Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm.
Ảnh minh họa ITN.
Nghị định này bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Theo đó, sinh viên sư phạm cam kết làm trong ngành Giáo dục sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí và 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Sau 3 năm triển khai, Nghị định 116 góp phần không nhỏ giúp thu hút những học sinh giỏi vào ngành sư phạm, là tiền đề nâng cao chất lượng đội ngũ - yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả đổi mới giáo dục.
Thấy rõ nhất là sức hấp dẫn của các trường sư phạm tăng mạnh, thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ nhập học cao; không còn tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Năm 2024, sư phạm lọt vào tốp 4 lĩnh vực thu hút thí sinh nhất, cùng với kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, máy tính. Số nguyện vọng ngành đào tạo giáo viên tăng đến 85% so với năm 2023, tương đương 200 nghìn nguyện vọng...
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó có khó khăn từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu và tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ còn khiêm tốn.
Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm cũng chưa suôn sẻ. Tình trạng nợ sinh hoạt phí xảy ra ở nhiều trường gây khó khăn cho sinh viên vì hằng năm Bộ Tài chính chỉ giao dự toán khoảng 54% so với nhu cầu và kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm thường chậm. Ngoài ra còn có khó khăn, vướng mắc từ việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn; địa phương đặt hàng nhưng chưa, hoặc chi trả một phần nhỏ chi phí…
Ở góc độ địa phương, triển khai phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên cũng khó khăn vì nguồn kinh phí tương đối lớn; trong khi đó, thời gian đặt hàng đến khi có sản phẩm sử dụng khá dài (3 đến 4 năm), nên có thể có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách.
Triển khai việc này gắn với trách nhiệm của địa phương, từ khâu đăng ký nhu cầu đào tạo đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng vào đúng vị trí việc làm mà địa phương còn nhu cầu tuyển. Tuy nhiên, theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, các đối tượng này vẫn phải cạnh tranh tuyển dụng với người không thuộc diện đặt hàng. Nếu thi tuyển viên chức không đỗ, việc giải quyết hoàn trả chính sách học phí, sinh hoạt phí của các đối tượng này gặp vướng mắc…
Từ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Những vấn đề vướng mắc như cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan… được sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý, dự thảo quy định rõ trách nhiệm ngân sách Nhà nước (Trung ương, địa phương) phải đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp. Ngoài ra, dự thảo cũng đưa quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng...
Những điều chỉnh kịp thời về chính sách nói trên, cùng việc xác định chỉ tiêu đào tạo sư phạm sát với nhu cầu sử dụng thực tế sẽ tháo gỡ được khó khăn, thúc đẩy hơn nữa chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới.
Theo Thảo Đan/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/dieu-chinh-can-thiet-chinh-sach-ho-tro-sinh-vien-su-pham-post700355.html