240
/
126179
Thanh thiếu niên bị trầm cảm: Tự tử không hẳn là muốn chết
thanh-thieu-nien-bi-tram-cam-tu-tu-khong-han-la-muon-chet
news

Thanh thiếu niên bị trầm cảm: Tự tử không hẳn là muốn chết

Thứ 3, 05/04/2022 | 10:38:35
864 lượt xem

"Covid-19 không chỉ giết người bằng virus. Nó giết người bằng chứng trầm cảm và tự sát", bố của một thanh niên 18 tuổi tự tử hồi đầu năm ngoái cho biết.

Thanh thiếu niên bị trầm cảm: Tự tử không hẳn là muốn chết - 1

Dylan Buckner đã tự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 18 (Ảnh: Chelsea Stahl/NBC News).

Ông Chris Buckner vội vã lái xe đến chỗ con trai Dylan, trước khi cậu thanh niên 18 tuổi tự tử. Đó là 3 giờ chiều 7/1/2021, khi bạn bè cảnh báo với bố mẹ Dylan rằng cậu có thể gặp nguy hiểm.

Bà Karen Buckner, mẹ của Dylan, đã kiểm tra dịch vụ định vị trên điện thoại của con. Vị trí được xác định trong một khách sạn, cách nhà họ ở Northbrook (Illinois, Mỹ) vài dặm. Trên đường đến khách sạn, ông Chris đã gọi điện, nhắn tin cho Dylan nhưng không nhận được phản hồi.

"Làm ơn, chỉ cần con trai vẫn còn sống",  ông Chris đã tự nhủ trong suốt thời gian lái xe.

Dylan là học sinh trung học với cả tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Là một ngôi sao trong đội bóng bầu dục và có kết quả học tập tốt, Dylan mơ ước sẽ vào học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng.

Nhưng trong những tháng trước thời điểm cậu tự tử, căn bệnh trầm cảm đã bắt đầu đeo bám Dylan từ vài năm trước trở nên tồi tệ hơn. Đại dịch khiến những nơi Dylan thường tới và "tỏa sáng", như lớp học, sân bóng, các câu lạc bộ… buộc phải đóng cửa.

Khi đến gần khách sạn vào chiều hôm đó, ông Chris nhìn thấy cả dãy xe cảnh sát ở bên ngoài. Lập tức, ông hiểu rằng mình đã đến quá muộn để có thể cứu con trai.

Trên khắp nước Mỹ, tình trạng khủng hoảng tinh thần ở giới trẻ khi đó đã ở mức báo động. Dù không có dữ liệu về mối liên quan giữa việc thanh thiếu niên tự tử với việc học online hay các ảnh hưởng khác của đại dịch, nhưng các bậc phụ huynh và chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo rằng: Giới trẻ cần sự giúp đỡ.

"Tự tử không hẳn là người ta muốn chết. Đó là mong muốn chấm dứt nỗi đau tâm lý dai dẳng. Vấn đề nằm ở chỗ người có ý định tự tử tin rằng vấn đề của họ không thể giải quyết được. Các bậc phụ huynh cần giúp con cái thấy rằng có thể cùng nhau giải quyết vấn đề tưởng chừng như nan giải này", bà Susan Tellone - Giám đốc Hiệp hội Phòng chống Tự tử Thanh thiếu niên Mỹ cho biết.

Các dấu hiệu cảnh báo cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong giới trẻ đang xuất hiện. Đại dịch đã khiến cuộc sống tưởng như ổn định của Dylan ở trường và hoạt động ở các câu lạc bộ bị đảo lộn.

"Mọi người đều rất choáng váng. Tôi vừa thấy con trai học trực tuyến trên Zoom. Tôi tin rằng mọi thứ sẽ khác nếu Dylan ngồi trong lớp cùng 25 bạn học", bà Karen thở dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử

Vào một đêm mùa hè năm 2020, theo kế hoạch, Dylan sẽ đến trại bóng đá nhưng Covid-19 đã khiến sự kiện bị hủy bỏ. Bà Karen nghe thấy tiếng con trai đập vào bao cát trong tầng hầm. Khi bà đi xuống cầu thang, Dylan, người hiếm khi khóc, đang rơm rớm nước mắt.

"Rất rất khó để Dylan mở lời. Nhưng cuối cùng, Dylan tâm sự rằng thằng bé cảm thấy thật sự thất vọng", bà nói.

Vợ chồng bà biết rằng con trai đang cần sự giúp đỡ và đã tìm đến bác sĩ tâm lý ngay lập tức. Sau đó, Dylan bắt đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Thanh thiếu niên bị trầm cảm: Tự tử không hẳn là muốn chết - 2

Gia đình của Dylan (Ảnh: NBC News/Gia đình cung cấp).

Dylan đã không chia sẻ bất cứ điều gì với cha mẹ trong một thời gian dài tự chống chọi với trầm cảm. Cậu nói rằng, tình trạng đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian này. Tháng 9/2020, Dylan đã cố tự tử, cậu được đưa đến khu điều trị nội trú trong một tuần.

Vài tuần trước khi qua đời, căn bệnh trầm cảm của Dylan dường như đã thuyên giảm. Việc này khiến cha mẹ cậu càng hoang mang hơn vì không hiểu lý do con trai tự tử. Họ tin rằng chính đại dịch gây ra cái chết của Dylan.

"Nếu Covid-19 không xảy đến, tôi nghĩ Dylan vẫn sẽ ở đây. Covid-19 không chỉ giết người bằng virus. Nó giết người bằng chứng trầm cảm và tự sát", ông Chris nói.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các vụ tự tử. "Những đứa trẻ có thể đã gặp nhiều khó khăn trước đại dịch do bạo lực học đường, lo lắng về hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)…", ông Jonathan Singer - chủ tịch tổ chức ngăn chặn tự tử American Association of Suicidology nói.

John MacPhee, Giám đốc điều hành tổ chức hỗ trợ sức khỏe tâm thần The Jed Foundation, cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta cần phải lo lắng. Đối với thanh thiếu niên, một trong những điều quan trọng đang bị gián đoạn hiện nay là nhu cầu giao lưu, giao tiếp bên ngoài gia đình".

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở học sinh trung học, tỷ lệ tự tử trong độ tuổi từ 10-24 tuổi tăng 57,4% từ năm 2007 đến năm 2018.

Từ tháng 3 đến tháng 10/2020, tỷ lệ lượt khám của thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17 tại khoa cấp cứu liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần tăng vọt 31% so với cùng kỳ năm 2019, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, có thể ngăn chặn được sự gia tăng số vụ tự tử của thanh thiếu niên trong thời kỳ đại dịch. Các bậc phụ huynh nên tìm kiếm các dấu hiệu cảnh báo, chẳng hạn như sự cáu kỉnh tăng lên của con cái, sự thay đổi đột ngột về hành vi hoặc ngoại hình của chúng. Hay đôi khi là những lời nói như "Con là gánh nặng"; "Con đang tạo ra căng thẳng cho gia đình này"...".

Vượt qua thời khắc khó khăn

Dylan thức dậy với tinh thần vui vẻ vào ngày cuối cùng của cuộc đời, cha cậu nói.

Vào buổi sáng, Dylan xin nghỉ học để đến gặp bác sĩ tâm thần. Kết quả kiểm tra khiến Dylan và cả bố mẹ cảm thấy được khích lệ sau cuộc hẹn khám đó.

Thanh thiếu niên bị trầm cảm: Tự tử không hẳn là muốn chết - 3

Dylan đã thức dậy với tinh thần vui vẻ vào ngày cuối cùng của cuộc đời (Ảnh: NBC News/Gia đình cung cấp).

Sau cuộc hẹn, cậu học trực tuyến và làm bài kiểm tra vật lý online. Dylan trò chuyện với một trong những huấn luyện viên bóng đá của mình qua Zoom vào bữa trưa. Sau đó, cậu đăng ký học các lớp khác cho đến 3 giờ chiều. Nhưng rồi, Dylan cảm thấy "không có gì có thể vực mình khỏi cái hố này".

Các chuyên gia cho biết, tự tử, đặc biệt là ở thanh thiếu niên, thường là kết quả của những giây phút bốc đồng. Đó là cảm giác các em không thể nào vượt qua được khoảnh khắc "đau đớn dữ dội" để chứng minh sự kiên cường.

Tuy nhiên, tự tử không phải là một kết quả tất yếu. Một số người tự tử bất thành khuyên rằng, hãy có kế hoạch chi tiết về cách sẽ kiên trì vượt qua thời khắc khó khăn.

Imadé (33 tuổi, chuyên gia truyền thông ở North Carolina) bắt đầu trải qua các cơn hoảng loạn và trầm cảm vào năm lớp 8. Đến năm 30 tuổi, cô đã nhiều lần định tự tử.

Và rồi sau khi học cách đối phó với bệnh trầm cảm thông qua liệu pháp hành vi biện chứng. Giờ đây, cô có thể giúp đỡ những người khác thông qua tổ chức phi lợi nhuận Depression While Black do chính cô thành lập.

Lắng nghe những bản nhạc yêu thích và cử tạ đã cứu mạng Imadé. Cô cũng đề xuất các phương pháp bao gồm tập thiền, sử dụng đường dây nóng nhắn tin khủng hoảng, sử dụng ứng dụng notOK do thanh thiếu niên tạo ra để giúp đỡ người dễ bị tổn thương, liên hệ với bác sĩ tâm lý, gọi đến đường dây nóng phòng chống tự tử. Hay đôi khi bạn chỉ cần cầm một viên đá lạnh để đánh lạc cảm xúc.

"Bạn phải tìm cách làm cho chuyến tàu đó chậm lại để có thể nhảy sang được phía bên kia", Imadé đề cập đến phương pháp "cải thiện theo thời điểm". Cô cho biết thêm: "Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn có một kế hoạch dự phòng để biết cách tránh tự làm hại bản thân".

"Đừng xấu hổ"

Khi kể về sự ra đi của Dylan trong nỗi thương tiếc vô hạn, ông bà Buckner hy vọng việc lên tiếng sẽ có thể cứu được những thiếu niên khác. Họ e rằng Dylan có thể đã che giấu cảm giác tồi tệ của bản thân để không khiến cha mẹ phiền lòng.

Chris nói: "Điều mà tôi đang cố gắng chia sẻ với mọi người là: Nếu bất kỳ ai khác đang gặp khó khăn, đừng xấu hổ về điều đó. Bạn sẽ không thể khỏi bệnh nếu không nói với cha mẹ, đi khám bác sĩ cũng như uống thuốc".

Trước đây, Karen thường đi dạo sau bữa tối cùng với Dylan. Bây giờ bà vẫn duy trì thói quen đó, nhưng cùng với bạn bè của mình và trò chuyện về những gì họ nhớ về Dylan.

Karen chia sẻ, bà nhớ nụ cười, những cuộc trò chuyện thân thiết và cả lòng tốt của Dylan. Trong khi đó, khi được hỏi sẽ nhớ nhất điều gì về con trai mình, cha của Dylan ngập ngừng rồi thú nhận bằng giọng đứt quãng: "Thằng bé là điều tuyệt vời nhất trong thế giới của tôi. Thế nên, tôi sẽ nhớ tất cả mọi thứ".

Theo Tuệ Nhi/Dân trí (nguồn www.nbcnews.com )

https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/thanh-thieu-nien-bi-tram-cam-tu-tu-khong-han-la-muon-chet-20220404182022967.htm

  • Từ khóa

Sáng 1/5, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Đông Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 30/4, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh yếu đang di chuyển xuống phía Nam.
15:15 - 30/04/2024
58 lượt xem

Động đất 4.1 độ ở Kon Tum, nhiều tỉnh lân cận cảm nhận rung lắc

Một trận động đất có độ lớn 4.1 độ vừa xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Người dân nhiều tỉnh lân cận cũng cảm nhận được rung...
12:14 - 30/04/2024
141 lượt xem

Gần 3.000 tài xế bị tước bằng lái trong ngày thứ ba nghỉ lễ 30/4-1/5

Ngày 29/4, toàn quốc xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, khiến 38 người chết và 72 người bị thương. Lực lượng chức năng cũng tước hơn 2.900 giấy phép lái xe,...
19:19 - 29/04/2024
532 lượt xem

Lương cao gấp ba, nhiều công nhân tự nguyện làm việc xuyên lễ

Đi làm ngày lễ, thu nhập tăng gấp ba ngày thường nên nhiều người lao động đăng ký đi làm, sau lễ mới xin nghỉ phép
11:10 - 29/04/2024
747 lượt xem

TP.HCM nóng như 'chảo lửa'

Chưa đến 6 giờ sáng đã thấy ánh mặt trời, đến gần 6 giờ chiều nắng mới dịu bớt. Giữa trưa, nhiệt độ cảm nhận lên đến 44 - 45 độ C. Nhiều người dân ở...
07:30 - 29/04/2024
833 lượt xem