11
/
153938
Vì sao học sinh bị áp lực khi học chương trình mới?
vi-sao-hoc-sinh-bi-ap-luc-khi-hoc-chuong-trinh-moi
news

Vì sao học sinh bị áp lực khi học chương trình mới?

Thứ 3, 26/09/2023 | 08:02:21
2,185 lượt xem

Đặc trưng của dạy và học chương trình mới là lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa vai trò của người học, cho học sinh (HS) hoạt động rất nhiều, điều này dẫn đến hệ lụy là HS quá tải về học tập, bị áp lực rất lớn.

Thăm dò ý kiến của nhiều giáo viên (GV) và HS đang dạy và học lớp 10 và 11 theo chương trình mới hiện nay, chúng tôi thấy hầu hết ý kiến đều cho rằng việc học chương trình mới không hề nhẹ nhàng, chưa thật sự giảm tải cho HS, áp lực việc học không thua kém gì chương trình cũ, thậm chí còn nặng nề hơn ở nhiều mặt.

Vì sao học sinh bị áp lực khi học chương trình mới? - Ảnh 1.

Học chương trình mới chú trọng đến việc liên hệ với thực tiễn nên hầu hết giáo viên các môn đều “giao việc” cho học trò, xem như là bài tập về nhà. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực cho HS. Trước hết phải kể đến là do cách thức tổ chức một tiết dạy theo quy định mới của Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH. Với yêu cầu của công văn này, trong một tiết học, GV và HS phải làm việc liên tục, không nghỉ ngơi mới "chạy" kịp kế hoạch. Tiết học mất hết khoảng lặng thời gian để cho HS nghiền ngẫm vấn đề. Cô N.T.H.Ng, GV dạy tiếng Anh một trường THPT tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: "Với cách dạy học như hiện nay, cô và trò phải hoạt động liên tục mới mong không bị "cháy" giáo án".

Học chương trình mới chú trọng đến việc liên hệ với thực tiễn, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, cho nên hầu hết GV các môn đều "giao việc" cho học trò, xem như là bài tập về nhà. Các bài tập này không phải đơn thuần là lý thuyết như cách học trước đây, mà là sản phẩm. Để tạo ra được sản phẩm, HS phải mất rất nhiều công sức và thời gian, kể cả tốn kém. Nhiều HS lớp 10 thẳng thắn nhìn nhận: "Việc GV chia nhóm, giao việc cho các em về nhà soạn bài powerpoint để thuyết trình ở lớp giúp các em nắm chắc bài học hơn. Nhưng nếu tuần nào cũng làm, môn nào cũng yêu cầu thì thật sự các em rất đuối".

Những HS học theo phân môn tự chọn càng vất vả hơn, vì các em phải vừa học kiến thức những môn chung vừa làm "nhà nghiên cứu" đối với những môn chuyên.

Cô N.T.Hương, GV dạy ngữ văn lớp 11, nhận xét: "Chuyên đề ngữ văn rất nặng. Nếu HS muốn học bài bản, có chất lượng, thì phải đầu tư công sức vào rất nhiều, phải giống như nhà nghiên cứu. Còn không, kết quả rất thấp, chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa" mà thôi". Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, sinh hoạt câu lạc bộ, phong trào... do nhà trường tổ chức thường xuyên cũng chiếm mất nhiều thời gian nghỉ ngơi của các em.

Để giảm bớt áp lực cho HS, rất cần đến sự linh hoạt, "đồng cảm" của người dạy. Theo đó, không nên cứng nhắc trong mỗi tiết dạy mà cần uyển chuyển, nhẹ nhàng. Thầy cô nên hạn chế "giao việc" quá nhiều cho HS. Nóng vội đặt tham vọng quá cao vào sự thay đổi của người học theo chương trình mới sẽ dễ tạo ra áp lực cho HS.

Theo Trần Nhân Trung/Thanh niên

https://thanhnien.vn/vi-sao-hoc-sinh-bi-ap-luc-khi-hoc-chuong-trinh-moi-185230926012001887.htm

  • Từ khóa

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số

Con đường đến trường của nhiều học sinh nữ dân tộc thiểu số gặp không ít chông gai xuất phát từ điều kiện khó khăn và cả định kiến.
16:44 - 05/12/2023
52 lượt xem

Những lớp học xóa mù chữ trên miền đá xám

Khi màn đêm buông xuống, tiếng đánh vần “ê, a” lại vang lên ở bản người Mông nơi miền đá xám Mèo Vạc (Hà Giang).
15:30 - 05/12/2023
89 lượt xem

Giáo viên trẻ nêu lý do không mặn mà với trường công

Môi trường giáo dục ngày càng rộng mở với nhiều hình thức, lĩnh vực khác nhau giúp sinh viên có đa dạng lựa chọn bên cạnh con đường vào các trường công...
12:53 - 05/12/2023
137 lượt xem

"Tiến sĩ siêu lừa" dùng chiêu xào nấu hồ sơ, thấy sang bắt quàng làm họ

"Tiến sĩ siêu lừa" dùng bằng tiến sĩ, thạc sĩ giả giảng dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng biến tấu lý lịch khoa học của người khác thành hồ sơ của mình...
09:59 - 05/12/2023
223 lượt xem

Dự án "bê tông không xi măng" của sinh viên Việt góp mặt ở triển lãm Dubai

Dự án chế tạo bê tông không có xi măng của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất được chọn là một trong 100 dự án được trưng bày tại triển lãm ở...
07:32 - 05/12/2023
283 lượt xem