11
/
150598
Cha mẹ phải giúp con vượt qua mặc cảm thi trượt
cha-me-phai-giup-con-vuot-qua-mac-cam-thi-truot
news

Cha mẹ phải giúp con vượt qua mặc cảm thi trượt

Thứ 4, 19/07/2023 | 08:41:25
2,224 lượt xem

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là kết quả của cả quá trình nỗ lực của các sĩ tử suốt 12 năm đèn sách. Gia đình nào cũng kỳ vọng, mong kết quả được như mong muốn, con sẽ đậu vào các trường tốp đầu.

Phụ huynh dặn dò, động viên con trước khi vào phòng thi - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Phụ huynh dặn dò, động viên con trước khi vào phòng thi - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thế nhưng không phải thí sinh nào cũng đạt được kết quả tốt, cha mẹ phải làm gì để giúp con vượt qua được cảm xúc thi trượt ấy?

Đau đầu nghĩ cách ứng xử phù hợp

Ngày 18-7, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Đây là đỉnh điểm trong hành trình đầy "cam go" của thí sinh: chốt nguyện vọng xét tuyển đại học. Bên cạnh những thí sinh có điểm số cao, không ít thí sinh đạt được kết quả không như mong đợi, kỳ vọng ban đầu đặt ra.

Chị Hoa (45 tuổi, Hà Nội) những ngày qua trăn trở, lo lắng vì sắp đến ngày công bố kết quả thi THPT của cô con gái. Chị chia sẻ ngay sau khi hoàn thành các bài thi, con đã nói làm bài không tốt và rất lo lắng về điểm thi của mình.

"Thực tế tôi cũng không quá quan trọng việc con có vào được đại học tốp đầu hay không nhưng con lại đặt kỳ vọng rất nhiều. Vì vậy, từ ngày thi về con thường khép kín, ít chia sẻ với mẹ nên tôi càng lo lắng hơn.

Hiện tại khi đã biết điểm thi đại học, đúng như dự đoán ban đầu, con có kết quả không như kỳ vọng và tỏ ra rất buồn. Mặc dù đã an ủi nhiều nhưng con vẫn buồn, tôi băn khoăn chưa biết làm sao để có cách ứng xử phù hợp với con", chị Hoa nói.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, đây là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh sau mỗi kỳ thi lớn của con cái.

Đặc biệt hơn, với những học sinh và gia đình học sinh có kết quả không được như ý, ngoài những cảm giác lo âu, hồi hộp, căng thẳng, bồn chồn, còn có thêm sự hụt hẫng, thất vọng, buồn bã... Đây là thời điểm những cảm xúc, mong cầu của cha mẹ và con cái có sự chuyển dịch lẫn nhau tạo ra những mâu thuẫn.

"Có thể là sự thất vọng của gia đình đè nặng lên con cái nhưng cũng có thể là do chính trẻ tạo áp lực lên bản thân. Để giảm bớt những căng thẳng sau khi biết được kết quả của kỳ thi, cha mẹ hãy lắng nghe con cái, chia sẻ và cùng con tìm ra giải pháp", ông Hoàng nói.

Hãy cùng nhau tìm giải pháp

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, điều quan trọng nhất lúc này là hãy lắng nghe con. Chính những bạn trẻ là người trực tiếp và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi kết quả thi, vì vậy lúc này con cần có người để lắng nghe tâm tư.

Thay vì trách mắng, thất vọng vì kết quả không đạt như kỳ vọng, hãy chia sẻ với con, để con nói ra những cảm xúc, trở thành chỗ dựa tinh thần cho con.

"Hãy chia sẻ với con kỳ thi này tất nhiên quan trọng, nhưng những gì đã diễn ra rồi chúng ta không thể thay đổi được. Con vẫn còn cơ hội, một lần thất bại không thể đánh giá được con là người thất bại và đó sẽ trở thành động lực để con phấn đấu trong tương lai.

Điều quan trọng nhất là hãy cùng con tìm kiếm giải pháp. Cha mẹ hãy để con chia sẻ những mong muốn, sở thích và đam mê của con, để từ đó tìm những mục tiêu tiếp theo.

Có thể gợi mở cho con những lựa chọn mới, như học một lĩnh vực khác, học nghề, đi làm... để con nhận thấy kết quả kỳ thi không tốt không có nghĩa là tương lai của con chấm hết", chuyên gia chia sẻ.

Bác sĩ Trần Quang Huy - khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết khi biết kết quả thi của con không đạt như kỳ vọng, đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh, không nên la mắng hoặc tỏ ra thất vọng với con. Việc đầu tiên cha mẹ cần làm là nên động viên con vượt qua cảm xúc mặc cảm, bi quan.

"Khi thi không đậu, không có nghĩa con không có cơ hội thi vào năm sau, hoặc con cũng có thể thử sức ở những lĩnh vực khác nhau như học trung cấp, cao đẳng hay học nghề. Dù học nghề nào đi chăng nữa thì đích đến cuối cùng cũng là cho bản thân con sau này một công việc. Chỉ cần con cần cù, nỗ lực và có ý chí thì nghề nào cũng mang lại thành công", bác sĩ Huy nhắn nhủ.

Bác sĩ Huy cũng cho biết thêm đối với các thí sinh khi không đạt được kết quả như mong đợi thì đừng quá vùi đầu vào sự thất bại của bản thân. Các bạn nên trao đổi, chia sẻ với cha mẹ, người thân, bạn bè về những cảm xúc bản thân mình vừa trải qua.

Cùng con giải tỏa cảm xúc

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ, ở thời điểm này cha mẹ đừng để trẻ một mình, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cùng gia đình hoặc tập thể. Những hoạt động sẽ giúp con được giải tỏa những cảm xúc lo lắng, tiêu cực, sự quan tâm của gia đình sẽ giúp con vượt qua khủng hoảng nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cùng con tham gia những hoạt động hướng nghiệp khác để con có thêm những định hướng về tương lai, mở ra cơ hội cho con được tìm kiếm, tìm hiểu về những yêu cầu của nghề nghiệp mà con định lựa chọn. Từ đó, giúp con sẵn sàng cho những mục tiêu tiếp theo.

Theo Dương Liễu - Thu Hiền/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/cha-me-phai-giup-con-vuot-qua-mac-cam-thi-truot-20230718232656644.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung...
08:32 - 17/05/2024
104 lượt xem

Vụ lật xuồng chở công nhân ở Phú Yên: Do xuồng va đập vào thành cầu

Xác định nguyên nhân ban đầu của vụ lật xuồng chở công nhân trên sông Ba (Phú Yên) khiến 1 người chết và 2 người mất tích.
11:15 - 16/05/2024
611 lượt xem

Lùm xùm hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Bất cập quản lý, tổ chức thi

Vụ lùm xùm liên quan hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bị Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận tổ chức 'trái phép', vi phạm quy định tại VN là một sự việc...
07:55 - 16/05/2024
722 lượt xem

Trưởng khoa có ‘thực tài’ mới làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường?

Mặc dù pháp luật hiện nay không cho phép nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều trưởng khoa, giảng viên là giám đốc doanh nghiệp để dạy tốt hơn, vì phải...
15:53 - 15/05/2024
1,062 lượt xem

Hiệu quả từ mô hình lớp học 'chạy'

Từ năm học 2022 - 2023, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) triển khai mô hình lớp học truyền thống kết hợp lớp học “chạy”.
14:09 - 15/05/2024
1,128 lượt xem