Đại dịch COVID-19 kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó cần kể đến một bộ phận không nhỏ bạn trẻ có thu nhập giảm sút, thậm chí cuộc sống một số bạn trở nên lao đao.
Vào TP giữ cháu, bà Mai giúp chị S. tiết kiệm được một khoản tiền mỗi tháng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Nhằm giúp các bạn trẻ có thêm những lát cắt, góc nhìn về việc đương đầu, tìm giải pháp cho những thử thách trên, Nhịp sống trẻ mở diễn đàn Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng.
Những kế hoạch chi tiêu khắt khe
Đã vài tháng nay, Quách Hồng Thái (28 tuổi, kỹ sư công nghệ, Q.2, TP.HCM) tự chuẩn bị phần cơm trưa ở nhà, thay vì ra tiệm ăn trưa với đồng nghiệp như trước. Anh Thái nói rằng mỗi sáng luôn dậy sớm hơn chừng 1 tiếng đồng hồ, từ đó có thể tiết kiệm được vài chục ngàn đồng nếu ăn quán.
Ngoài đem cơm đi làm, Thái đặt ra nguyên tắc chi tiêu: ăn tiệm, cà phê không quá 5 lần một tháng. "5 lần đó sẽ được chia đều là hai lần đi cà phê, hai lần ăn cơm tiệm và một lần gặp gỡ bạn bè" - anh Thái cười tâm sự.
Mục tiêu của anh Thái là sau khi trừ các khoản chi phí cho đi lại, ăn uống, nhà trọ, tiền mừng tiệc, gửi về quê lo cho cha mẹ... thì mỗi tháng phải để dành được 5 triệu đồng.
"Thấy lương vậy chứ sau khi trừ các khoản thì chắc gì đã còn dư được ngần ấy. Nay cái gì cũng đắt đỏ, mỗi năm dư được 60 triệu thì biết khi nào mới có thể mua được căn chung cư nhỏ để thoát kiếp ở trọ, rồi cưới vợ sinh con, chưa kể là ốm đau nữa" - anh Thái nói.
Thường xuyên đau ốm lặt vặt nên chi tiêu cho việc ăn uống để đảm bảo sức khỏe với cô gái trẻ Thu Hồng (23 tuổi, ngụ Q.1, nhân viên văn phòng) được xem là cần thiết. Nhưng bù lại, Hồng nói sẽ tiết kiệm bằng các "mẹo" như chỉ mua áo quần giảm giá và cần thiết thì sẽ... tuyệt giao.
Đặt chiếc túi xách của một thương hiệu nổi tiếng lên bàn, Hồng mừng khoe vừa mua được ở một vựa đồ cũ tại Q.5 với giá khá "bèo".
Cô cũng không quên khoe thêm về những vật dụng trong nhà như bàn ghế, tủ lạnh hay ngay cả nồi cơm điện cũng được "tậu" từ các vựa đồ cũ hoặc các trang rao bán "hàng 9 phẩy" trên mạng.
Có tháng Hồng gần như không giao du, tham gia bất kỳ cuộc gặp gỡ hàng quán nào với bạn bè, đồng nghiệp. Một ngày của cô chỉ lặp đi lặp lại bằng việc đến công ty vào buổi sáng và về thẳng nhà sau khi tan làm.
"Biết cách mua sắm thì cũ người mới ta thôi. Còn với bạn bè, đồng nghiệp thì đâu chỉ việc cà phê, ăn uống mới duy trì bền lâu. Ta vẫn có thể tâm sự khi gặp mặt ở công ty, thân nhau bằng việc hỗ trợ công việc cho nhau mà" - Hồng lý giải.
Gắng một tí phòng ốm đau
17h30 một ngày đầu tuần của tháng 12. Tan ca làm, Hồ Quý Ly (22 tuổi, quê Bình Thuận) không cùng nhóm bạn đến quán ốc như đã hẹn mà đi thẳng về nhà trọ nằm trên đường Nguyễn Cửu Phú (Q.Bình Tân).
Mệt mỏi sau nhiều giờ liền làm việc trong xưởng chế biến thực phẩm đông lạnh, Ly nằm bệt ra sàn. Cạnh cô còn có bốn người khác, tất cả cũng đều là công nhân cho các công ty chế biến thực phẩm, giày da gần đó.
Dù mọi người đã cố gắng nằm gọn nhưng để có đủ chỗ nằm thì Ly vẫn phải đóng sập cánh cửa phòng vệ sinh rồi nằm xoay lưng về phía đó bởi trong phòng chỉ rộng chừng 15m2.
Ngoài ở chung để tiết kiệm chi phí, Ly tâm sự rằng những bữa cơm "siêu tiết kiệm" với rau luộc, canh được tận dụng từ nước luộc rau, mì ăn liền... với họ là chuyện thường.
"Ở đây phòng nào cũng sống kiểu đó cả, ngủ cạnh phòng vệ sinh, ăn uống thiếu chất là chuyện thường thôi. Dịch bệnh đợt này khiến thu nhập ai cũng giảm đi nhiều, ở đông, ăn ít thì mới mong tiết kiệm được chút đỉnh" - Ly tâm sự.
Rời văn phòng ở Q.1 khi trời đã chập choạng tối, đôi vợ chồng trẻ Văn Hiếu (27 tuổi, thiết kế đồ họa) và Kim Ngân (23 tuổi, lễ tân, cùng ngụ tại TP.HCM) chở nhau trên chiếc xe máy cũ rồi tạt thẳng vào một gánh bánh cuốn bên vỉa hè. Cả hai ăn vội lót dạ rồi lại tiếp tục đi xe đến một quán bar trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) để kịp vào nhận ca.
Cả Hiếu và Ngân đều thừa nhận rằng thu nhập từ công việc chính vẫn đủ để sống khỏe, nhưng vì muốn có một khoản tiền phòng khi ốm đau, bệnh tật nên đã quyết định đi làm thêm ngoài giờ.
"Trước đó làm cứ mải ăn tiêu, không dành dụm, đến đầu năm phải nghỉ việc không lương gần 2 tháng do COVID-19 là trở tay không kịp, phải vay mượn để trả tiền trọ. Giờ rút kinh nghiệm, gắng một tí để phòng ốm đau, dịch bệnh rồi sau này còn con cái nữa chứ lâm khó khăn cũng chẳng ai giúp mình bằng mình" - Kim Ngân chia sẻ.
Mình khổ một, con khổ mười Nhà cửa, vườn tược đều ở Ninh Thuận, nhưng gần 2 năm nay bà Thúy Mai (49 tuổi) sống ở TP.HCM vì con gái là chị Huyền S. (26 tuổi, giáo viên một trường tiểu học ở Q.Tân Phú) mới sinh con. Bà Mai nói rằng ngoài giờ ở trường, chị S. còn phải đi dạy thêm đến gần 20h mới về tới nhà. "Lương giáo viên, rồi dạy thêm, cộng với lương của chồng nó thì cũng đủ trang trải, nhưng tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. Vào TP ở ngột ngạt, bí bách thật, nhưng vì thương con nên cũng tôi đành cố gắng, chứ mình khổ một chúng lại khổ mười" - bà Mai bộc bạch. |
Theo Công Triệu/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/that-lung-buoc-bung-vi-covid-19-ky-1-com-tu-nau-xai-do-cu-gia-beo-20210103202642423.htm