Qua thực tiễn đối sánh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 5 năm qua cho thấy đối sánh là cách tiếp cận mới và đa dạng khi áp dụng vào lĩnh vực giáo dục.
Đối sánh trung bình điểm thi giữa các địa phương nhằm so sánh và đối chiếu chất lượng giáo dục của từng địa phương so với mục tiêu của giáo dục phổ thông. Những địa phương có trung bình điểm thi cao là những địa phương có chất lượng giáo dục đại trà tốt, ngược lại, trung bình điểm thi thấp là những địa phương có chất lượng đại trà chưa tốt.
Đối sánh tổng điểm 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, là 3 môn thi bắt buộc, để biết được chất lượng giáo dục cốt lõi của từng địa phương. Đối sánh tỷ lệ trúng tuyển ĐH - nhập học theo từng địa phương để biết mức độ phân luồng sau THPT của từng địa phương. Đối sánh độ chênh lệch giữa học bạ và điểm thi của từng địa phương để biết việc kiểm tra, đánh giá học sinh có thực chất và đúng với chất lượng học sinh hay không.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP.HCM NHẬT THỊNH
Đối sánh đã đưa ra các chỉ báo tốt cho từng địa phương, trường học, để giúp các địa phương biết được vị trí của mình trong tương quan so sánh, từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng giáo dục. Thực tế, 5 năm qua nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp để cải thiện thứ hạng của mình. Do đó, đối sánh còn tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Cái cốt lõi và lợi ích thiết thực của đối sánh được thể hiện ở hai vấn đề chính, là: xác định những yếu tố thành công của địa phương khác; và hiểu biết rõ ràng, đầy đủ về những hạn chế của chính mình để không ngừng cải tiến và xây dựng văn hóa chất lượng.
Ngoài ra, đối sánh trong giáo dục còn góp phần thay đổi chính sách giáo dục. Chẳng hạn, việc đối sánh việc cộng điểm ưu tiên giữa khu vực đối với từng mức điểm khác nhau, kết quả đối sánh cho thấy ở mức điểm từ 22,5 trở lên (cho tổ hợp 3 môn theo khối ĐH) nếu cộng một mức điểm ưu tiên không đổi dẫn đến không công bằng nhóm đối tượng có ưu tiên và không ưu tiên. Từ đó, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh mức cộng điểm ưu tiên giảm dần từ 0,75 điểm cho đến 0, từ mức 22,5 - 30 điểm.
Trên cơ sở đối sánh thứ hạng trung bình điểm thi của từng địa phương qua 5 năm (2020 - 2024), các địa phương cần xem xét, đánh giá, chẩn đoán những nguyên nhân giúp đơn vị mình thành công hay chưa đạt yêu cầu trong nhiều năm.
Cần phân tích nhiều khía cạnh, nhiều khâu từ tuyển sinh lớp 10 THPT, đến đổi mới dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh, tỷ lệ học sinh đăng ký tổ hợp khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, chất lượng đội ngũ nhà giáo… Từ đó, sẽ hiểu sâu sắc, rõ ràng hơn về thực trạng chất lượng giáo dục của địa phương mình. Mỗi sở GD-ĐT thực hiện đối sánh thứ hạng trung bình điểm thi 9 môn, trung bình điểm thi từng môn của các trường THPT trên địa bàn để nắm được chất lượng giáo dục của từng trường. Khi đã hiểu được đầy đủ, rõ ràng, của địa phương, của từng trường sẽ có giải pháp tốt hơn để nâng cao chất lượng. Đồng thời, các địa phương cần học hỏi sự thành công của địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội giống địa phương mình.
Theo Hồ Sỹ Anh/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-sau-doi-sanh-diem-thi-tot-nghiep-thpt-185240721205409677.htm