240
/
92164
Báo động mất an toàn trong trường học
bao-dong-mat-an-toan-trong-truong-hoc
news

Báo động mất an toàn trong trường học

Thứ 4, 27/05/2020 | 14:56:42
421 lượt xem

Chỉ trong thời gian rất ngắn có hai vụ tai nạn thương tâm tại Hải Dương và TP. Hồ Chí Minh khiến hai học sinh tử nạn, 13 em bị thương. Trường học lẽ ra phải là nơi an toàn nhất đối với các em. Hai vụ tai nạn chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trường học có dấu hiệu bị buông lỏng.

Hiện trường vụ tai nạn đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM). Ảnh: L.T

Hiện trường vụ tai nạn đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM). Ảnh: L.T

Hai vụ tai nạn thương tâm

Chiều 26.5, TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ cây đổ đè nhiều học sinh thương vong tại Trường THCS Bạch Đằng. 

Buổi họp báo có sự tham dự của ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM và ông Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, ông Lê Quang Đạo - đại diện Sở Xây Dựng, ông Trần Quang Bá - quyền Chủ tịch UBND quận 3 đại diện lãnh đạo Công an quận 3, Trung tâm cấp cứu thành phố. 

Về tình hình sức khoẻ của các học sinh, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, tại hiện trường có 13 em bị cây đổ đè vào. Có 4 em chuyển vào bệnh viện Sài Gòn - ITO, trong đó có 1 em đã được về còn 3 em mổ sườn vào trưa nay. 8 em đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có 5 em đã được ra viện, 3 em gãy tay, chân, chấn thương cột sống còn chờ để mổ. Trường hợp em N.T.K được cấp cứu tại bệnh viện An Sinh đã mất vào 8h sáng nay. 

Ông Trần Quang Bá - Quyền chủ tịch UBND quận 3 cho biết gia đình em N.T.K thuộc diện hộ cận nghèo, mẹ của em K cũng mới sinh em bé được 2 ngày, vẫn còn rất yếu. Phía quận đang phối hợp với các cơ quan chức năng để lo hậu sự cho em K, trước mắt chi tạm ứng hỗ trợ cho gia đình là 40 triệu. 

Trước đó, ngày 22.5, ở Hải Dương học sinh N.T.A. (15 tuổi, lớp 9, Trường THCS Quyết Thắng) tử vong sau thời gian điều trị tai nạn điện giật. Theo lý giải nhà trường, A. và các bạn cùng lớp thực hiện lao động theo phân công của giáo viên nhà trường là cắt, tỉa cành cây phi lao sau sân trường. Trong lúc đang chặt cây, cành cây phi lao bị đổ chạm vào dây điện cao thế gần đó khiến em A. bị điện giật ngã xuống đất.

Ngay sau xảy ra sự việc, nhà trường tiến hành sơ cứu và nhanh chóng đưa em N.T.A. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Do vết thương nặng nên ngay trong chiều tối cùng ngày, em học sinh này được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng nam sinh này đã tử vong vào tối 22.5 tại nhà riêng trên địa bàn xã Quyết Thắng.

Trách nhiệm thuộc về nhà trường

Về vụ việc tại trường Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM), ông Lê Quang Đạo - đại diện Sở Xây Dựng TPHCM cho biết: “Về cây xanh đô thị trên đường, công viên thuộc Sở Xây dựng và UBND quận huyện quản lý tùy theo phân cấp. Riêng đối với cây xanh ở công sở thì thuộc quyền quản lý của các đơn vị công sở đó”. 

Còn Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý tài sản trong khuôn viên nhà trường, trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu. 

Tuy nhiên, trả lời của các đại diện các đơn vị lại cho thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý cây xanh trong trường học. Lãnh đạo trường THCS Bạch Đằng cho biết, công tác kiểm tra chăm sóc cây xanh được diễn ra hàng năm nhưng nhà trường phải nhờ bộ phận có chuyên môn, nghiệp vụ làm giúp chứ không thể tự làm. 

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM cũng cho biết, đối với những cây cổ thụ cao trên 10m, hiệu trường chỉ có không thể tự ý đốn cây mà phải làm văn bản xin phép sự đồng ý của các cơ quan có chuyên môn, có chức năng. 

Về công tác đảm bảo an toàn trường học, ngành giáo dục đào tạo TPHCM ghi nhận đây là trường hợp đầu tiên cây đổ gây thương vong cho học sinh trên địa bàn. “Đây là bài học cho toàn ngành để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học” - vị đại diện Giám đốc Sở Giáo dục TPHCM nhấn mạnh. 

Ông Nam cũng cho hay hằng năm Sở Giáo dục có ít nhất 2 văn bản vào đầu năm học và trước mùa mưa bão (khoảng tháng 3) nhắc nhở các cơ sở giáo dục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, trong đó có quản lý cây xanh, chú ý các cây có nguy cơ gãy, đổ. 

Ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chia buồn tới gia đình em học sinh tử vong và gửi lời thăm hỏi các em học sinh bị thương trong vụ tai nạn đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TPHCM. Qua sự việc đau lòng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng công tác đảm bảo an toàn trường học phải tiếp tục được các nhà trường, địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ trưởng đề nghị Sở GDĐT TPHCM, các Sở GDĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Năm 2007, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định về  “Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông”. Trong đó, quy định trường học an toàn phải có hàng loạt tiêu chí: Có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định; Có quy định về phát hiện và xử lý tai nạn, thương tích ở trường học; có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn (nếu có) và phương án dự phòng xử lý tai nạn, thương tích; Thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; Thực hiện đánh giá quá trình triển khai và kết quả các hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích, đề nghị, công nhận trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích vào cuối năm học.

Tuy nhiên cũng đã đến lúc Bộ GDĐT đưa ra những quy định mới chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm lớn hơn của nhà trường để có biện pháp phòng tai nạn học đường, để trường học thực sự là một nơi an toàn, xứng đáng là nơi gửi gắm của phụ huynh học sinh tới nhà trường.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ:  Đây là sự việc hết sức đau lòng

Tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình em học sinh tử vong và gửi lời thăm hỏi các em học sinh bị thương trong vụ tai nạn đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM) và bị điện giật ở Trường THCS Quyết Thắng (Hải Dương).

Đây là sự việc hết sức đau lòng. Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các em học sinh gặp nạn.

Tôi cũng gửi lời động viên tới giáo viên, học sinh của trường và mong các em học sinh, thầy cô giáo ổn định tâm lý, sớm vượt qua mất mát này để ổn định tổ chức dạy và học.

Qua các sự việc này cho thấy, việc đảm bảo an toàn trường học phải tiếp tục được các nhà trường, địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:  Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục

Vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh đang rất đáng báo động, đặc biệt ở trường học. Thời gian qua liên tục xảy ra những vụ bạo lực trong nhà trường như học sinh đánh nhau, học sinh bị giáo viên đánh, rồi việc bị bạo hành tinh thần như cháu bé ở Hải Phòng bị phê bình vì đi học sớm. Gần đây nhất là học sinh bị tử vong vì cây đổ, điện giật ở trong trường học.

Vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em chúng ta nói rất nhiều rồi. Tôi loại trừ những yếu tố khách quan như không thể dự báo khi nào có cây đổ; đường dây điện khi nào bị hở, hay đứt, nhưng những yếu tố chủ quan cần phải được nhắc tới. Ví dụ như chúng ta giáo dục chưa tốt kỹ năng sống cho con em chúng ta. Rồi nhà trường cũng làm chưa tốt điều đó. Những việc đơn giản như không được đứng ở những nơi nguy hiểm, khi gió bão thì không đứng gần khu vực có cây xanh, cột điện... Đây là những kỹ năng tối thiểu gia đình và nhà trường phải trang bị cho học sinh. Đặc biệt, trách nhiệm của giáo viên không phải chỉ là dạy chữ mà  phải dạy cho các cháu kỹ năng sống, làm hành trang đi theo trẻ đến suốt cuộc đời.Đặng Chung - Cao Nguyên - Trần Vương


Theo Anh Nhàn-Anh Tú- Đình Trường/Lao động

https://laodong.vn/xa-hoi/bao-dong-mat-an-toan-trong-truong-hoc-808157.ldo

  • Từ khóa

Vì sao 2 năm chưa kết thúc điều tra vụ 600 người ngộ độc ở Nha Trang?

Cách đây gần 2 năm, tại trường iSchool Nha Trang xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 600 học sinh, giáo viên của trường phải nhập viện; trong đó có 1...
10:23 - 26/04/2024
82 lượt xem

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe, TPHCM đi Nha Trang chỉ mất 5 giờ

Tuyến cao tốc cuối cùng kết nối TPHCM đi Nha Trang chính thức thông xe vào hôm nay, giúp người dân, doanh nghiệp rút ngắn quãng đường từ TPHCM đi Ninh...
09:12 - 26/04/2024
114 lượt xem

Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ chìm thuyền làm 4 người mất tích ở Quảng Ninh

Sự cố chìm thuyền xảy ra trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, khiến 4 người mất tích. Thủ tướng chỉ đạo điều tra nguyên nhân sự cố này và xử...
19:01 - 25/04/2024
461 lượt xem

Khi cô giáo mầm non "đeo mặt nạ", hôn hít đón trẻ, khép cửa là... đánh

Không chỉ đến sự việc chủ nhóm lớp Tí Bo đánh, đè lên người trẻ nhét đồ ăn gây bức xúc, đã quá nhiều vụ việc có chung mẫu số cô giáo mầm non cười tươi khi...
16:40 - 25/04/2024
524 lượt xem

Hà Nội đề xuất trông giữ ô tô dưới gầm cầu cạn

Trước tình trạng số lượng ô tô gia tăng nhanh chóng, ngành giao thông Hà Nội kiến nghị tiếp tục cho phép thành phố sử dụng vỉa hè, lòng đường, gầm cầu cạn...
15:53 - 25/04/2024
516 lượt xem