11
/
148186
Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa
canh-bao-thieu-minh-bach-viec-chon-sach-giao-khoa
news

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa

Thứ 6, 02/06/2023 | 10:35:00
2,179 lượt xem

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn sách giáo khoa.

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Học sinh lớp 3 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM

Sáng 1-6, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ở kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng, phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn sách giáo khoa.

Theo bà Thúy, việc này là do thông tư 25 ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa. Thông tư tuy có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người.

Thông tư không hề quy định khi một cuốn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỉ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm chọn cuốn sách ấy.

"Ý kiến không được tôn trọng"

"Tôi được nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng. 

Thậm chí, nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên", bà Thúy nói và cho hay bà có địa chỉ cụ thể của những giáo viên và cán bộ quản lý này.

Điều đáng lo ngại nhất, theo bà Thúy, việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan vừa không khuyến khích sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, vừa có thể khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh. 

Từ đó dần làm sai lệch chủ trương xã hội hóa, thậm chí xóa bỏ việc xã hội hóa trong lĩnh vực này, trở lại tình trạng độc quyền như cũ.

Bà Thúy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của thông tư 25. 

Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập đã được nêu trong nghị quyết 29 của trung ương và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã được quy định trong nghị quyết 88 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề cập các sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới. 

Bà Thúy cũng dẫn thông tin Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam báo cáo trong buổi làm việc với phó thủ tướng ngày 10-5 rằng tính đến ngày 30-4-2023, tỉ lệ in sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%.

Nhưng thực tế ngày 5-5, nhà xuất bản mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Thời gian mở thầu là 9h ngày 21-5. "Có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà nhà xuất bản báo cáo phó thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu?", bà Thúy đặt câu hỏi.

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa - Ảnh 2.

Giáo viên Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM tập huấn sách giáo khoa lớp 4 theo chương trình mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì?

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa trực tiếp trả lời về chất vấn nêu trên của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 1-6, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết trong báo cáo của nhà xuất bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: Hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 5, 9, 12) đã triển khai in 86% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 65%. 

Đối với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10) đã triển khai in 81% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 36%.

Riêng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 4, 8, 11), để kịp tiến độ in, có sách giáo khoa trước khai giảng phục vụ năm học 2023 - 2024, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam dự kiến in khoảng 51,41 triệu bản. 

Trong đó đang triển khai lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ in rộng rãi (tổ chức đấu thầu) với số lượng tương ứng 79% kế hoạch in dự kiến.

Trong trả lời báo chí trước đó, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cũng nêu khó khăn về sự chậm trễ công bố kết quả chọn sách của các địa phương dẫn tới việc thông báo số lượng sách đăng ký nhà xuất bản cũng chậm so với dự kiến. Cụ thể tới giữa tháng 5-2023 mới chỉ có 37/63 tỉnh, thành phố công bố kết quả chọn sách.

Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ cung ứng sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 từ 15-6. Nhà xuất bản này cũng cung cấp đường dây nóng (số điện thoại 0344181018) hoạt động từ 8h-22h hằng ngày trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến hết ngày 30-9-2023, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ để hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa mới.

"Không có việc gợi ý, định hướng"

Hà Nội là một trong những địa phương hoàn tất việc chọn sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11. Trước đó, hàng chục ngàn giáo viên được tiếp cận sách giáo khoa mới và tổ chức nghiên cứu, thảo luận, tập hợp ý kiến lên hội đồng chọn sách cấp thành phố. 

Ông Phạm Xuân Tiến - phó chủ tịch hội đồng chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của Hà Nội - khẳng định việc lựa chọn sách giáo khoa mới xuất phát từ cơ sở, theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có việc định hướng, gợi ý từ trên xuống các nhà trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-6, hiệu trưởng một trường THPT quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết kết quả lựa chọn sách của thành phố cũng khớp với đề xuất của trường: "Chúng tôi triển khai cho giáo viên nghiên cứu độc lập và có ý kiến trong tổ chuyên môn. 

Nhà trường tập hợp ý kiến chuyển lên hội đồng. Về cơ bản, tôi thấy ý kiến của giáo viên và trường đã được tôn trọng". Hiệu trưởng một trường THPT khác ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết việc chọn sách mới năm nay tôn trọng ý kiến từ các trường.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) - cho biết từ tháng 2-2023 trường đã nhận sách giáo khoa từ Phòng Giáo dục và Đào tạo. Có hai nhà xuất bản với ba đầu sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều.

Theo cô Nguyệt, trường xây dựng kế hoạch lập tổ chuyên môn đọc và nghiên cứu chuyên sâu, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. Tổ gồm nhiều nhóm (nhóm tiếng Việt, toán...) được ấn định thời gian đọc, nghiên cứu, tổng hợp biểu mẫu nhận xét ưu điểm, nhược điểm. 

Sau đó họp từng nhóm, họp tổ và tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án lựa chọn sách, nộp cho ban giám hiệu. Mỗi môn chỉ chọn một đầu sách. "Quá trình hoạt động của các tổ, nhóm không có sự can thiệp của ban giám hiệu. Tránh gợi ý, lựa chọn", cô Nguyệt cho biết thêm.

Giáo viên một Trường THCS ở Đà Nẵng: Vẫn có sự "lệch pha"

Tôi cũng được lấy ý kiến để lựa chọn sách giáo khoa mới. Tổ trưởng sẽ đưa một biểu mẫu (có các đầu sách khác nhau) cho các giáo viên để có ý kiến góp ý lựa chọn.

Tuy nhiên, tôi thấy vẫn có sự "lệch pha". Có thể một giáo viên thích đầu sách này hơn vì dễ hiểu, gần gũi, học sinh dễ tiếp cận nhưng khi được lựa chọn thì lại là đầu sách khác.

TP.HCM: "Lúc đầu cứ nghĩ là thủ tục cho có"

Cô Ngọc Tâm - giáo viên môn toán ở một trường THCS thuộc vùng ven TP.HCM - cho biết: "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ việc giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa rồi tiến hành bỏ phiếu, thống nhất chọn một bộ sách ở trường mình chỉ là một thủ tục để có văn bản gửi lên cấp trên. Năm nay, trường chúng tôi chọn sách giáo khoa toán 8 của nhóm tác giả không phải ở TP.HCM.

Chúng tôi bảo nhau ý kiến mình như thế nào thì cứ viết vào văn bản như thế nhưng chắc hội đồng chọn sách giáo khoa cấp thành phố không quan tâm. Chắc chắn họ sẽ chọn bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo vì nhóm tác giả bộ sách này phần lớn là các nhà giáo ở TP.HCM.

Tuy nhiên, kết quả khá bất ngờ khi bộ sách trường chúng tôi chọn có tên trong danh mục sách giáo khoa chính thức của TP.HCM, bên cạnh các bộ sách giáo khoa khác. Điều này khiến chúng tôi tin tưởng hơn vào sự khách quan trong việc chọn lựa sách giáo khoa của thành phố".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông tin: "Hội đồng chọn sách giáo khoa cấp thành phố sẽ chọn lựa, biểu quyết trên cơ sở kết quả chọn lựa sách giáo khoa ở các đơn vị. Do đó, có đầu sách chúng tôi chỉ bỏ phiếu chọn một bộ sách nhưng có đầu sách chúng tôi chọn hai bộ hoặc chọn tất cả các bộ sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định và phê duyệt.

Ví dụ môn tiếng Anh 4 năm nay TP.HCM chọn cả ba bộ sách của ba nhóm tác giả khác nhau để đưa vào danh mục chính thức. Sau đó, các trường tiểu học sẽ chọn bộ sách phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của học sinh trường mình".

H.HG.

Theo Tiến Long - Vĩnh Hà - Đoàn Cường/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/canh-bao-thieu-minh-bach-viec-chon-sach-giao-khoa-20230602090640683.htm

  • Từ khóa

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
395 lượt xem

16 sinh viên học vượt tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận bằng tốt nghiệp

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho 1.053 sinh viên, trong đó 16 SV học vượt (3,5 năm) với thành tích cao.
14:28 - 26/04/2024
402 lượt xem

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết...
10:50 - 26/04/2024
508 lượt xem

Những điểm mới cần nhớ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang đăng ký thử và sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chính thức ngay sau kỳ nghỉ lễ 30.4 (từ 2 - 10.5). Để đảm...
09:23 - 26/04/2024
538 lượt xem

Khi cô giáo mầm non "đeo mặt nạ", hôn hít đón trẻ, khép cửa là... đánh

Không chỉ đến sự việc chủ nhóm lớp Tí Bo đánh, đè lên người trẻ nhét đồ ăn gây bức xúc, đã quá nhiều vụ việc có chung mẫu số cô giáo mầm non cười tươi khi...
16:40 - 25/04/2024
978 lượt xem