Bắt đầu năm học 2024 - 2025, các địa phương nhanh chóng có chỉ đạo, triển khai đối với công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú
Trong đó, hai nội dung quan trọng được quan tâm là trang bị kiến thức cho học sinh và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi.
Lên kế hoạch trang bị kiến thức
Tại Bến Tre, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX chủ động có kế hoạch tổ chức truyền thông, dạy học và ôn tập tốt cho học sinh lớp 12.
Đồng thời, tổ chức thi thử khi có điều kiện nhằm tập huấn giáo viên thực hiện các quy định trong tổ chức thi, học sinh làm quen với cách thức thi mới theo Quy chế của Bộ GD&ĐT và tự ôn tập kiến thức, chuẩn bị tốt để tham gia kỳ thi. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả trong tổ chức thi.
Để giúp học sinh có năng lực tốt dự thi tốt nghiệp THPT, ông Bùi Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre nhấn mạnh việc các trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực học sinh.
Quan tâm xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập để phục vụ cho việc kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ chính xác, theo yêu cầu đánh giá năng lực học sinh của Chương trình GDPT hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cơ sở giáo dục tự thực hiện đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với kết quả đánh giá học tập của học sinh, làm cơ sở rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng.
Để bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, sở GD&ĐT sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực.
Tiếp tục tập huấn đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho Thư viện câu hỏi thi theo hướng mở bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, phục vụ công tác ôn tập và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Đẩy mạnh khai thác sử dụng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi, kết xuất phiếu học tập, đề thi theo định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Sở GD&ĐT đồng thời lưu ý chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với điều kiện thực tế, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu nâng cao phổ điểm các môn thi. Tăng cường đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, phát huy vai trò tổ giáo viên cốt cán, nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng.
Các nhà trường nghiên cứu triển khai cho học sinh ôn tập theo hình thức học trực tuyến để khắc phục khó khăn trong tổ chức ôn thi trực tiếp, đặc biệt với các môn tự chọn; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để học sinh tự học, tự ôn tập.
Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ và kết quả thi đối với các môn thi tốt nghiệp. Khuyến khích trường THPT, THCS&THPT phối hợp tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh trong trường hoặc liên trường bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Ảnh minh họa ITN.
Chuẩn bị sớm các điều kiện
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Đỗ Hữu Quỳnh, năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Các đơn vị cần chủ động và có kế hoạch triển khai từ sớm công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Trong đó, tham gia góp ý tích cực, hiệu quả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi thử khi có điều kiện; tập huấn các quy định, nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên và cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí và tăng cường hiệu quả các khâu của tổ chức kỳ thi.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc tham gia các nhiệm vụ của kỳ thi tại địa phương.
Về các điều kiện tổ chức kỳ thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre yêu cầu chuẩn bị sớm, đầy đủ về cơ sở vật chất; hoàn thiện hồ sơ dự thi của thí sinh để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Căn cứ vào điều kiện thực tế nhà trường để xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn và phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với các tình huống phát sinh phức tạp do thiên tai, dịch bệnh.
Các nhà trường cũng cần làm tốt công tác lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi theo yêu cầu của sở GD&ĐT; tổ chức quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thi. Phối hợp tốt với địa phương nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; thực hiện tốt các phương án ứng phó với tác động của dịch bệnh trong quá trình triển khai (nếu có).
Các trường có thí sinh dự thi thực hiện tốt phần mềm quản lý thi theo hướng dẫn, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình kiểm tra, nhập dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý thi, đảm bảo đúng quy định, tính chính xác của dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi…
Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng được Sở GD&ĐT Lạng Sơn chú trọng. Theo đó, các đơn vị cần làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi; tăng cường quán triệt Quy chế thi; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát và phòng chống sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử tại địa phương.
Xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai (nếu có). Thực hiện tốt việc nhập dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục để phục vụ công tác đối sánh giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình học bạ của thí sinh dự thi, từ đó rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo dạy học tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông…
Sở GD&ĐT Lạng Sơn yêu cầu các trường THPT, THCS&THPT, trung tâm GDTX, GDNN-GDTX phân tích điểm trung bình kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, thi thử tốt nghiệp làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, dạy học của từng tổ/ nhóm bộ môn, giáo viên.
Từ đó xây dựng và điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học, cách thức tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh. Quan tâm tư vấn, định hướng để học sinh lựa chọn môn đăng ký dự thi xét công nhận tốt nghiệp THPT, môn đăng ký dự thi xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực, sở trường, xu hướng ngành nghề và điều kiện cụ thể của mỗi em…
Theo Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/som-chuan-bi-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-post700518.html