Dù còn ngồi trên giảng đường đại học, Việt Anh đã chốt được đơn hàng cây trị giá 300 triệu đồng cho khách ở Mỹ.
4 năm trước, khi còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, Giáp Bùi Việt Anh đã tạo ra trang cập nhật tình hình Covid-19 dành riêng cho người nước ngoài sống tại Việt Nam.
Hiện tại, ở tuổi 21, cô góp phần đưa nền nông nghiệp Việt đến gần với thế giới. Sự dạn dĩ, chuyên nghiệp của nữ sinh này khi đi một vòng nông trại, giới thiệu các loại cây kiểng lá dòng Monstera, Philodendron, Alocasia khiến phóng viên Dân trí nghĩ cô có lẽ đã tốt nghiệp đại học và đi làm lâu năm.
Việt Anh mong muốn góp sức nhỏ để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển trên thế giới (Ảnh: Mạnh Quân).
Thực tế, Việt Anh vẫn đang học ngành Marketing tại một trường chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Cô nhận được học bổng toàn phần của đại học này. Vừa học, cô vừa làm việc tại Xanh Xanh Urban Forest - nông trại chuyên xuất khẩu kiểng lá ra thế giới.
Được truyền cảm hứng từ nơi mình sinh ra
Việt Anh (sinh năm 2002) lớn lên tại Lục Ngạn, Bắc Giang - vùng đất trồng vải thiều nổi tiếng ở Việt Nam. Chính điều này khiến cô sớm có niềm yêu thích với hoạt động nông nghiệp.
"Lớn lên ở nơi gắn liền với vải thiều, tôi từ lâu đã rất thích hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đó cũng là cái duyên khiến tôi tìm thấy thông tin tuyển dụng cho vị trí thực tập sinh phòng phát triển kinh doanh của nông trại khi mới đến Hà Nội. Thực sự may mắn khi người bắt đầu từ con số 0 như tôi được nhận", Việt Anh chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Từ năm thứ nhất đại học, Việt Anh đã hoàn toàn độc lập về tài chính. Ngoài công việc ở nông trại, cô cũng đang đảm nhận vài dự án riêng. Gia đình cô không khó khăn, bố mẹ làm giáo viên, hoàn toàn có thể chu cấp được cho cô. Tuy nhiên, cô muốn tự lập.
Bố mẹ Việt Anh tỏ ra khá hoài nghi vì lo cô sẽ bỏ bê việc học. Nữ sinh đã chứng minh cho bố mẹ thấy, bản thân dễ dàng cân bằng được vấn đề này. Hơn nữa, những gì cô học được ở trường cũng đang được áp dụng vào công việc. Cô cho rằng, những bài nói, thuyết trình, cách kết nối được dạy trên giảng đường rất hữu ích.
Phải nhớ tên các loại cây mình chưa từng biết là khó khăn ban đầu với Việt Anh (Ảnh: Mạnh Quân).
Ban đầu, cô gái 21 tuổi gặp nhiều khó khăn. Bởi tên các loại cây đều mới mẻ và lần đầu cô được nghe. Trước đó, cô cũng không hứng thú với kiểng lá. Sau một tháng, cô dần biết được họ cây cũng như những đặc điểm gắn liền với chúng.
Việt Anh chốt thành công đơn hàng đầu tiên cho khách ở Mỹ với giá trị gần 300 triệu đồng. Đó là thành quả của cô sau 2 tháng ròng rã thuyết phục, gửi email. Dù không nhận được phản hồi, cô vẫn quyết không bỏ cuộc.
Gặp Việt Anh tại nông trại vào ngày thứ sáu, cô được nghỉ học nên ở công ty cả ngày. Việc học theo tín chỉ cũng giúp cô dễ thu xếp thời gian biểu. Hơn nữa, công việc của cô có thể làm online, tiếp xúc với những khách hàng nước ngoài, lệch múi giờ nên không ảnh hưởng nhiều đến việc học. Công ty cũng tạo điều kiện để cô hoàn thành tốt chuyện bài vở ở trường.
Công việc hàng ngày của Việt Anh là tìm kiếm, tiếp cận, giới thiệu các dòng cây đến một số thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Chưa bao giờ có kỳ nghỉ hè
"Nhiều lúc, tôi cũng suy nghĩ về việc đi làm khi bản thân vẫn còn ở tuổi ăn tuổi học. Bố mẹ cứ bảo tôi là 'sao chả bao giờ thấy con nghỉ hè'. Tuy nhiên, tôi chấp nhận đánh đổi để nhận về nhiều thứ giá trị hơn", Việt Anh bộc bạch.
Bố mẹ có thể chu cấp cho Việt Anh nhưng cô muốn tự lập sớm (Ảnh: Mạnh Quân).
Cô gái Bắc Giang nhận thấy sự khác biệt trong lối sinh hoạt của mình so với bạn bè cùng trang lứa. Mâu thuẫn với bạn bè đã xảy ra. Đôi khi, bạn của Việt Anh giận dỗi vì cô không tham gia được buổi đi chơi. Cô bận nên thường quên mất lịch hẹn.
Nữ sinh cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ chịu khá nhiều áp lực vô hình. Sự phát triển của mạng xã hội cho thấy những tấm gương thành công. Nhiều bạn tự áp mục tiêu bản thân phải có lương 1.000-2.000 USD (khoảng 23-47 triệu đồng) khi ra trường.
Với Việt Anh, cô muốn phát triển tự nhiên, không theo quy chuẩn. Hiện tại, cô không có người yêu và cũng chưa hề nghĩ đến vấn đề này.
Hàng ngày, ngày mới của Việt Anh bắt đầu từ 7h sáng. Cuộc sống cứ "đảo" liên tục từ trường học, công ty rồi về nhà. Cô kết thúc một ngày vào lúc 2h sáng.
Lời cảm ơn là món quà vô giá
Nhắc lại về trang thông tin Covid-19 lập cho người nước ngoài, Việt Anh cho biết, cô hiện tạm dừng dự án. Cô có thể tận dụng tài nguyên và phát triển hệ sinh thái nội dung. Tuy nhiên, cô quyết định giữ lại cho cộng đồng.
Mải học tập và làm việc, Việt Anh thường xuyên bị bạn bè giận dỗi vì quên mất lịch hẹn (Ảnh: Mạnh Quân).
Cô gái Bắc Giang kể lại: "Mốc thời gian khiến tôi nảy ra ý tưởng lập trang là lúc có ca mắc số 17 ở Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) được công khai. Khi đó, các bạn người nước ngoài ở hội nhóm cứ tưởng 'Hà Nội hôm nay là Black Friday hay sao mà ai cũng đi mua đồ ăn'.
Tôi mới ngỡ ngàng, nhận ra mọi người không được cập nhật thông tin kịp thời về dịch bệnh. Số lượng ca ngày càng tăng nên tôi đã lập trang. Khi lượng công việc nhiều, tôi tuyển tình nguyện viên và các bạn cũng tham gia làm cùng".
Thời điểm đó, cô gái đến từ Lục Ngạn đã nhận được những lời cảm ơn từ các bạn nước ngoài. Một số người còn gửi quà cho cô. Những điều nhỏ bé xuất phát từ tấm lòng chính là món quà vô giá với Việt Anh cho đến tận bây giờ.
Hiện tại, mục tiêu ngắn hạn của Việt Anh là vẫn muốn đồng hành cùng nông trại và giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa trên thế giới, đặc biệt là kiểng lá
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nu-sinh-bac-giang-lap-trang-covid-19-cho-nguoi-nuoc-ngoai-gio-ra-sao-20230531153913219.htm