Một số thay đổi đang được các nhà trọ tại Hà Nội áp dụng để phòng cháy, thoát nạn, sau khi xảy ra vụ việc thương tâm khiến 56 người thiệt mạng. Trong đó tiêu biểu là tháo dỡ chuồng cọp.
Cấp tập tháo bỏ chuồng cọp, thêm phương án thoát nạn khẩn cấp
Sinh viên Nam thuê phòng trọ rộng hơn 10m2 ở gần trường đại học với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Căn phòng Nam đang ở có duy nhất một cửa sổ hướng ra mặt đường nhưng trước đây được lồng sắt chống trộm (thường gọi là "chuồng cọp").
"Có những phòng chỉ có một cửa sổ để thông gió, xung quanh là bốn bức tường bê tông kín bưng. Em nhận thấy cầu thang thoát hiểm có chiều rộng khá nhỏ. Với số lượng khoảng 150 người sinh sống, em cho rằng nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ không thể thoát bằng cầu thang", Nam nói.
Cửa sổ duy nhất trong phòng của Nam lại được lồng khung sắt (Ảnh: Tú Như).
Nam thông tin, tầng một tòa nhà trước đây là bãi đỗ xe nhưng lúc nào cũng trong tình trạng chật kín. Sau khi vụ cháy khiến 56 người thiệt mạng xảy ra, chủ nhà yêu cầu gửi xe ở siêu thị cách khu trọ 100m.
Quy định sạc xe đạp điện trước 22h, tiến hành tháo dỡ chuồng cọp,... là những gì quản lý ở đây đang áp dụng.
Khi phóng viên Dân trí đến ghi nhận, nhà trọ của Nam đang tiến hành thi công gỡ bỏ lồng sắt.
Nhà trọ nơi Nam ở đang tiến hành thi công tháo dỡ chuồng cọp (Ảnh: Tú Như).
Hiện nay, lối ra vào duy nhất ở đây là cửa cuốn khép hờ. Nam cũng lo ngại trường hợp đang thi công thì xảy ra chuyện không hay (Ảnh: Tú Như).
Khu vực tầng thượng nơi Nam sống được chủ nhà tháo gỡ một phần lưới bảo vệ B40 (Ảnh: Tú Như).
Giá tiền "vừa túi" sinh viên và gần trường đại học là những lý do Nam chọn phòng trọ này. Tuy nhiên, khi nhìn lại an ninh và công tác phòng cháy chữa cháy nơi mình ở, Nam chưa yên tâm và suy nghĩ đến việc chuyển đi: "Vì đã ký hợp đồng ở một năm, khi chuyển đi phải tìm người ở thay thế, nếu không em phải đền hợp đồng.
Hơn thế nữa, em nhiều lần "chật vật" trong việc tìm nhà trọ đáp ứng các nhu cầu của bản thân, nên khi tìm được một nơi ưng ý, em luôn suy nghĩ đến chuyện ở lâu dài.
Các chi phí, dịch vụ dọn dẹp và chuyển nhà cũng khá đắt. Nghĩ đến việc đó, em lại dẹp bỏ ý định trên".
Khi hỏi Mai, một sinh viên hiện đang ở chung cư mini gần khu vực quận Thanh Xuân, em cho biết: "Trước đây các công tác phòng cháy chữa cháy nơi em ở khá hời hợt. Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, quản lý mới tiến hành thực hiện các biện pháp như tháo dỡ chuồng cọp. Cách vài ngày, bố mẹ lại gọi điện hỏi thăm em vài lần vì lo lắng".
Nhà trọ của Mai được tháo dỡ một phần chuồng cọp (Ảnh: NVCC).
Chị Dung, phụ huynh có con hiện đang là sinh viên ở Hà Nội, bộc bạch: "Khi chọn chỗ ở cho con, tôi đều ưu tiên các chung cư có lối thoát hiểm. Tôi luôn dặn dò con sau khi ra khỏi phòng phải cẩn thận rút điện, đặc biệt là bếp từ và bình siêu tốc.
Sau vụ cháy chung cư mini, tôi cũng yêu cầu con trang bị và mua sẵn mặt nạ chống khói, thang dây".
Nhiều nhà trọ vẫn chưa có động thái phòng cháy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong khi đó, nữ sinh Vân thỉnh thoảng lại bần thần nhìn lại căn phòng trọ chỉ rộng 12m vuông của mình một cách đầy lo lắng: "Nếu có cháy, em không biết thoát thân lối nào".
Vì khu vực nhà trọ cũ không đủ an ninh, Vân chuyển và ký hợp đồng nhà trọ mới vào đầu tháng 9 năm nay. Sau thời điểm xảy ra vụ cháy làm 56 người tử vong, Vân mới bàng hoàng nhận ra đang "nhốt" mình ở một nơi không an toàn.
"Tòa nhà này có 8 tầng, tầng trên cùng được tận dụng làm chỗ phơi quần áo nhưng được lồng khung sắt, chỉ có một cửa sổ. Nếu có cháy, em cũng không dám nhảy từ tầng 8 xuống", Vân nói.
Cửa sổ duy nhất ở trên tầng 8 nơi Vân cư trú (Ảnh: Tú Như).
Bên ngoài cửa sổ sân thượng ở khu trọ của Vân (Ảnh: Tú Như).
Vân nói: "Em ở tầng 7, nếu có cháy, cách duy nhất là thoát thân từ cửa sổ tầng 8 xuống".
Mỗi tầng của nhà trọ có 5 phòng, phòng của Vân có tổng cộng 3 cửa sổ. Tuy nhiên, các cửa sổ ở phòng nữ sinh này đều dẫn ra giếng trời. Đặc biệt, cửa sổ ở khu vực bếp lại kín bưng.
"Vì sử dụng bếp gas, vật dụng dễ gây cháy nổ, em lúc nào cũng nghĩ đến kịch bản có cháy. Ngủ cũng không yên tâm", Vân nói.
Sử dụng bếp gas để nấu nướng trong không gian "không lối thoát", Vân vẫn thường lo lắng và phòng trước bản thân sẽ làm gì khi xảy ra cháy (Ảnh: Tú Như).
Phía bên ngoài cửa sổ phòng nữ sinh là không gian chật hẹp (Ảnh: Tú Như).
Phòng trọ của Vân có giá cho thuê là 3,8 triệu đồng/tháng. Vân muốn chuyển đến nơi có điều kiện phòng cháy tốt hơn nhưng vì đã ký hợp đồng một năm, nữ sinh đành chấp nhận ở lại.
Vân chia sẻ, gần đây quản lý nhà trọ nhắc nhở mọi người không được sạc xe đạp, xe máy điện sau 22h, không dùng các dây sạc, pin kém chất lượng hoặc không có nguồn gốc xuất xứ,... nhưng các buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy, Vân vẫn chưa thấy đâu.
Đoạn tin nhắn quản lý nhà trọ của Vân yêu cầu không được sạc xe đạp, xe máy điện sau 22 giờ, không dùng các dây sạc, pin kém chất lượng hoặc không có nguồn gốc xuất xứ,... (Ảnh: Tú Như).
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Tú Như/ Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/nha-tro-sinh-vien-cap-tap-thao-bo-chuong-cop-cam-sac-xe-dien-sau-22h-20230921185518485.htm