190
/
142498
Nhận biết bệnh đái tháo đường qua 'hơi thở mùi trái cây'
nhan-biet-benh-dai-thao-duong-qua-hoi-tho-mui-trai-cay
news

Nhận biết bệnh đái tháo đường qua 'hơi thở mùi trái cây'

Thứ 3, 14/02/2023 | 11:04:00
2,185 lượt xem

Không chỉ khát, sụt cân, mùi của hơi thở có thể là cảnh báo đái tháo đường type 1 ở trẻ nhỏ.

Khoa Nội tiết - Bệnh viện (BV) Nội tiết T.Ư (Hà Nội) các tháng gần đây đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7 - 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường (ĐTĐ) type 1 với chỉ số đường huyết rất cao. Nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh dễ gây hàng loạt biến chứng cho thận, mắt, tim mạch, thần kinh...

Trong số nhập viện có bé gái 8 tuổi được gia đình đưa đến BV khi đã gầy, sụt cân, mệt mỏi, mờ mắt sau thời gian có biểu hiện khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều.

Tại BV Nội tiết T.Ư, kết quả xét nghiệm phát hiện bệnh nhi có chỉ số đường huyết cao gấp nhiều lần chỉ số bình thường. Bệnh nhi đã được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Sau gần một tuần điều trị, hiện tại tình trạng của bé đã cải thiện rất tốt, đường huyết đã ổn định hơn. Dự kiến sẽ ra viện và theo dõi điều trị ngoại trú trong vài ngày tới.

Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp ĐTĐ type 1 ở trẻ em đã được điều trị tại BV Nội tiết T.Ư trong thời gian qua.

Nhận biết bệnh đái tháo đường qua 'hơi thở mùi trái cây' - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc đái tháo đường type 1 điều trị tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư Thúy Quỳnh

Hơi thở mùi trái cây

Các triệu chứng cần lưu ý ở trẻ là: khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy, sụt cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm (mà trước đây trẻ chưa bị)... Đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của ĐTĐ type 1 như: đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.

"Rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng ĐTĐ có thể chữa khỏi và tin vào những quảng cáo không chính xác trên mạng xã hội. Tôi xin khẳng định đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh ĐTĐ type 1. Khi có các biểu hiện nêu trên, người dân nên đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị phù hợp", bác sĩ (BS) Nguyễn Mạnh Tuấn, công tác tại Khoa Nội tiết - BV Nội tiết T.Ư, cho hay.

Độ tuổi hay gặp nhất là 10 - 14

Qua thực tế điều trị, BS Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: ĐTĐ type 1 là bệnh xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.

Về vai trò của insulin, BS Tuấn giải thích: "Nếu không có insulin, glucose (đường) trong máu không thể đi vào tế bào nuôi dưỡng cơ thể và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose. Tình trạng này kéo dài gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng, biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ". Chính vì điều này, ĐTĐ type 1 còn được gọi là ĐTĐ phụ thuộc insulin.

ĐTĐ type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, nhưng độ tuổi hay gặp nhất là 10 - 14. Tỷ lệ mắc ở nam, nữ là tương đương nhau. ĐTĐ type 1 chiếm khoảng 5 - 10% trong số người mắc bệnh ĐTĐ. Khoảng 5% người mắc ĐTĐ type 1 không rõ nguyên nhân. 95% trường hợp mắc là do cơ chế tự miễn, bởi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.

Một vài yếu tố nguy cơ khác là nhiễm vi rút Coxsackie, Rubella, Cytomegalo… Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn người bệnh ĐTĐ type 1.

Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp

Theo BS Tuấn, hiện để điều trị ĐTĐ type 1, việc sử dụng insulin là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.

"Ngoài ra, chúng ta cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp cho từng người bệnh. Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải nên duy trì khoảng 30 - 35 kalo/kg/ngày; cân đối về các nhóm thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết nhưng cũng đảm bảo đủ dinh dưỡng cho sinh hoạt làm việc cho người bệnh. Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra còn phải đảm bảo tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ", BS Tuấn lưu ý.

BS cũng chia sẻ, BV Nội tiết T.Ư đã đưa vào triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị ĐTĐ type 1, ví dụ: máy theo dõi đường huyết liên tục, máy bơm insulin dưới da liên tục giúp cải thiện điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Thăm khám định kỳ đối với người bệnh ĐTĐ type 1 là rất quan trọng, giúp BS theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/nhan-biet-benh-dai-thao-duong-qua-hoi-tho-mui-trai-cay-185230213122933757.htm  

  • Từ khóa

Bác sĩ chia sẻ chế độ ăn giúp kiểm soát huyết áp cao

Người bệnh huyết áp cao cần có chế độ ăn hợp lý, kiểm soát cân nặng, cắt giảm muối, bổ sung lượng kali, magie và canxi phù hợp.
09:15 - 27/04/2024
317 lượt xem

Một loại vitamin có khả năng tăng cường miễn dịch ung thư

Nhóm tác giả từ các cơ sở nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ và Đan Mạch đã đạt được kết quả bất ngờ trong thử nghiệm liên quan đến ung thư đường tiêu hóa.
17:12 - 26/04/2024
738 lượt xem

Testosterone thấp, nam giới nên làm gì?

Nồng độ testosterone thấp ở nam giới có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm trạng, khối lượng xương thấp hơn, giảm ham muốn tình dục… Vậy có cách nào để tăng...
15:42 - 26/04/2024
735 lượt xem

Những ai cần tránh ăn súp lơ?

Súp lơ trắng chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần hạn chế ăn các loại rau họ cải...
14:20 - 26/04/2024
761 lượt xem

WHO: Khoảng trống miễn dịch do Covid-19 đe dọa trẻ em Việt Nam

Giống như nhiều quốc gia khác, dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ...
11:00 - 26/04/2024
860 lượt xem