24
/
54684
Công chức Catalonia giữa ngã ba đường sau tuyên bố độc lập
cong-chuc-catalonia-giua-nga-ba-duong-sau-tuyen-bo-doc-lap
news

Công chức Catalonia giữa ngã ba đường sau tuyên bố độc lập

Thứ 2, 30/10/2017 | 16:54:40
950 lượt xem

Chấp nhận sắp đặt của chính quyền trung ương hay kiên trì với con đường đòi độc lập là quyết định khó khăn mà giới công chức Catalonia phải chọn.

Cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và vợ hôm 28/10 xuất hiện tại quê nhà ông ở thành phố Girona. Ảnh: AFP.

Agusti Colomines, một viên chức Catalonia, chăm chú đọc bản copy sắc lệnh từ Madrid sa thải cấp trên của ông cùng các lãnh đạo khác thuộc chính quyền vùng tự trị. "Đấy chỉ là những lời lẽ trống rỗng", ông Colomines chiều 29/10 nói. "Đó không phải sự thật".

Theo New York Times, trong lúc chính quyền Tây Ban Nha cố gắng tìm cách để khôi phục trật tự hiến pháp ở Catalonia, sau khi nghị viên Catalonia hôm 27/10 tuyên bố độc lập, một câu hỏi dấy lên hiện nay là liệu các viên chức ở đây có chấp nhận sự quản lý từ trung ương hay họ sẽ kháng cự, giống như ông Colomines.

Lựa chọn khó khăn

Hôm 28/10, ông Carles Puigdemont, thủ hiến Catalonia nhưng đã bị Madrid phế truất, ngụ ý rằng ông hy vọng kịch bản thứ hai sẽ diễn ra. Trong một tuyên bố phát sóng trên truyền hình, Puigdemont cho hay chính quyền bị giải thể của ông sẽ "tiếp tục làm việc để đáp ứng các nhiệm vụ dân chủ". Nếu vậy, một tình thế rắc rối sẽ hình thành khi mà Catalonia rơi vào cảnh bị hai thế lực xung đột cùng quản lý: nội các của cựu thủ hiến Puigdemont và chính quyền trung ương.

Hiện nay, ở Catalonia "có hai thực tế song song", ông Oriol Bartomeus, giáo sư chính trị từ Đại học Tự quản Barcelona, nhận xét.

Một mặt, lực lượng bảo vệ biên giới Tây Ban Nha vẫn chịu trách nhiệm tại sân bay Barcelona và cờ Tây Ban Nha vẫn tung bay trên nghị viện Catalonia. Nhưng mặt khác, "một bộ phận người dân vẫn thực sự tin rằng 'chúng ta tự do, chúng ta là một nước cộng hòa độc lập'. Đối với phần này, thủ hiến Puigdemont và bộ máy của ông vẫn là chính quyền hợp pháp ở Catalonia", Bartomeus nói.

"Giải thể chính quyền là điều đơn giản, bạn chỉ cần viết nó ra" trong một thông báo chính thức, ông nhấn mạnh. "Vấn đề nằm ở việc cai quản Catalonia thế nào để có một chính quyền với hướng đi đúng đắn, hiệu quả".

Ông Puigdemont dành cuối tuần qua tại quê nhà Girona, nơi các quan chức địa phương đã gỡ bỏ cờ Tây Ban Nha khỏi những tòa nhà hành chính. Chưa rõ liệu Puigdemont có trở lại làm việc ở Barcelona vào ngày 30/10 hay không nhưng một số đồng minh của ông cho hay mọi công việc sẽ diễn ra bình thường.

"Như những gì ông Puigdemont truyền đi trong bài phát biểu hôm 28/10, chúng tôi vẫn sẽ làm việc", Neus Lloveras, một nghị sĩ Catalonia thuộc đảng của ông Puigdemont, khẳng định. "Chính quyền chúng tôi thừa nhận chỉ là chính quyền được bầu tại Catalonia".

Và thậm chí nếu ông Puigdemont bị bắt với cáo buộc nổi loạn, "Cộng hòa Catalonia vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, bởi những cá nhân đơn lẻ không làm nên một nước cộng hòa. Đây là phong trào của số đông, không phải một dự án cá nhân", bà Lloveras nói thêm.

Cựu lãnh đạo lực lượng cảnh sát Catalonia Mossos d'Esquadra, ông Josep Lluis Trapero. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát Catalonia, đã nêu rõ ràng rằng họ sẽ tuân thủ mệnh lệnh từ bộ máy chính quyền do Madrid bố trí, Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria dẫn dắt.

Sau khi chính quyền Tây Ban Nha sa thải lãnh đạo lực lượng Mossos d'Esquadra Josep Lluis Trapero hôm 28/10, người kế nhiệm ông, Ferran Lopez, đã ngừng bảo vệ các bộ trưởng khu vực. Ảnh của ông Puigdemont cũng được gỡ bỏ khỏi vô số đồn cảnh sát.

Nhiều quan chức âm thầm hưởng ứng việc bổ nhiệm ông Lopez bởi Trapero được đánh giá là người đã khiến Mossos d'Esquadra bị chính trị hóa quá đà, theo một nguồn tin giấu tên bên trong công đoàn cảnh sát Tây Ban Nha.

Đối với không ít viên chức Catalonia, quyết định làm theo hay phản kháng lại mệnh lệnh từ Madrid không chịu ảnh hưởng từ biến động chính trị mà chủ yếu do cân nhắc thực tiễn, theo New York Times.

Bởi Madrid trực tiếp kiểm soát việc chi trả lương cho họ nên "hầu hết các nhân viên công vụ đều lo sợ mất việc và không còn thu nhập", Joan Maria Sentis, điều phối viên Ủy ban Lao động Tây Ban Nha chi nhánh Catalonia, cho biết.

Tuy nhiên, một phần bên trong chính quyền Catalonia, đặc biệt đối với các quan chức cấp cao, rất nhiều người nhiệt thành ủng hộ ông Puigdemont. Hơn 150 người được cơ cấu để leo lên các vị trí cao ở Catalonia đều có thể lựa chọn từ chức nếu không đồng ý với việc vùng tự trị này tuyên bố độc lập, song rất ít người chấp nhận thôi chức vụ, theo Colomines.

Colomines tuyên bố sẽ tiếp tục nhận mệnh mệnh từ cấp trên đã bị sa thải của mình, bà Meritxell Borras, cựu bộ trưởng quản trị công, bởi Colomines tin ông đang sống trong một nước cộng hòa Catalonia mới.

"Bà Meritxell là bộ trưởng của tôi", ông nói và miêu tả mệnh lệnh từ Madrid "không khác gì một mẩu giấy".

Theo Vũ Hoàng/VnExpress

  • Từ khóa

Coca Cola là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới

Công ty Coca Cola chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu, tiếp theo là PepsiCo chiếm 5%, Nestle 3% và Danone 3%.
19:31 - 26/04/2024
260 lượt xem

Mỹ không thể tịch thu tài sản Nga nếu...

Mặc dù Mỹ là nước khởi xướng việc tịch thu tài sản của Nga, nhưng họ sẽ không làm điều này một mình.
16:31 - 26/04/2024
327 lượt xem

Quá nắng nóng, Bộ trưởng Ấn Độ ngất xỉu giữa lúc phát biểu

Nhiệt độ cao ngất và sức nóng tại chiến dịch bầu cử khiến Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari chóng mặt và ngất xỉu giữa chừng trong bài phát biểu...
15:03 - 26/04/2024
348 lượt xem

Dòng vốn nước ngoài ồ ạt rời khỏi Trung Quốc

Trong những năm gần đây, phương Tây bắt đầu thay đổi căn bản chiến lược dài hạn đối với Trung Quốc đại lục.
14:25 - 26/04/2024
361 lượt xem

Kinh tế Mỹ quý 1 tăng trưởng chậm nhất trong 2 năm

Nền kinh tế Mỹ trong quý 1-2024 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần hai năm do nhập khẩu tăng vọt. Lạm phát tăng cao khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ...
10:55 - 26/04/2024
467 lượt xem