11
/
148628
"Mẹ con làm nghề gì" và thái độ của đứa trẻ khiến người lớn ám ảnh
me-con-lam-nghe-gi-va-thai-do-cua-dua-tre-khien-nguoi-lon-am-anh
news

"Mẹ con làm nghề gì" và thái độ của đứa trẻ khiến người lớn ám ảnh

Chủ nhật, 11/06/2023 | 08:55:06
2,219 lượt xem

Đã hai tuần trôi qua, chị Hà vẫn ám ảnh với buổi liên hoan cuối năm của lớp con gái khi người dẫn chương trình hỏi lần lượt từng đứa trẻ "Bố, mẹ con làm nghề gì?".

"Mẹ con là bác sĩ nha khoa, nhưng con chưa nói hết..."

Chị Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con gái vừa tốt nghiệp lớp 5. Vì là năm cuối cấp, ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất tổ chức một buổi liên hoan chia tay long trọng tại nhà hàng. Đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ phụ huynh của lớp có cơ hội trò chuyện, giao lưu.

"Buổi liên hoan rất hoành tráng. Sân khấu kết hoa, treo ảnh các thành viên trong lớp, màn hình LED chiếu lại những khoảnh khắc quý giá từ khi các con mới chập chững vào lớp 1 cho đến khi phổng phao chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì. Một MC chuyên nghiệp được thuê dẫn dắt, hoạt náo chương trình.

Tất cả đều hoàn hảo cho đến khi MC mời các con lên sân khấu và giới thiệu con đến đây với ai, bố mẹ con làm nghề gì", chị Hà kể chuyện.

Theo lời chị Hà, rất nhiều học sinh không biết bố mẹ làm nghề gì. Nhưng các cháu lại biết rõ bố mẹ làm chức vụ gì. Các cháu hồn nhiên khoe bố con làm giám đốc, mẹ con làm trưởng phòng, bố con là chủ tịch hội đồng quản trị. Phụ huynh ngồi dưới sân khấu vỗ tay tán thưởng, reo hò không ngừng.

"Tôi nhận ra tình hình không ổn khi các cháu giới thiệu sau có biểu hiện so đo. Các cháu có bố mẹ chỉ làm công việc bình thường như bán hàng online hay nhân viên văn phòng bị áp lực, nói rất nhỏ và nhanh nghề nghiệp của bố mẹ cho xong. Còn những cháu có bố mẹ ở địa vị xã hội cao thì tỏ ra rất tự hào.

Một cháu tự tin giới thiệu: "Mẹ con làm bác sĩ nha khoa". MC nghĩ cháu đã nói xong nên chuyển micro cho bạn khác thì cháu giật lại nói: "Con chưa nói hết. Mẹ con là chủ phòng khám nha khoa". Phụ huynh bên dưới càng vỗ tay to hơn", chị Hà tâm sự.

Đỉnh điểm của câu chuyện khiến chị Hà ám ảnh khôn nguôi là một cháu bé khi đến lượt mình giới thiệu đã mím chặt môi, hai bàn tay lúng túng cầm chiếc micro mất nhiều giây không thể nói thành lời.

Người dẫn chương trình lúc này mới cảm nhận được phần nào câu hỏi thiếu tế nhị của mình. Anh "chữa cháy" bằng việc hỏi đứa trẻ: "Con đến đây với ai". Nhưng cháu bé vẫn im lặng.

"Khi đó, mẹ của cháu bé đã đứng lên "giải thoát" cho con. Chị cho biết chị là công nhân vệ sinh môi trường. Tiếng vỗ tay của phụ huynh vang lên không đều, có phần ngượng ngùng khi nghe chị ấy nói. Còn cháu bé trả lại micro, ngồi chúi đầu xuống", chị Hà tường thuật.

Buổi tiệc sau đó sôi nổi trở lại với các trò chơi tập thể. Nhưng chị Hà không còn vui nữa. 

"Tôi cứ nghĩ mãi, nếu như tôi không phải một luật sư mà là công nhân vệ sinh môi trường, con của tôi có tự tin giới thiệu về mẹ sau khi nghe những tiếng vỗ tay bộc phát bên dưới sân khấu thể hiện rõ rệt thái độ phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội của người lớn hay không?

Và những đứa trẻ không được "oai", "oách" vì bố mẹ không phải giám đốc, chủ tịch sẽ mang một nỗi tổn thương sâu thẳm như thế nào?", chị Hà tâm tư.

Chị Hà mang suy nghĩ của mình chia sẻ lên nhóm phụ huynh. Một số phụ huynh đồng quan điểm nghề nghiệp bố mẹ là thông tin riêng tư, không nên mang ra để hỏi trẻ công khai, nhất là theo cách thức như trong tiệc liên hoan.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh cho rằng chị Hà quá nhạy cảm. Phụ huynh cũng cần biết nghề nghiệp của nhau để tạo mạng lưới xã hội rộng mở, có thể tìm đến nhau, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

Phụ huynh cần điều chỉnh tiếng vỗ tay của mình

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng câu chuyện nói trên phản ánh hành động phi giáo dục của người lớn. 

"Dù cố ý hay vô tình, người lớn đang truyền tải đi một thông điệp "độc hại", đó là dạy trẻ không yêu lao động.

Những phản ứng của người lớn trước danh xưng nghề nghiệp nếu lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ hình thành một thế giới quan lệch lạc. Chúng sẽ hiểu sai mục đích của học tập, học để làm giàu, học để có vị thế xã hội cao, để hơn người khác, để được trọng vọng…", PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Ông Nam cũng cho rằng, cha mẹ không thể dạy trẻ về sự bình đẳng, biết quý trọng, tôn trọng tất cả các nghề nghiệp trong xã hội nếu chính cha mẹ không có thái độ sống đó.

Giá trị của một người không phải ở số tiền họ làm ra, vị thế họ có mà là những đóng góp của họ với xã hội thông qua lao động. Ở khía này, mọi nghề đều đáng quý như nhau.

Mẹ con làm nghề gì và thái độ của đứa trẻ khiến người lớn ám ảnh - 1

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng người lớn đang truyền đi thông điệp lệch lạc về nghề nghiệp, dạy trẻ không yêu lao động (Ảnh: NVCC)

Theo ông Nam, chính phản ứng lệch lạc của cha mẹ trước các danh xưng nghề nghiệp khiến cuộc đua vào cấp 3 công lập ở các thành phố lớn trở nên khắc nghiệt không cần thiết. Cha mẹ lẫn học sinh mang suy nghĩ đi học nghề là "mất giá", thậm chí thấp kém.

Cùng với đó, những người trẻ đi học nghề không đủ tự tin vào công việc của mình, thiếu động lực học tập, trau dồi kỹ năng để trở nên giỏi nghề.

Ông Nam dẫn chứng những nghề như đầu bếp, thợ may, thợ sửa khóa, thợ trang điểm, thợ gốm… và nhấn mạnh:

"Bất kỳ công việc nào, dù là lao động phổ thông hay lao động trí óc thì người lao động đều có cơ hội thành danh nếu phấn đấu đạt đến trình độ cao trong nghề, làm nghề bằng trách nhiệm, sự chỉn chu, không ngừng học hỏi để tạo ra sản phẩm khác biệt, từ đó tạo ra giá trị cao cho xã hội".

Theo Hoàng Hồng/Dân trí 

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/me-con-lam-nghe-gi-va-thai-do-cua-dua-tre-khien-nguoi-lon-am-anh-20230606232446293.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung...
08:32 - 17/05/2024
65 lượt xem

Vụ lật xuồng chở công nhân ở Phú Yên: Do xuồng va đập vào thành cầu

Xác định nguyên nhân ban đầu của vụ lật xuồng chở công nhân trên sông Ba (Phú Yên) khiến 1 người chết và 2 người mất tích.
11:15 - 16/05/2024
574 lượt xem

Lùm xùm hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Bất cập quản lý, tổ chức thi

Vụ lùm xùm liên quan hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bị Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận tổ chức 'trái phép', vi phạm quy định tại VN là một sự việc...
07:55 - 16/05/2024
680 lượt xem

Trưởng khoa có ‘thực tài’ mới làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường?

Mặc dù pháp luật hiện nay không cho phép nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều trưởng khoa, giảng viên là giám đốc doanh nghiệp để dạy tốt hơn, vì phải...
15:53 - 15/05/2024
1,024 lượt xem

Hiệu quả từ mô hình lớp học 'chạy'

Từ năm học 2022 - 2023, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) triển khai mô hình lớp học truyền thống kết hợp lớp học “chạy”.
14:09 - 15/05/2024
1,087 lượt xem