạy học đã bị hư hỏng. Hiệu trưởng Vũ Văn Tấn thông tin để đón các em HS trở lại trường thì khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Nếu nhà trường có đủ các điều kiện về điện nước, trang thiết bị, vệ sinh sạch sẽ, đường đến trường của HS được đảm bảo thì sẽ đón HS trở lại từ đầu tuần tới.
CÓ THỂ HUY ĐỘNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, GV TRƯỜNG BẠN
Ngày 19.9, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ. Theo đó, tình hình mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các trường học, HS tại một số địa phương phải nghỉ học nhiều ngày, vẫn còn có một số trường, điểm trường bị hư hỏng quá nặng hoặc bị chia cắt nên chưa thể tiếp tục tổ chức dạy học.
Sân Trường TH-THCS Minh Chuẩn (Yên Bái) ngay sau lũ ngập trong bùn (ảnh trái) và ngày học sinh trở lại trường (ảnh phải) sau bao nỗ lực dọn dẹp của thầy cô giáo cùng các lực lượng khác
Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả HS và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, các sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên (GV) và HS.
Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương rà soát, có phương án phù hợp để đưa HS ở các trường, điểm trường chưa hoạt động trở lại về điểm trường chính hoặc các trường khác trong khu vực để học tập; đối với những HS phải di chuyển quá xa nhà thì có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ HS được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.
Bộ GD-ĐT gợi ý các giải pháp như: "Huy động GV ở các trường trên địa bàn hỗ trợ GV và HS các trường bị thiệt hại do bão lũ để tổ chức dạy học; dạy bù cho các đối tượng HS phải nghỉ học. Đối với những HS do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho HS như giao bài, cử GV trực tiếp hỗ trợ theo từng HS hoặc nhóm HS tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả".
Do hàng chục trường đến thời điểm này vẫn chưa thể mở cửa trở lại, Bộ GD-ĐT yêu cầu cần điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch học bù cho HS bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ I và cả năm học theo kế hoạch giáo dục chung của địa phương và cả nước.
Trong quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025, Bộ GD-ĐT quy định chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có quyền quyết định thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, theo khung thời gian của bộ, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.
Trước băn khoăn nếu có những trường bị hư hỏng hoàn toàn chưa thể mở cửa trở lại trong tháng 9 này thì giải pháp ra sao, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, ngoài khoảng 15 ngày như quy định trên, đối với các trường hợp đặc biệt phát sinh, các địa phương cần báo cáo Bộ GD-ĐT trước khi thực hiện. Bộ GD-ĐT cũng sẽ theo sát diễn biến thực tế của các địa phương để tiếp tục có chỉ đạo phù hợp.
Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhieu-truong-chua-the-mo-cua-sau-lu-bo-gd-dt-goi-y-giai-phap-185240919225429483.htm