205
/
62977
Ý kiến trái chiều về việc 'chi 200 triệu đồng cho lãnh đạo xin thôi việc'
y-kien-trai-chieu-ve-viec-chi-200-trieu-dong-cho-lanh-dao-xin-thoi-viec
news

Ý kiến trái chiều về việc 'chi 200 triệu đồng cho lãnh đạo xin thôi việc'

Thứ 4, 04/07/2018 | 15:18:50
472 lượt xem

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ lãnh đạo thôi việc trước tuổi của Đà Nẵng sẽ tạo ra "lỗ hổng" trong bộ máy.

Sở Nội vụ Đà Nẵng sắp trình HĐND thành phố xem xét dự thảo Quy định chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc với mức hỗ trợ cao nhất lên đến 200 triệu đồng.

Ngoài số tiền hỗ trợ nêu trên, cứ mỗi tháng làm việc còn lại tính đến thời điểm nghỉ hưu, người tự nguyện thôi việc sẽ được tính bằng một tháng lương hiện hưởng. 

Có thể nhận đến 800 triệu đồng nếu thôi việc trước 5 năm

Ước tính lãnh đạo diện Thường vụ Thành ủy với mức lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, nếu nghỉ hưu trước 5 năm thì có thể nhận khoảng 600 triệu lương hiện hưởng, cộng với 200 triệu tiền hỗ trợ thôi việc. 

Do mức hỗ trợ lớn, nhiều người cho rằng thành phố cần đưa ra thời gian cụ thể cho chính sách này, nếu triển khai trong thời gian dài sẽ phát sinh thêm một khoản chi rất lớn đối với ngân sách.

Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho biết dự thảo quy định trên "thể hiện quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng trong việc đổi mới công tác cán bộ, tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ".

Trước đây Đà Nẵng từng có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nhưng lần này thu hẹp vào nhóm lãnh đạo, quản lý, và không phải tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi mà là "tự nguyện thôi việc".

Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Tiếng giải thích, tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi thì ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo quy định, hằng tháng người đó vẫn được lĩnh lương hưu như cán bộ hưu trí. Trong khi nếu tự nguyện thôi việc trước tuổi, cán bộ lãnh đạo chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo quy định của địa phương, hằng tháng không được lĩnh lương hưu do đã nhận hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi xin thôi việc.

Do vậy, ông Tiếng lưu ý các đại biểu HĐND thành phố cần cân nhắc kỹ khi thảo luận chính sách trên, đặc biệt trong bối cảnh Trung ương đang triển khai nghị quyết về cải cách bảo hiểm xã hội với khuyến nghị "có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần".

"Trung ương đang khuyến nghị hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần, địa phương lại khuyến khích việc này thì đây là vấn đề cần xem xét", ông nói.

Quy hoạch 37 cán bộ trẻ để thay thế lãnh đạo xin thôi việc sớm

Một vấn đề khác ông Bùi Văn Tiếng quan ngại là chính sách khuyến khích lãnh đạo thôi việc sớm có thể khiến cho sự thăng tiến của cán bộ trẻ "phụ thuộc vào may mắn". Nghĩa là, ở đơn vị này thủ trưởng xin nghỉ sớm thì cán bộ trẻ trong quy hoạch sớm được bố trí, còn với đơn vị khác, "sếp không xin nghỉ, cán bộ trẻ cũng là người được quy hoạch lại phải chờ thêm nhiều năm".

Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực một cửa. Ảnh: Nguyễn Đông. 

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng "khuyến khích ngược". Theo đó, có những nhân sự lãnh đạo, quản lý đang làm tốt công việc, lẽ ra cần tiếp tục tại vị để bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ trẻ thì lại xin nghỉ sớm vì thấy chính sách hấp dẫn. 

Một cựu lãnh đạo cấp sở của Đà Nẵng nhìn nhận, dự thảo khiến người đọc phân vân vì chưa làm rõ mục đích "chọn người để nghỉ hay để làm việc". Thành phố xác định cần lãnh đạo phục vụ công việc thì phải "chọn người để làm, chứ không phải để nghỉ".

Hơn nữa, đề án hình thành 'lãnh đạo dưới 40 tuổi' mới được thành phố thực hiện trong một năm, với thời gian ngắn như vậy "liệu đã quy hoạch được đội ngũ kế cận có đủ đức, đủ tài để ngồi vào vị trí lãnh đạo?".

"Về lâu dài lãnh đạo trẻ sẽ làm tốt, nhưng trong giai đoạn đầu, khi những người có kinh nghiệm đồng loạt nhường ghế thì sẽ tạo ra lỗ hổng về nhân sự trong bộ máy hành chính", vị cựu lãnh đạo nói.

Ông cho rằng, mục đích của thành phố là sàng lọc người không làm được việc, chứ không cứng nhắc theo hướng "lãnh đạo phải là người trẻ", do vậy cơ quan soạn thảo cần thiết kế chính sách phù hợp.

Trước lo lắng nêu trên, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, ông Trần Tuấn Lợi cho hay, để giữ chân những cán bộ cao tuổi nhưng mẫn cán, đảm đương tốt công việc, dự thảo đã nêu ra điều kiện ràng buộc là người xin thôi việc phải "được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý cho phép".

Điều này được hiểu là cấp có thẩm quyền sẽ chỉ đồng ý cho những người đang cần thay thế, còn nhân sự đang làm tốt trong khi chưa có nguồn bổ sung thì thành phố sẽ vận động tiếp tục đảm đương công việc.

Theo ông Lợi, hiện Đà Nẵng đã quy hoạch 37 cán bộ nguồn sẵn sàng đáp ứng công việc khi có lãnh đạo lớn tuổi "nhường ghế".

"Chính sách này không đặt nặng yêu cầu tinh giản biên chế, quan trọng là có đội ngũ lãnh đạo trẻ thế chỗ cho những cán bộ sắp đến tuổi về hưu và đã chậm chạp, tụt hậu trong công việc. Tuy nhiên dự thảo này khi trình HĐND chắc chắn sẽ phải thảo luận thêm một số điểm nữa mới có thể thông qua", ông Lợi nói.

Theo Nguyễn Đông/VnExpress


  • Từ khóa

Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa trước ngày đại lễ 7/5

Chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các tuyến đường, phố của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, được trang hoàng rực rỡ cờ...
09:47 - 27/04/2024
23 lượt xem

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4

Sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã...
11:10 - 26/04/2024
590 lượt xem

Quản lý thị trường vàng 'có vấn đề'

Ngày 25.4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2023, các tháng đầu năm 2024. Đây là...
09:15 - 26/04/2024
619 lượt xem

Báo cáo nhân quyền của Mỹ tiếp tục nhận định không khách quan về Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa...
19:45 - 25/04/2024
960 lượt xem

Hiệp định Geneve năm 1954: Mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Hiệp định Geneve được ký năm 1954 đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng...
15:05 - 25/04/2024
1,078 lượt xem