11
/
150995
Hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại chưa hoàn thành là "không bất thường"?
hon-52-000-hoc-sinh-lop-1-xep-loai-chua-hoan-thanh-la-khong-bat-thuong
news

Hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại chưa hoàn thành là "không bất thường"?

Thứ 4, 26/07/2023 | 14:46:00
2,086 lượt xem

Vụ trưởng Vụ Tiểu học Thái Văn Tài cho rằng con số 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại "chưa hoàn thành" không có gì bất thường và cần được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực.

Năm học 2022-2023, cả nước có 105.700 trên tổng số hơn 9,2 triệu học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, chiếm tỷ lệ 1,14%.

Trong đó, riêng lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành. Con số này chiếm tỷ lệ 2,9% trên tổng số 1.763.961 học sinh lớp 1 của cả nước.

Các số liệu này được thể hiện trong báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo nhận định "cách đánh giá mới phản ánh thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc".

Cũng theo báo cáo, trong 52.456 học sinh chưa hoàn thành lớp 1 có 16.215 là học sinh dân tộc thiểu số, 440 học sinh học lớp ghép (dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ) và 3.624 học sinh khuyết tật.

(Biểu đồ: Hoàng Hồng).

Số học sinh chưa hoàn thành chương trình các lớp bậc tiểu học lên đến hơn 1 vạn được dư luận cho là không bình thường. Phóng viên Dân trí đã trao đổi với ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về các con số trong báo cáo.

Thưa ông, so với các năm học trước, số lượng học sinh xếp loại "chưa hoàn thành" các lớp bậc tiểu học tăng hay giảm?

- Trong suốt 3 năm dịch bệnh Covid-19, các trường kết thúc năm học không đồng thời nên không tổng kết được số liệu cùng lúc để đánh giá. Tuy nhiên có thể dự đoán các năm trước tỷ lệ học sinh "chưa hoàn thành" lớp học cao hơn do điều kiện học tập trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn hơn.

Theo thống kê đến ngày 31/5, kết thúc năm học 2022-2023 có 105.734 học sinh ở bậc tiểu học đánh giá "chưa hoàn thành", lớp 1 có hơn 52.000 em. Phần nhiều trong số này là học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh lớp ghép và học sinh khuyết tật. 

Con số đánh giá chất lượng dạy học ở bậc tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng không khác biệt so với các năm. Học sinh lớp 1 "chưa hoàn thành" nhiều nhất, sau đó lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 giảm dần. 

Lý do học sinh lớp 1 "chưa hoàn thành" nhiều nhất vì đây là năm đầu tiên của bậc học với nhiều yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để học sinh thuận lợi học các năm tiếp theo.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp. 

Thứ hai là, trước thềm năm học vừa qua, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non, chủ yếu là trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kết hợp với ảnh hưởng của dịch bệnh. Không được học mẫu giáo, vào lớp 1 trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Con số hơn 52.000 em xếp loại thấp ở lớp 1 năm qua tương đương với con số khoảng 2% trẻ chưa được ra lớp mẫu giáo. 

Năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên học sinh toàn quốc được đi học trực tiếp trọn vẹn sau dịch Covid-19, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nói chung so với thời điểm trước khi có dịch bệnh xảy ra.

Hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại chưa hoàn thành là không bất thường? - 1

Con số hơn 1 vạn học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học có mâu thuẫn gì với chính sách phổ cập giáo dục tiểu học hiện nay, thưa ông?

- 105.700 học sinh "chưa hoàn thành" là chưa hoàn thành chương trình lớp học tương ứng, không phải là số học sinh không hoàn thành chương trình tiểu học 5 năm. Đối với học sinh "chưa hoàn thành", các nhà trường sẽ phải có kế hoạch dạy bù những phần kiến thức, nội dung các em chưa hoàn thành để học sinh đạt được các mục tiêu cần đạt.

Việc này nhằm đảo bảo quyền lợi của học sinh, tránh trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp, không ảnh hưởng hay mâu thuẫn với chính sách phổ cập giáo dục tiểu học.

Trong trường hợp việc bồi dưỡng, bù đắp kiến thức cho các học sinh "chưa hoàn thành" vào dịp hè không đạt hiệu quả, có phương án nào khác để hỗ trợ nhóm học sinh này hoàn thành? Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc này thế nào để tránh tình trạng các trường vì thành tích mà vẫn cho học sinh "chưa hoàn thành" lên lớp?

- Trong số các học sinh "chưa hoàn thành" lớp 1, mỗi em chưa đạt ở một số nội dung, hoạt động khác nhau. Các em khuyết thiếu ở nội dung, hoạt động nào, giáo viên các trường sẽ tăng cường bù đắp cho học sinh ở nội dung đó. Thực tế những năm trước việc này đã được thực hiện và mang lại hiệu quả. 

Cũng trên thực tế không phải tất cả học sinh sau khi được bồi dưỡng sẽ được lên lớp, sẽ có trường hợp học sinh ở lại lớp nhưng không phải con số hơn 52.000 em nói trên.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại chương trình, sách giáo khoa mới nặng về kiến thức và khó đối với học sinh, nhất là học sinh lớp 1. Con số 52.000 học sinh lớp 1 "chưa hoàn thành" liệu có liên quan tới vấn đề chương trình mới, sách giáo khoa mới hay không, thưa ông?

- Trước hết phải khẳng định, con số hàng chục nghìn học sinh đánh giá, xếp loại "chưa hoàn thành" cuối năm học không xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa. 

Khi thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục rất quan tâm tới đối tượng học sinh lớp 1 để có những điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, môn Tiếng Việt đã được điều chỉnh tăng từ 350 tiết/năm học lên thành 420 tiết/năm học nhưng nội dung kiến thức không tăng. Nghĩa là vẫn chừng đó chữ cái, âm vần nhưng tăng thời gian thực hành để học sinh thuận lợi hơn khi nắm được kiến thức. 

Chương trình, sách giáo khoa mới điều chỉnh môn học, điều chỉnh phương pháp, tăng tính thực hành, qua đó giúp việc học tập nhẹ nhàng, dễ đạt mục tiêu cần đạt hơn so với chương trình hiện hành. 

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có biện pháp nào để tăng cường chất lượng giáo dục tiểu học cũng như nâng tỷ lệ học sinh hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, nhất là đối tượng học sinh ở vùng khó khăn?

- Bộ GD&ĐT rất mong các địa phương tạo điều kiện, vượt khó để tất cả học sinh trong độ tuổi 5-6, nhất là trẻ vùng sâu vùng xa tiếp cận được chương trình mầm non. Thực tế hiện nay còn có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được ra lớp ở bậc mầm non là rất khó khăn cho các em khi vào lớp 1.

Hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại chưa hoàn thành là không bất thường? - 2

Học sinh tiểu học tại đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Trương Nguyễn)

Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về dạy học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Theo đó, sẽ có những nội dung bù đắp kiến thức, kết nối chương trình giáo dục mầm non với bậc tiểu học và nhiệm vụ này được các trường tiểu học thực hiện tại trường trước khi bước vào khai giảng năm học mới.

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, việc tiếp tục tăng cường giám sát thực chất chất lượng dạy học vẫn là giải pháp cần làm. Không vì thành tích mà thiếu chặt chẽ trong đánh giá, giám sát chất lượng.

Từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều phụ huynh lo ngại con chịu áp lực, chương trình lớp 1 nặng, dẫn tới phong trào cho con luyện chữ, làm toán trước khi vào lớp 1. Ông có lời khuyên nào dành cho phụ huynh?

- Như tôi đã nói ở trên, chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới chỉ tăng thời lượng, không tăng nội dung kiến thức. Nội dung các bài học được thiết kế không phải quá nhanh nên không tạo áp lực cho học sinh.

Trẻ 5 tuổi được ra lớp học mẫu giáo, trong chương trình được làm quen với bảng chữ cái, các con số, phụ huynh có thể yên tâm, tự tin cho con bước vào lớp 1.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Hoàng Hồng/ Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc/hon-52000-hoc-sinh-lop-1-xep-loai-chua-hoan-thanh-la-khong-bat-thuong-20230726100513515.htm

  • Từ khóa

Giáo sư hàng đầu thế giới cảnh báo cẩn trọng với việc chạy đua thứ hạng

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU) cho rằng, cần cẩn trọng với các bảng xếp hạng đại học bởi nhiều tiêu chí không phản ánh chất lượng...
08:29 - 28/04/2024
251 lượt xem

Sinh viên trường được doanh nghiệp "ưng nhất" khó đạt loại khá, giỏi?

Chỉ hơn 66% sinh viên của trường đại học được các nhà tuyển dụng phía Nam "ưng" nhất khi tuyển dụng xếp loại học lực khá, giỏi, xuất sắc.
08:43 - 27/04/2024
856 lượt xem

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
1,250 lượt xem

16 sinh viên học vượt tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận bằng tốt nghiệp

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho 1.053 sinh viên, trong đó 16 SV học vượt (3,5 năm) với thành tích cao.
14:28 - 26/04/2024
1,287 lượt xem

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết...
10:50 - 26/04/2024
1,375 lượt xem