9
/
160964
Vợ hay chồng quản lý tài chính gia đình?
vo-hay-chong-quan-ly-tai-chinh-gia-dinh
news

Vợ hay chồng quản lý tài chính gia đình?

Thứ 4, 06/03/2024 | 10:29:00
2,072 lượt xem

Dù quản lý thu nhập theo kiểu nào thì cũng cần sự minh bạch, rõ ràng, công khai, tôn trọng, nhất là phải bảo đảm sự ổn định của gia đình và sự phát triển của con cái

Tiền ai nấy giữ hay đưa cho vợ/chồng quản lý hoặc phân chia quỹ chung - quỹ riêng? Đây là câu hỏi khiến nhiều gia đình trẻ đau đầu.

Tiền ai nấy giữ

"Với vợ chồng tôi thì tiền ai nấy giữ. Tôi không biết thu nhập của chồng là bao nhiêu. Tiền lương, thưởng Tết của tôi, chồng cũng không bao giờ hỏi" - chị Trần Thúy Vy (ngụ quận 5, TP HCM) cho biết.

Theo chị Vy, vợ chồng chị thỏa thuận những khoản chi lớn như vay mua nhà, sửa nhà, mua những thứ từ chục triệu đồng trở lên, tiền học hằng tháng của con… thì anh lo. Tiền chị làm ra chủ yếu chi tiêu ăn uống, điện nước, đau ốm, thăm nom nội - ngoại, hiếu hỉ, mua sắm các thứ cho gia đình, chồng con và bản thân... Hai vợ chồng trích một khoản chung để dự phòng, lo cho tương lai của con. Tài khoản này cả hai cùng quản lý. 

Phân chia như vậy là để mỗi người có trách nhiệm với gia đình, còn khi anh hoặc chị khó khăn thì sẽ cùng ngồi lại nói rõ lý do, tìm giải pháp khắc phục sớm nhất có thể và người còn lại sẽ bao các khoản, cân đối lại chi tiêu...

"Nói chung là tiền ai nấy giữ, không ai quản ai nhưng có sự chia sẻ với nhau khi khó khăn. Cứ như vậy, hơn 15 năm nay, chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau liên quan đến tiền bạc. Chúng tôi nghĩ dù kết hôn, sống chung một mái nhà, có những nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi chung nhưng ai cũng cần có một khoảng trời riêng cần tôn trọng" - chị Vy nhìn nhận.

Vợ hay chồng quản lý tài chính gia đình?- Ảnh 1.

Vợ chồng anh Minh Hoàng (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng tương tự, tiền ai nấy giữ và có một tài khoản chung để lo cho tương lai và các con. Ai muốn mua xe mới, điện thoại mới, chai nước hoa đắt tiền… thì tự lấy tiền mình mua.

"Thỉnh thoảng sinh nhật vợ/chồng, có thể mua tặng nhau những thứ đắt tiền như iPhone thế hệ mới, giỏ xách, quần áo hàng hiệu…, nếu thấy bạn đời mình mong muốn có mà chưa mua được. 

Tiền của mình, mình giữ nên có đi ăn uống với bạn bè cũng tự tin hơn vì không phải "báo cáo" với vợ. Dĩ nhiên, tự giữ tiền thì cũng phải biết chi tiêu hợp lý, vì không được "chi viện" nếu vung tay quá trán" - anh Hoàng hóm hỉnh.

Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình

Với anh Trần Phi Hùng (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) thì lại khác. Tự nhận mình không biết quản lý tiền bạc nên từ khi kết hôn, anh giao toàn bộ tiền cho vợ nắm giữ, dù thu nhập của anh thuộc hàng khá.

"Tôi cảm thấy thoải mái với việc này. Vợ tôi là người chu đáo, giỏi tính toán, giao cô ấy quản lý tiền bạc thì cha con tôi không lo… đói. Mỗi tháng, tôi chỉ giữ lại 5 triệu đồng để cà phê, thỉnh thoảng ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp. Hết số tiền đó thì tự động "off". 

Nhờ vậy mà sau 10 năm kết hôn, chúng tôi có nhà cửa, mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết trong nhà; con cái học hành, quần áo, ăn uống đầy đủ; cha mẹ hai bên được chăm sóc chu đáo. Ai cười, cho là sợ vợ, tôi cũng không thấy phiền lòng. Một người vợ lo toan trong - ngoài tốt như vậy, sợ cũng đáng!" - anh Hùng bày tỏ.

Chung sống với nhau gần 50 năm nay vẫn trong ấm ngoài êm, vợ chồng ông Cao Minh - bà Thúy Phượng (ngụ TP Đà Nẵng, đều trên 70 tuổi) cho rằng đó là nhờ không để chuyện tiền nong xen vào tình cảm vợ chồng. 

Thu nhập của vợ/chồng bao nhiêu mỗi tháng, họ đều biết vì chung sự quản lý. Tổng thu nhập được chia từng phần trong tháng: tiền sinh hoạt gia đình; nghĩa vụ đối với cha mẹ 2 bên; hiếu hỉ, đau ốm đột xuất; tiền chi tiêu cá nhân; tiền tiết kiệm…

"Tất cả đều được thể hiện rõ trong sổ chi tiêu gia đình. Tháng nào chi nhiều vào những việc không cần thiết thì tháng sau phải cân đối lại, sao cho số tiền để dành mỗi tháng chỉ tăng chứ không bớt đi. 

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy mỗi gia đình nên có sổ chi tiêu để biết tiêu xài hợp lý, giảm bớt việc mua phung phí những thứ không cần thiết. Như vậy, "kho thóc" của gia đình mỗi năm sẽ tăng thêm, bảo đảm cuộc sống không thiếu trước hụt sau hoặc có thể có một số tiền lớn để mua thêm nhà, đất" - ông Minh quả quyết.

Ông Minh cũng lưu ý với những gia đình khá giả, cần có thêm một khoản tiền đầu tư. Khoản tiền này nên riêng biệt để tránh rủi ro, ảnh hưởng tới gia đình. Trường hợp xấu nhất, vẫn còn tiền sinh hoạt phí, bảo đảm việc ăn uống, học hành của con hoặc đau ốm… Khi cần đầu tư vào việc gì, vợ chồng cùng bàn bạc kỹ để hạn chế thấp nhất thất bại.

Theo bà Phượng, không có công thức nào chung cho các gia đình vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Có gia đình vợ chồng cùng quản lý thu nhập chung, có nhà tiền ai nấy giữ, cũng có gia đình người vợ hoặc người chồng giữ tay hòm chìa khóa… Việc này hai vợ chồng nên thống nhất khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân để tạo nên sự vui vẻ, thoải mái, tin tưởng nhau.

"Dù quản lý thu nhập gia đình theo kiểu nào thì cũng cần sự minh bạch, rõ ràng, công khai, tôn trọng; đặc biệt phải bảo đảm sự ổn định của gia đình, sự phát triển của con cái. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó có thể phá vỡ hoặc duy trì tình yêu, hôn nhân lâu dài hơn" - bà Phượng nhận định.

Theo một số nghiên cứu, khoảng 70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến tài chính. Giải quyết ổn thỏa chuyện tiền bạc cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giữ vững hạnh phúc gia đình. 

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/vo-hay-chong-quan-ly-tai-chinh-gia-dinh-196240302204011235.htm

 

  • Từ khóa

Bức thư giải nhất UPU năm 2024: ‘Trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương’

Học sinh lớp 9 ở Đà Nẵng đạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024 khi hóa thân thành một nhân viên làm việc tại bưu điện ngôi làng...
16:12 - 26/04/2024
1,060 lượt xem

Bơi 100 km trong 2 ngày giúp bé gái sơ sinh bị bỏ rơi hoại tử ruột.… 'được sống'

Thương Kim Diệu - cô bé sinh non bị bỏ rơi được Cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần cưu mang, trải qua 3 lần phẫu thuật vì hoại tử ruột. Lương Ngọc Duy cùng 2...
14:20 - 26/04/2024
1,102 lượt xem

Doanh nghiệp tặng vàng tri ân nhân viên: Vẫn nên tin câu 'công ty là đại gia đình' chứ!

Không tìm cách cắt giảm lao động lớn tuổi và ưu tiên tuyển lao động trẻ, có những doanh nghiệp tặng vàng, thưởng tiền thâm niên như một sự trân trọng sự...
12:13 - 26/04/2024
1,140 lượt xem

Vinh danh 200 'chiến sĩ nhỏ Điện Biên’

Với tinh thần chăm ngoan, học giỏi, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tích cực rèn luyện và tham gia công tác Đội, 200 tấm gương tiêu biểu đã được T.Ư...
09:11 - 26/04/2024
1,228 lượt xem

WHO báo động: Quá nhiều người trẻ dùng rượu bia, thuốc lá điện tử

Dựa trên dữ liệu khảo sát từ 280.000 thiếu niên độ tuổi 11, 13 và 15 ở châu Âu, Trung Á và Canada, WHO cung cấp 'bức tranh đáng lo ngại' về việc sử dụng...
16:41 - 25/04/2024
1,634 lượt xem